Các bạn đã bao giờ được nghe các Sư thầy hay một ai đó tụng kinh bao giờ chưa? Phần đông dân số nước ta theo Đạo Phật, do đó mỗi khi trong nhà có người mất, mọi người thường mời các Sư thầy đến để tụng kinh, niệm phật.
Các bạn có bao giờ thắc mắc việc tụng kinh là để làm gì và những câu mà Sư thầy đang tụng đó nó mang ý nghĩa gì không?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tụng kinh để cho người đã mất?
Chúng ta thường thấy mỗi khi có người mất, mọi người thường hay gọi các Sư thầy đến nhà để đọc Kinh đúng không? Khi được hỏi về lý do, hầu hết câu trả lời sẽ là:
“Để cầu nguyện cho người đã mất”
“Để giúp người đã mất được siêu thoát”
“Để giúp người đã mất có thể thành Phật”
Vậy trên thực tế, việc tụng kinh này có ý nghĩa như thế nào đối với người đã mất? Ở Nhật Bản, có một vị thiền sư rất nổi tiếng là Nhất Hưu Tông Thuần. Ông tự xưng mình là “Cuồng Thánh” và có một câu chuyện rất nổi tiếng về ông liên quan đến ý nghĩa của việc tụng kinh.
Ý nghĩa của việc tụng kinh theo Nhất Hưu
Khi Nhất Hưu đang tu hành ở chùa Đại Đức, một gia đình ở gần đó có người mất và đã mời ông đến để đọc Kinh.Khi đến nơi, người đã mất đó được cuốn trong một cái chăn, trên đầu thì được phủ bởi một tấm vải trắng, còn những người thân trong gia đình thì ngồi xung quanh và đang khóc thút thít.
Tay trái của Nhất Hưu cầm quyển Kinh và tay phải của ông cầm theo một chiếc búa dài. Ông ngồi ngay trước người đã mất đó rồi nói: “Để ta thử xem người này còn khả năng nghe Kinh không”. Ngay lập tức, ông giơ chiếc búa lên rồi đập bằng tất cả sức lực của mình vào đầu của người đã mất.
Trong khi những người thân khác thất thần chưa hiểu chuyện gì, Nhất Hưu bỏ búa xuống và nói to “Này! Có nghe thấy gì không?” Khi không thấy người đó có phản ứng gì, ông lại thản nhiên nói tiếp “Đây là chết hoàn toàn rồi!” Cuối cùng, ông không đọc một chữ nào trong Kinh và đi về.
Nhất Hưu làm như vậy với chủ đích gì? Phải chăng khi ông thấy mọi người đang hiểu sai rằng “Kinh phật là để dành cho người chết” và ông đã muốn nhắc nhở mọi người?
Tuy nhiên, đây chỉ là cách lý giải của cá nhân Nhất Hưu. Vậy còn Đức Phật (Budda) đã nói gì về Kinh Phật
Đức Phật (Budda) giảng dạy về việc tụng kinh
Trong Kinh Già-di-ni thuộc bộ Kinh Trung A Hàm, từ khoảng 2600 năm trước, khi Đức Phật còn tại thế, cũng có người đã thắc mắc về điều này và hỏi Đức Phật. Khi đó, đệ tử của Phật đã nhờ Phật giúp cho những người đã chết được lên cõi trời, Đức Phật đã trả lời như sau:
Này Già-di-ni, nay ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?
…
Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?
Chính những lời nói này cả Đức Phật đã cho chúng ta hiểu được rằng việc đọc Kinh Phật không phải là để dành cho những người đã mất và cũng không thể giúp người đã mất lên được cõi trời.
Vậy thì, ý nghĩa của việc tụng kinh là gì?
Để tìm hiểu về điều này, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu xem Kinh Phật là gì trước đã.
Kinh Phật là gì?
Kinh được viết chữ Hán là 経, tiếng Phạn là Sutra, có nghĩa là “sợi chỉ”. Kinh ở đây được hiểu với nghĩa là “Chân lý bất biến”.
Kinh trong Phật Giáo chính là những tài liệu mà những đệ tử của Đức Phật ghi chép lại những lới giáo huấn của người.
