Wabi Sabi là gì? Ý nghĩa của vẻ đẹp Wabi sabi

Các bạn đã bao giờ nghe về “Wabi sabi” trong tiếng Nhật chưa? Đây là một từ ngữ đặc trưng về văn hóa chỉ một nét đẹp rất riêng của Nhật.

Nó đặc biệt đến nỗi nhiều người Nhật cũng chỉ hiểu “lờ mờ” ý nghĩa của nó. Và cũng không có bất kì từ ngữ nào của quốc gia khác có thể dịch đúng nghĩa cho từ này cả.  

Hãy cùng tìm hiểu về Wabi sabi qua bài viết này.

Ý nghĩa của Wabi sabi

Wabi-sabi-la-gi-1

Vẻ đẹp Wabi sabi của hòn đá bị mọc rêu

Nói một cách đơn giản nhất, Wabi sabi là chỉ một cảm giác hoặc một ý thức về thẩm mỹ đặc trưng của văn hóa Nhật Bản.

Ý thức về thẩm mỹ đó chính là cảm nhận được vẻ đẹp từ sự đơn sơ, không hoàn hảo. Người Nhật vào thời xưa thường có xu hướng thích những vật mộc mạc, đang bị thiếu một cái gì đó hơn là những vật đẹp một cách toàn diện.

Tuy nhiên, Wabi sabi không chỉ là một từ chỉ tính chất của một vật nào đó. Nhiều người thường nghĩ nó hay dùng để chỉ trạng thái của một vật hay một cảnh nào đó nhưng thực tế Wabi sabi là một tiêu chuẩn về nét đẹp đặc trưng của văn hóa Nhật Bản.

Wabi-sabi-la-gi-2

Vẻ đẹp hoàn hảo của Kinkakuji hơi khác với khái niệm Wabi sabi

Ví dụ ở Kyoto có 2 ngôi chùa rất nổi tiếng là Kinkakuji (Chùa Vàng) và Ginkakuji (Chùa Bạc), người Nhật thường cho rằng ở Chùa Bạc cảm thấy nhiều Wabi sabi hơn. Lý do không chỉ đơn giản là vẻ ngoài mà nó còn là ở chính cảm giác về nét đẹp rất đăc trưng của người Nhật.

Wabi Sabi thường được dịch sang tiếng nước ngoài là “chưa hoàn thiện” hay “thiếu hoàn hảo”. Tuy nhiên để hiểu đúng nghĩa của Wabi sabi dưới dạng ngôn từ là rất khó, mà chúng ta cần phải hiểu nó bằng “cảm giác”.

Wabi sabi không chỉ đơn thuần là 1 từ!

Wabi-sabi-la-gi-3

Trả đạo và Wabi sabi cùng phát triển trong 1 thời kì

Thời nay mọi người thường dùng Wabi sabi như 1 từ để chỉ trạng thái của vật hoặc phong cảnh nào đó. Tuy nhiên, thực tế Wabi sabi là được ghép bởi 2 từ riêng biệt là “Wabi” và “Sabi”

Ý nghĩa của Wabi

Wabi-sabi-la-gi-4

Một căn nhà “Wabi”

“Wabi” được viết chữ Hán là “侘び”. Đây là danh từ được biến đổi từ động từ “Wabu” (侘ぶ).
“Wabu” ở đây là từ để chỉ trạng thái chán nản, bi quan, bối rối, đau khổ,..

Bên cạnh đó, nó cũng có cả ý nghĩa là “tận hưởng cuộc sống, môi trường yên tĩnh”. Ý nghĩa này được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay và nó đã trở thành ý nghĩa gần nhất cho từ “Wabi”.

Từ “Wabi” qua năm tháng nó đã gợi cho người nghe một cảm giác về một tinh thần lạc quan, biết tận hưởng cuộc sống dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Và dần dần nó mang ý nghĩa của một vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo.

Ý nghĩa của Sabi

Wabi-sabi-la-gi-5

Vẻ đẹp trong sự hao mòn

“Sabi” chữ Hán là “寂”, nó cũng là danh từ được biến thể từ động từ “Sabu”( 寂ぶ). Ý nghĩa của nó là “Cảm nhận được chiều sâu của vạn vật từ trong sự héo úa và im lặng”. Hay nói cách khác nó cũng mang ý nghĩa là vẻ đẹp đặc thù từ chính bề ngoài không hoàn hảo của mọi vật.

