Murata Sayaka là ai? Giới thiệu về tác giả của tiểu thuyết “Cô nàng cửa hàng tiện ích”

Nhà văn Murata Sayaka sinh năm 1979 tại thành phố Inzai, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Cô từng giành nhiều giải thưởng văn học của Nhật Bản như Giải thưởng Gunzo dành cho nhà văn trẻ năm 2003, Giải thưởng Mishima Yukio năm 2013. Đến năm 2016, với cuốn tiểu thuyết thứ 13 Cô nàng cửa hàng tiện ích”cô đã giành được giải thưởng Akutagawa – giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản trao cho các nhà văn trẻ có tác phẩm giá trị cao, đồng thời được vinh danh Người phụ nữ của năm do tạp chí Vogue bình chọn. Cuốn tiểu thuyết này cũng đã bán được hơn 1 triệu bản tại Nhật và đã được dịch ra 30 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Tiểu thuyết “Cô nàng cửa hàng tiện ích” không chỉ nổi tiếng vì nội dung của nó xoay quanh một cô nàng với tính cách kỳ quặc, nó còn làm người đọc bất ngờ khi biết rằng tính cách của cô nàng đó được xây dựng một phần từ chính tác giả Murata Sayaka. (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về cuốn tiểu thuyết này TẠI ĐÂY)

Dưới đây là một bài viết tổng hợp của một bài báo sau khi phỏng vấn Murata. Hãy cùng tìm hiểu xem Murata Sayaka là ai và là một con người như thế nào…

Sau khi nhân giải thưởng Akutagawa, mỗi ngày của tôi đều trở nên bận rộn…

Murata-Sayaka-nhan-giai-thuong

Ngay sau khi được nhận giải thưởng Akutagawa, có rất nhiều tờ báo và tạp chí mời Murata Sayaka viết bài. Murata đã nhận phỏng vấn và gặp mặt hầu hết những tờ báo đó. Thậm chí, cuốn sách “Cô nàng cửa hàng tiện ích” của cô còn gây được tiêng vang tới mức, cô được mời để tham gia những show truyền hình. Với lịch làm việc dày như vậy, Murata vẫn duy trì thói quen một tuần làm việc 3 ngày tại Cửa hàng tiện ích, viết truyện tại nhà hoặc quán cafe,.. Thế nhưng một sự thật là những ngày bình thường của cô trong quá khứ đã không bao giờ quay lại.

Murata: “Thật sự là tôi đã bận rộn hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Trong tháng ngay sau khi truyện được xuất bản, tôi chỉ đi làm được có 6 ngày. Tôi đã phải làm việc rất nhiều với nhà xuất bản ngay cả sau khi cuốn truyện được phát hành. Tôi đã không thể làm công việc làm thêm như ngày xưa và hiện nay tôi chỉ có thể báo cho người quản lý một số ngày mà tôi có thể đi làm.”

Cuộc sống và công việc của Murata cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ sau khi truyện của cô được nhận giải thưởng.

Murata: “Buổi họp báo ra mắt sản phẩm của tôi đã được phát nhiều lần trên cả ti vi và Internet. Những đồng nghiệp và cả những người xung quanh cũng đã khích lệ, chia vui với tôi rất nhiều. Có nhiều khách hàng đến cửa hàng và nói với tôi rằng “Tôi đã nhìn thầy cô trên ti vi. Hóa ra cô là nhà văn à?” hoặc “Tôi đã mua sách của cô”, những lời nói đó làm tôi cảm thấy rất vui. Thế mà người quản lý của hàng của tôi lại nói với tôi rằng “Tôi sợ lắm, không dám đọc tiểu thuyết của cô đâu!” Người quản lý trong truyện của tôi có thể có tính cách hơi đáng sợ và nhiều người không thích. Thế nhưng người quản lý bây giờ của tôi thì lại là một người rất hiền lành. Cho nên tôi đã nói với anh ý là “Không phải tôi đã lấy anh để làm hình mâu đâu!” ”