Nói cách khác, những cái không phải là lời giáo huấn của Phật thì không được gọi là Kinh.
Hãy cùng tìm hiểu xem Kinh đã được ghi chép lại như thế nào.
Kinh Phật được hình thành như thế nào?
Đức Phật giác ngộ khi ở tuổi 35, ông mất năm 80 tuổi và trong suốt 45 năm ông đã giảng dạy cho người đời rất nhiều Giáo Pháp. Đức Phật đã không giảng dạy theo một chương trình nào cả, mà tùy vào mỗi người, ông lại có những lời khuyên dạy khác nhau.
Cũng giống như Socrates của Hy Lạp hay Chúa Giê-su của Đạo Thiên Chúa Giáo, Đức Phật không tự mình ghi chép lại bất kỳ tài liệu nào. Thế nhưng, trong khi Chúa Giê-su chỉ có 3 năm và Socrates chỉ có 20 năm giảng dạy cho người đời, thì Đức Phật sau 45 năm đã đi rất nhiều nơi khắp Ấn Độ và giảng dạy cho rất nhiều người.
Sau khi Đức Phật viên tịch, 500 Đệ tử ưu tú nhất của ông đã tập hợp lại để ghi chép lại những lời dạy trong suốt 45 năm của Người. Quá trình này người ta gọi là “Kết tập Kinh điển”. Trong 500 người đệ tử thân cận nhất của Đức Phật, có một người tên là A-nan. Ông đã ở cạnh Phật hơn 20 năm và nổi tiếng là có một trí nhớ siêu phàm.
Ông đã đọc lại những lời Phật dạy, sau đó 500 người còn lại chứng nhận những gì ông đọc ra đều không sai và nó trở thành Kinh Phật. Chính vì vậy mà các Kinh thường được mở đầu bằng câu “Như thị ngã văn”, nghĩa là “Tôi nghe như vậy”.
Như vậy, Kinh Phật chính là những bài thuyết pháp được Đức Phật giảng giải khi còn sống. Nhưng có một lưu ý ở đây đó là thời đó chưa có chữ viết, những bài Kinh được A-nan và 500 Đệ tử của Phật chứng nhận tất cả chỉ dựa trên lời nói. Phải đến hơn 500 năm sau, những bài Kinh Phật mới bắt đầu được ghi chép lại bằng chữ.
Tuy nhiên, trên thực tế những bài Kinh Phật hiện nay đều rất khó hiểu, những người không có đủ kiến thức về Phật giáo chắc chắn khi đọc sẽ không thể hiểu được nội dung của nó. Lý do tại sao lại như vậy?
Đó là vì đầu tiên Đức Phật giảng dạy cho các đệ tử bằng tiếng Phạn, Kinh Phật được ghi chép lại và phiên dịch sang tiếng Trung Quốc. Những người dịch Kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc hồi đó là những vị “Tam Tạng Pháp Sư” (→ Tìm hiểu thêm về Tam Tạng Pháp Sư TẠI ĐÂY).
Tiếng Phạn là ngôn ngữ tiêu chuẩn của Ấn Độ thời bấy giờ. Tuy nhiên, ở phía Tây Ấn Độ khi đó người ta sử dụng ngôn ngữ Pali và có một phần Kinh Phật được viết lại bằng ngôn ngữ này. Sau đó Kinh Phật cũng được dịch sang cả tiếng Tây Tạng (Tibetan).
Kinh Phật được truyền miệng tại Ấn Độ trong khoảng 500 năm, sau đó nó được ghi chép lại bằng tiếng Phạn. Kinh điển Pali được ghi chép lại theo một Tông Phái của Đạo Phật ở khoảng thế kỳ thứ 5. Hiện nay Kinh Phật đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Châu Á khác nhau, nhưng nhìn chung những ngôn ngữ chính của Kinh Phật là Kinh Điển tiếng Phạn, Kinh Điển Pali, Kinh Điển tiếng Hán và Kinh Điển Tây Tạng.
Kinh điển đang được sử dụng tại Nhật Bản là Kinh điển được dịch ra tiếng Hán và nó là sự kết hợp của rất nhiều Tông Phái. Do đó, số lượng Kinh điển tại Nhật hiện nay về khối lượng gấp khoảng 10 lần kinh điển Pali.