Nếu như “Wabi” là chỉ vẻ đẹp từ bên trong của sự vật thì “Sabi” chính là chỉ vẻ đẹp ở bên ngoài sự vật. Sâu hơn nữa, “Sabi” còn mang ý nghĩa chỉ tinh thần tận hưởng khoảnh khắc hiện tại bất chấp vẻ ngoài thiếu sót.

Chính sự kết hợp giữa cả vẻ đẹp bên trong và bên ngoài đó mà “Wabi sabi” đã trở thành một từ ngữ tượng trưng cho vẻ đẹp được sử dụng rộng rãi cho đến tận thời nay.

Lịch sử của Wabi sabi

Wabi sabi không phải bắt nguồn từ Nhật

Wabi sabi là một từ ngữ đặc trưng của văn hóa Nhật, được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay. Thế nhưng, khái niệm về Wabi sabi lại không phải bắt nguồn từ Nhật.

Khái niệm Wabi sabi được bắt nguồn từ tư tưởng Đạo giáo của Trung Quốc từ thời nhà Tống (năm 960-1279).

Không bắt nguồn từ Nhật, vậy tại sao Wabi sabi lại trở thành biểu tượng của văn hóa Nhật? Đó chính là vì Nhật đã tiếp nhận và biến đổi nó thành một thứ của riêng mình, tượng trưng cho vẻ đẹp của sự không hoàn mỹ. Trong khi đó, khái niệm ban đầu về Wabi sabi từ Trung Quốc lại mang ý nghĩa của một vẻ đẹp khiêm tốn, không có dục vọng.

Wabi sabi có từ bao giờ?

1 khu vườn được cho là của Sen no Rikyu làm

Khái niệm về Wabi sabi được truyền từ Trung Quốc và nó trở nên phổ biến ở Nhật từ thế kỉ 16. Nó phát triển cùng với thời kì Trà đạo đang được chú ý. Đây cũng là thời kì mà trà đạo và chính trị có mối quan hệ rất mật thiết tại Nhật Bản.

Thời đó, Trà đạo có một người rất nổi tiếng tên là Sen no Rikyu. Ông được coi là người đã hoàn thiện tinh thần Wabi-cha (侘茶). Vào thời kì đó, những chiếc cốc uống trà hay vật dụng đồ gốm với màu sắc sặc sỡ, sang trọng rất được yêu thích tại Nhật.

Khi đó, Sen no Rikyu đã dạy cho học trò của mình rằng “Đừng chỉ tập trung vào vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, hãy nhìn vào những tông màu tinh tế và cảm giác khi chạm vào vật thể”. Kể từ đó, mọi người mới bắt đầu tập trung vào những chi tiết nhỏ, tinh tế – những thứ mà khó có thể có với vẻ đẹp sang trọng, rực rỡ, và tư tưởng “Wabi” bắt đầu được trở nên yêu thích.

Từ đó, Trà đạo trở nên phổ biến hơn vì nó phù hợp với tư tưởng của tầng lớp người dân bình thường. Tuy nhiên, do những vấn đề vì chính trị, mặc dù Sen no Rikyu là thân cận của lãnh chúa thời bấy giờ là Toyotomi Hideyoshi, nhưng ông đã bị Toyotomi Hideyoshi ra lệnh bắt tự mổ bụng tự tử.

Mọi người cứ nghĩ rằng sau cái chết của Sen no Rikyu, Trà đạo và tư tưởng Wabi sabi sẽ biến mất. Thế nhưng chính cái chết của ông lại càng khẳng định sự KHÔNG HOÀN HẢO của Trà đạo và tư tưởng Wabi sabi lại ngày càng thấm sâu vào cuộc sống của người dân. Cũng chính vì lý do này mà Trà đạo của Sen no Rikyu được gọi là “Wabi” cho đến tận ngày nay.

Cái quan trọng nhất của Wabi sabi

Để có thể hiểu được hết ý nghĩa của Wabi sabi không phải việc dễ. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất chúng ta cần lý giải được đó chính là “sự không hoàn hảo”.

Nó không phải là một cái gì đó đã hoàn thiện, nó còn đang thiếu một cái gì đó. Chính sự chưa hoàn thiện đó sẽ đẩy mạnh trí tưởng tượng của người nhìn. Hơn nữa, theo tư tưởng Nho giáo, “hoàn hảo” hay “hoàn thiện” còn có ý nghĩa là “chết”. Bởi vì nếu đã hoàn hảo rồi thì sẽ không thể tiến bộ thêm được nữa.