Khi bạn thật sự hiểu một cái gì đó, bạn sẽ cảm nhận được từng “âm thanh” của nó

Murata-Sayaka-la-ai

Nhân vật chính trong “Cô nàng cửa hàng tiện ích” là người đã làm thêm liên tục 18 năm tại cửa hàng và là một người phụ nữ 36 tuổi, chưa kêt hôn. Cô đã vẽ ra một nhân vật khá kỳ lạ, bằng tất cả sự vụng về của mình chiến đấu với quan niệm hiện nay của xã hội là chú trọng đến việc làm, kết hôn,…Cô cũng đã có thời gian dài làm việc ở cửa hàng tiện ích, do đó có nhiều ý kiến cho rằng cô đang tự kể lại câu chuyện của chính mình. Trong truyện, có những đoạn cô miêu tả rất chính xác và tinh tế về những âm thanh trong cửa hàng tiện ích.

Murata: “Cửa hàng tiện ích là nơi chứa đầy những âm thanh. Âm thanh của chuông báo khi có khách vào cửa, âm thanh quảng cáo của những cô ca sĩ mới được phát ra từ loa của cửa hàng, rồi tiếng gọi của những nhân viên, tiếng máy đọc mã Code của từng sản phẩm khi tính tiền, tiếng khách hàng bỏ đồ vào giỏ, tiếng khi ta chạm vào những chiếc bánh mì được gói bằng giấy bóng, tiếng chân của khách hàng,..”

Murata thường hay làm việc tại cửa hàng vào buổi sáng. Ngoài việc tính tiền, cô còn thành thạo cả việc sắp xếp sản phẩm và lau dọn cửa hàng. Cô đã bắt đầu công việc tại cửa hàng từ khi là sinh viên đại học, có lẽ vì vậy mà cô hiểu rất rõ những âm thanh này.

Murata: “Ví dụ về tiếng bước chân của khách hàng, nó sẽ rất chậm rãi nếu như khách hàng đang suy nghĩ, đắn đo khi chọn sản phẩm. Và nó sẽ trở nên nhanh dần khi họ đã chọn xong rồi tiến đi đến quầy tính tiền. Tôi đã nghe và hiểu rõ sự khác nhau đó, từ đó mà biết lúc nào mình nên quay lại quầy tính tiền”

Ngoài ra, ngay cả khi làm những công việc khác cơ thể của Murata cũng có những phản ứng tự nhiên với những âm thanh. Những âm thanh đó không chỉ giới hạn là những âm thanh của khách hàng.

Murata: “Khi nghe tiếng của tủ lạnh hoặc tiếng xột xoạt của túi nilon, tôi có thể đoán được là “Chắc nhân viên mới đang không biết cách làm xúc xích” hoặc là “Chắc nhân viên mới đang cố thử làm một chiếc bánh bao mà không được đây!” Có thể tôi làm được điều này là vì tôi bắt đầu công việc ở đây từ hồi còn trẻ. Khi làm ở đây, mỗi ngày tôi đều có cảm giác là cả 5 giác quan của mình đều đang được tôi luyện.” 

Tôi thích sắp xếp hàng hóa một cách hợp lý nhất

Khi đang nói chuyện về cuốn tiểu thuyết “Cô nàng cửa hàng tiện ích”, không biết từ lúc nào Murata đã chuyển sang nói về những kinh nghiệm khi làm việc ở cửa hàng tiện ích. 