Số lượng Kinh Phật
Vậy tổng số lượng Kinh Phật hay còn gọi là Kinh Điển Phật giáo có tất cả bao nhiêu bộ?
Nếu các bạn là người yêu thích Manga của Nhật, chắc các bạn sẽ biết bộ truyện Manga dài nhất trong lịch sử là “Kochikame – Cảnh sát kì tài” với tất cả 200 tập và được phát hành liên tục trong 40 năm.
Những bài giảng trong suốt 45 năm thuyết Pháp của Đức Phật đã được các Đệ tử ghi chép lại dưới hơn 7000 Bộ Kinh. Toàn bộ số Kinh Điển này người ta gọi là “Nhất thiết kinh” hay “Đại Tạng Kinh”.
Vào thời nhà Đường năm 730, đại sư Trí Thăng đã biên soạn cuốn “Khai nguyên thích giáo lục” tổng hợp các đầu mục của Kinh Phật và trong đó có ghi 5048 bộ Kinh.
Sau đó, đến thời nhà Tống, năm 971, kĩ thuật in trên gỗ được áp dụng. Sau 12 năm in, toàn bộ Kinh Phật (Nhất thiết Kinh) được in xong, gọi là “Thục bản đại tạng kinh” và có 5048 bộ.
Đến năm 986, vào thời kì Heian của Nhật, Đại sư Chonen của Nhật đã sang nước Tống và mang về 5048 bộ Kinh. Đây là “Nhất thiết kinh” đầu tiên của Nhật.
Mặt khác, theo “Cao Ly Tạng” được soạn từ “Thục bản đại tạng kinh” có 6791 bộ, theo “Minh Tạng” của Mình Thành Tổ thời nhà Minh thì có 6771 bộ. Sau thời kỳ Minh Trị, nhiều lần “Nhất Thiết Kinh” đã được phát hành. “Vạn Tạng Kinh” có 7082 bộ, “Vạn Tục Tạng Kinh” có 7140 bộ, “Súc loát Tạng Kinh” có 8534 bộ.
Hiện nay, Bộ Kinh Phật phổ biến nhất đang được sử dụng là “Đại Chính tân tu đại tạng kinh. Đây là Bộ Kinh được phát hành cơ bản dựa trên “Cao Ly Tạng” và được hiệu định, so sánh với “Thục bản đại tạng kinh”, “Nguyên Tạng” và “Minh Tạng”. Tổng số bộ của nó là 11970.
Về cơ bản, theo thời gian “Nhất thiết kinh” càng ngày càng tăng về số lượng do được mọi người tổng hợp thêm. Có nhiều ý kiến cho rằng vì có 84000 Pháp môn nên sẽ có 84000 bộ Kinh nhưng đây là cách hiểu sai. 84000 là con số của Pháp uẩn (lời dạy của Phật) , còn Kinh Phật là có khoảng hơn 7000 bộ (với tổng số khoảng 40 triệu chữ).
Để hiểu được toàn bộ nội dung của Kinh Phật, chúng ta cần đọc hết toàn bộ 7000 bộ Kinh. Tuy nhiên đây là một khối lượng kiến thức khổng lồ, không dễ gì có thể đọc và hiểu hết được. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu có những thể loại Kinh như thế nào trong “Nhất Thiết Kinh”.
Phân loại Kinh Điển
Trong 7000 bộ Kinh của “Nhất Thiết Kinh” có thể chia ra làm 2 loại chính, đó là “Kinh Điển Tiểu Thừa” và “Kinh Điển Đại Thừa”. Trong Kinh Điển Tiểu Thừa có các Kinh tiêu biểu như “Trường A Hàm Kinh”, “Trung A Hàm Kinh”, “Tạp A Hàm Kinh”, “Tăng Nhất A Hàm Kinh” trong Bộ “A Hàm Kinh” hoặc “Chuyển pháp luân kinh”, “Ương Quật Ma Kinh”, “Ngọc Da Kinh”, “Tiễn Dụ Kinh”,.. Có 151 Bộ Kinh thuộc thể loại này. Ngoài ra, có thêm 68 Bộ Kinh liên quan đến Đức Phật như “Bi Hoa Kinh”, “Quá khứ hiện tại nhân quả Kinh”, “Phật Bản Hành Tập Kinh”, “Tạp Bảo Tạng Kinh”, “Pháp Cú Kinh”, “Thí Dụ Kinh”,.. Đây cũng là những Bộ Kinh trùng với Kinh Điển Pali.