Ngược lại, nếu là chưa hoàn hảo, chúng ta sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để cho nó được hoàn thiện. Chính vì lý do đó mà ở Wabi sabi chắc chắn phải có sự “không hoàn hảo”.

Những nơi có thể cảm nhận được vẻ đẹp Wabi sabi

Đọc đến đây, chắc các bạn cũng đã hiểu được cơ bản về khái niệm Wabi sabi rồi đúng không? Vậy trên thực tế những vật hay những nơi như thế nào có thể giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp này? Hãy cùng xem những ví dụ sau.

Đền thờ Jinja

Một trong những ví dụ tiêu biểu mà chúng ta có thể dễ thấy được vẻ đẹp Wabi sabi của Nhật chính là những đền thờ Jinja. Hầu hết những đền thờ Jinja ngày nay đều được xây dựng từ xa xưa, qua thời gian nó đang bị xuống cấp và hư hại. Đối với những người thích tư tưởng “hoàn hảo” họ sẽ nghĩ cần phải tu sửa lại cho mới để các đền thờ này đẹp hơn.

Tuy nhiên, nếu các bạn nhìn nó với tư tưởng Wabi sabi thì chính những xuống cấp và hư hại kia chính là tượng trưng cho thời gian. Nó càng cũ thì lại càng chứng tỏ thời gian tồn tại của nó lâu dài.

Vườn Nhật

Những khu vườn kiểu Nhật cũng là địa điểm gợi nhắc người xem nhớ đến tư tưởng Wabi sabi. Tiêu biểu của nó là những khu vườn đá mang phong cách Nhật. Trong khu vườn này thường có những viên đá đã mọc rêu hay những cái cây bị chết khô. Nó giúp chúng ta cảm nhận được sức mạnh của thời gian và cả vẻ đẹp trong sự tàn phai, tĩnh lặng.

Trăng

Trăng không phải là thứ chỉ có ở Nhật mà nó rất thân quen trên toàn thế giới. Các bạn có biết trăng không chỉ đẹp vào ngày rằm thôi không?

Theo người Nhật, vẻ đẹp Wabi sabi của trăng được thể hiện rõ nhất vào tối 13 âm lịch hàng tháng. Người Nhật thường tổ chức lễ hội ngắm trăng vào ngày rằm và ngày 13 âm lịch này.

Lý do của nó cũng chính là sự “không hoàn hảo”. Nếu là vào ngày rằm, chúng ta sẽ nhìn rõ trăng tròn và không còn chỗ cho trí tưởng tượng xen vào. Tuy nhiên, vào tối ngày 13 này, trăng chưa tròn hẳn, chúng ta sẽ cảm nhận được thời gian đã qua và chuẩn bị qua cho đến ngày rằm.

Hãy thử nhìn lên trời, ngắm trăng vào tối ngày 13 và cảm nhận vẻ đẹp Wabi sabi nhé các bạn!

Hàn đồ gốm (Kintsugi)


Người Nhật rất yêu thích đồ gốm. Nếu như đồ gốm của họ bị vỡ hoặc nứt, họ sẽ sử dụng kĩ thuật được gọi là Kintsugi để hàn nó lại. Và chính điều này đã tạo ra vẻ đẹp Wabi sabi.

Kĩ thuật Kintsugi này mặc dù giúp món đồ gốm đó liền lại, nhưng sẽ để lại những vết màu. Và nó đã vô tình tạo ra sự “không hoàn hảo” ở đây.

TỔNG KẾT

Wabi-sabi-la-gi-13

Wabi sabi là một từ rất khó giải thích bằng ngôn từ. Chính bản thân người Nhật cũng không nhiều người hiểu đúng nghĩa của từ này, mà thường chỉ hiểu bằng “cảm giác’.

Đây là một khái niệm, một tư tưởng độc đáo chỉ có ở Nhật, thậm chí nó còn đi ngược với những tiêu chuẩn của các nước Châu Âu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Wabi sabi được cả thế giới chú ý đến và có rất nhiều người nước ngoài đang dành nhiều thời gian để tìm hiểu về nó.

Khi mà bản thân Wabi sabi cũng không có định nghĩa cụ thể, tạm thời chúng ta có thể hiểu nó giống như một vẻ đẹp mà ở đó chứa đựng một sự “không hoàn hảo”.

Nếu các bạn có dịp đến Nhật, hãy nhớ đến khái niệm này và cảm nhận vẻ đẹp của nước Nhật nhé!

 

 

Leave a Reply