Murata: “Làm việc ở đó tối thứ 2 là vất vả nhất. Rồi thứ 3 thì cũng bận. Tại vì hôm đó hàng mới sẽ về và phải bày nó lên giá. Đêm thứ 2 thì hàng hóa như bánh kẹo, đồ uống sẽ về, thứ 3 thì cơm hộp về. Sau khi nhân viên sắp xếp, người quản lý sẽ đi kiểm tra và sửa lại, tuy nhiên về cơ bản cách sắp xếp như thế nào đều là do nhân viên quyết định. Nhân viên sẽ tự suy nghĩ và bày những món đồ dễ bán nhất ở những chỗ đẹp nhất và tôi rất thích việc suy nghĩ đó. Ví dụ như có đợt mỳ Ý về nhiều và có khuyến mãi, tôi đã dịch chuyển vị trí của những món salad sang một ví trí khác để tăng thêm chỗ bày mỳ Ý. Rồi thay đổi vị trí đặt những chiếc bánh mỳ vì nghĩ là những người trẻ sẽ thích món này. Khi mà những món hàng đó bán được nhiều, tôi cảm thấy rất sung sướng. 

Khi được hỏi “Cô có định tiếp tục công việc làm thêm tại cửa hàng tiện ích hay không?” thì Murata đã ngay lập tức trả lời là “Có” mà không có một chút do dự.

Murata: “Nếu như có vấn đề gì thì có thể tôi sẽ suy nghĩ lại. Tuy nhiên, vào thời điểm này tất cả đều vẫn đang rất tốt đẹp và tôi sẽ tiếp tục nó. Giữ được nhịp sống là một điều rất quan trọng. Khi làm việc ở cửa hàng, tôi cảm thấy mình đang được sống một cuộc sống bình thường và cảm thấy rất thoải mái. Nhờ đó mà tôi có được một ngày bình thường, một ngày để tiếp tục viết truyện…Mấy hôm trước tôi mới đi làm lại sau một thời gian nghỉ, khách hàng đã đông hơn hẳn. Cửa hàng của tôi đang làm ăn tốt lắm. Xung quanh cũng có nhiều công ty mới mọc lên. Chúng tôi cũng đang thiếu nhân viên. Do đó tôi cảm thấy rất có lỗi vì không đi làm được nhiều”

Tôi cảm thấy khó chịu khi không được viết truyện

Sau khi được nhận giải thưởng Akutagawa, những tiểu thuyết cũ của Murata cũng đã được tái bản và được bày bán nhiều hơn. Khi nhớ lại những tác phẩm đó, Murata có nói “Tôi cảm nhận được những nỗ lực hết mình của tôi khi đó”. Có thể những tác phẩm cũ của cô còn chưa được trọn vẹn về nội dung, thế nhưng nhờ có những khó khăn khi đó mà cô có được như ngày hôm nay.   

Murata: “Tôi bắt đầu biết truyện từ 13 năm trước, hoàn toàn không suy nghĩ hay có một kế hoạch nào cả. Có thể không có nhiều người như tôi. Nhưng chính vì vậy mà từ nay về sau tôi cũng sẽ không quá đặt nặng một mục tiêu gì cả. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì cuốn tiểu thuyết “Cô nàng cửa hàng tiện ích” của tôi đã được dịch sang tiếng Hàn Quốc. Tôi rất tò mò không biết những con người ở đất nước khác, với những văn hóa khác, khi họ đọc tác phẩm của tôi thì họ sẽ nghĩ gì. Cho nên, nếu nói về mục tiêu, tôi muốn viết được những câu chuyện mà kể cả những người có văn hóa khác nhau cũng đều cảm nhận được nó.”

Có những thông tin là ngay sau khi viết xong tiểu thuyết “Cô nàng cửa hàng tiện ích”, Murata đã bắt đầu viết nhiều câu truyện khác, trong đó có cả một câu chuyện về tình yêu của một cô gái.

Murata: “Khi không viết, tôi cảm thấy khó chịu. Hay nói cách khác là tôi rất thích viết. Sau khi được nhận giải thưởng Akutagawa, tôi đã được gặp, nói chuyện với rất nhiều người và đang cảm thấy rất vinh dự. Về nội dung những gì tôi muốn viết tôi đã ghi chép lại hết rồi. Và tôi cũng rất muốn nhanh chóng có thể chuyển nó thành một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh”. 

 

 

 

Leave a Reply