Trong Phật Giáo Đại Thừa, có 42 Bộ Kinh thuộc “Bát Nhã Kinh”, 16 Bộ Kinh thuộc “Pháp Hoa Kinh”, 32 Bộ Kinh thuộc “Hoa Nghiêm Kinh”, 64 Bộ Kinh thuộc “Bảo Tích Kinh”, 23 Bộ Kinh thuộc “Niết Bàn Kinh”, 28 Bộ Kinh thuộc “Đại Tập Kinh”. Ngoài ra còn có 423 Bộ Kinh khác như “Vu Lan Bồn Kinh”, “Kim Quang Minh Kinh, “Tứ Thập Nhị Chương Kinh”,..
Ngoài ra, theo trường Phái Mật Tông còn có 573 Kinh khác ví dụ như “Tô Tất Địa Kinh”, “Đại Nhật Kinh”, “Kim Cương Đỉnh Kinh”. Tổng hợp lại, trong Kinh Điển có những Bộ Kinh chính như sau:
Tông phái |
Liên quan |
Bộ |
Những kinh cơ bản |
Tiểu Thừa |
A Hàm Kinh |
151 |
“Trường A Hàm Kinh”, “Trung A Hàm Kinh”, “Tạp A Hàm Kinh”『 “Tăng Nhất A Hàm Kinh”, “Chuyển Pháp Luân Kinh” “Ương Quật Ma Kinh”, “Ngọc Da Kinh”, “Tiễn Dụ Kinh” |
Đức Phật |
68 |
“Pháp Hoa Kinh”, “Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh”, “Phật bản Hành Tập Kinh”, “Bản Sinh Kinh” “Phật Sở Hành Tán”, “Nghĩa Túc Kinh”, “Tạp Bảo Tạng Kinh” “Tạp Thí Dụ Kinh” “Bách Dụ Kinh”, “Pháp Cú Kinh”, “Thí Dụ Kinh” |
|
Đại Thừa |
Bát Nhã Kinh |
16 |
“Đại Bát Nhã Kinh”, “Bát Nhã Tâm Kinh”, “Lý Thú Kinh” |
Pháp Hoa Kinh |
16 |
“Pháp Hoa Kinh” |
|
Hoa Nghiêm Kinh |
32 |
“Pháp Nghiêm Kinh” |
|
Bảo Tích Kinh |
64 |
“Đại Bảo Tích Kinh”, “Thắng Man Kinh”, “Vô Lượng Thọ Kinh” “Quán Vô Lượng THọ Kinh”, “A di đà Kinh” |
|
Niết Bàn Kinh |
23 |
“Niết Bản Kinh”, “Liên Hoa Diện Kinh” |
|
Đại Tập Kinh |
28 |
“Đại Tập Kinh”, “Bát Chu Tam Muội Kinh” |
|
Kinh của Mật Giáo khác |
423 |
“Vu Lan Bồn Kinh”, “Duy Ma Kinh”, “Kim Quang Minh Kinh”, “Giải Thâm Mật Kinh”, “Phật Tạng Kinh”, “Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh”, “Tứ Thập Nhị Chương Kinh” |
|
Mật giáo |
573 |
“Tô Tất Địa Kinh”, “Đại Nhật Kinh”, “Kim Cương Đỉnh Kinh” |
Chúng ta cộng tổng số lượng các Bộ Kinh trên vào không ra con số 7000 là vì trong mỗi Bộ Kinh lại bao gồm nhiều Bộ nhỏ khác nhau. Ví dụ “Hoa Nghiêm Kinh” có 60 bộ, “Đại Bát Nhã Kinh” có 600 bộ,.. Bên cạnh đó, trên đây mới chỉ là những Kinh tiêu biểu, còn nhiều quyển Kinh Phật khác chưa được liệt kê.
Mỗi Tông phái có một cách sử dụng Kinh khác nhau
Với một lượng Kinh Tạng khổng lồ gồm hơn 7000 Bộ Kinh, mỗi Tông Phái của Phật Giáo lại có mỗi cách sử dụng khác nhau cho từng Bộ Kinh. Điều này không có nghĩa là, mỗi Tông phái chỉ sử dụng một số bộ Kinh Điển và bỏ hết những bộ còn lại. Cái khác nhau ở đây chính là ở sự sắp xếp và phân loại “Nhất Thiết Kinh” của từng Tông Phái.
Trong suốt 45 năm thuyết Pháp của mình, Đức Phật không giảng dạy theo một trình tự nhất định nào cả. Tùy từng hoàn cảnh và tùy đối tượng người nghe mà Người có những lời dạy khác nhau. Phương pháp này được gọi là “Đối cơ thuyết Pháp”.
Đây cũng giống như phương pháp khám bệnh của bác sĩ, tùy vào đối tượng bệnh nhân, mà sẽ có những phương thuốc cũng như cách chữa trị khác nhau. Do đó, khi nghiên cứu toàn bộ Kinh Phật, đôi khi chúng ta cũng sẽ thấy những điểm “mâu thuẫn”. Cái này cũng giống như khi người bệnh bị đau bụng, sẽ có những người cần phải giữ ấm bụng, nhưng cũng sẽ có những người cần phải làm mát bụng.
Cũng vì có nhiều cách hiểu khác nhau, mà Phật Giáo sớm đã chia ra thành nhiều Tông phái. Có Tông phái thì lấy việc tụng kinh làm căn bản cho việc luyện tập, có Tông phái thì tập trung vào thực hành, cũng có Tông phái thì đi tìm chân lý dựa trên việc suy luận từ những điều Phật dạy.
Mỗi một Tông phái sẽ đưa ra một ý kiến khách quan để giải thích về cách phân loại Kinh Điển của mình. Việc này gọi là “Giáo tướng phán thích” hay “Giáo phán”. Nếu không có “Giáo tướng phán tích” thì sẽ không thể lập được Tông phái mới trong đạo Phật.
Ví dụ Pháp Tướng Tông trong thời kỳ Phật Giáo Nara thì sử dụng chính là “Giải Thâm Mật Kinh”, Hoa Nghiêm Tông thì là “Hoa Nghiêm Kinh”.
Thiên Thai Tông trong thời kỳ Phật Giáo Heian thì sử dụng “Pháp Hoa Kinh”, Chân Ngôn Tông thì sử dụng “Đại Nhật Kinh”, “Kim Cương Đỉnh Kinh”.
Tịnh Độ Tông và Tịnh Độ Chân Tông trong thời kỳ Kamakura thì sử dụng “Đại Vô Lượng Thọ Kinh”, “Quán Vô Lượng Thọ Kinh” và “A Di Đà Kinh”.
Lâm Tế Tông, Tào Động Tông trong Thiền Tông thì dung tư tưởng “bất đối văn tự” nghĩa là không dùng chữ nghĩa và ngôn ngữ để tu hành.
Vậy ý nghĩa của Kinh Phật thật sự là gì?
Cái gì được viết trong Kinh Phật?
Đọc đến đây chắc mọi người cũng đã hiểu về khối lượng đồ sộ Kinh Phật cũng như có rất nhiều cách để phân loại Kinh Phật.
Với một khối lượng về nội dung khổng lồ như vậy, điểm chung của tất cả các Kinh đó chính là những lời dạy của Đức Phật sau khi ngày giác ngộ, hay còn được gọi là Pháp.
Pháp chính là những chân lý bất biến không bao giờ thay đổi.
Và Pháp có sức mạnh giúp chúng ta trở nên hạnh phúc mãi mãi với thời gian. Cái này chính là “Phật Pháp”.
Trở nên hạnh phúc mãi mãi với thời gian là một thế giới không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ. Chính Đức Phật cũng đã nói dù có hàng tram triệu năm đi nữa cũng không thể thuyết hết Pháp được.
Nếu chúng ta không hiểu được thế nào là hạnh phúc thật sự thì chúng ta cũng không thể mong cầu hạnh phúc một cách đúng đắn. Không thể mong cầu hạnh phúc một cách đúng đắn thì chúng ta cũng sẽ không thể trở nên hạnh phúc. Do đó, đây là một việc rất quan trọng.
Kinh Phật chính là công cụ giúp chúng ta hiểu được điều đó và nó bao gồm 7000 bộ Kinh.
Mục đích của việc thuyết Kinh
Lại nói về thầy sư Nhất Hưu của Nhật. Trong một dịp leo núi Hiei (phía Đông Bắc thành phố Kyoto), ông thấy một ngôi chùa đang phơi một bộ Nhất Thiết Kinh ngoài trời. (Vào thời đó, mỗi năm ở các chùa thường phơi bộ Nhất Thiết Kinh ra ngoài 1 lần để bảo quản được lâu hơn).
Đối với người Nhật thời bấy giờ, họ rất trân trọng Kinh Phật, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng chỉ cần hứng được gió thổi vào người sau khi thổi qua kinh Phật đã là công đức, nên có rất nhiều người đã tìm đến núi Hiei vào ngày này.
Khi thấy cảnh tượng như vậy, Nhất Hưu đã nói lớn “Nhất Thiết Kinh của tôi cũng đổ mồ hôi nhiều rồi!” Sau đó, ông nằm dưới bóng mát của cây và bắt đầu ngủ.
Khi thấy Nhất Hưu ngủ với trạng thái nửa thân trên không mặc đồ ở ngay giữa đường của núi Hiei như vậy, một vị Tăng sư ở đó đã lại gần và định khiển trách ông. Tuy nhiên, ông nhận ra đó là Nhất Hưu và hạ giọng nói: “Ngài Nhất Hưu đang làm gì ở đây vậy? Hôm nay là ngày phơi Nhất Thiết Kinh của chúng tôi, có rất nhiều người đến ghé thăm, ngài không thể ngủ ở đây trong trạng thái như này được.”
Nghe thấy vậy, Nhất Hưu liền trả lời: “Tôi thấy ở núi Hiei này chỉ có Kinh được ghi trên giấy thôi. Còn Nhất Hưu tôi cũng là Nhất Thiết Kinh, tôi còn biết ăn cơm, biết nói chuyện và biết thuyết Pháp nữa. Các người chỉ biết đọc Kinh được ghi trên giấy, chứ chưa biết đọc Kinh bằng chính cơ thể của mình. Cứ như này thì Phật Giáo sẽ ngày càng suy thoái thôi. Còn tôi thì cũng đang phơi bộ Nhất Thiết Kinh sống đây!”
Đó là một câu chuyện khác về Nhất Hưu. Có lẽ ông muốn nói với mọi người rằng Kinh Phật được ghi chép lại cũng rất đáng trân quý, thế nhưng chúng ta không được chỉ dừng lại ở đó. Nhất Thiết Kinh là những lời giảng dạy để giúp con người có thể sống hạnh phúc, vượt qua đau khổ. Việc chúng ta cần làm không chỉ là học theo nó, mà còn phải thực hành, làm đúng theo những lời dạy của Đức Phật.
Ý nghĩa thật sự của việc tụng kinh
Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều cho mọi người vì muốn họ trở nên hạnh phúc hơn. Điều này có nghĩa là không phải Phật đã thuyết giảng cho những người đã chết. Người thuyết giảng đến những người đang sống và chỉ cho họ con đường giúp họ trở nên hạnh phúc hơn khi sống.
Do đó, Kinh Phật được ghi chép lại cũng không phải dành cho những người đã chết mà là dành cho những người đang còn sống.
Tụng kinh có nghĩa là chúng ta đang được nghe những lời giáo huấn từ Đức Phật. Và đó cũng chính là Phật duyên, cái duyên đã giúp chúng ta được nghe những lời giáo huấn quý giá ấy.
Khi các bạn có dịp được nghe Kinh hoặc tụng Kinh, đừng nghĩ là nó dành cho người chết, mà hãy cảm nhận nó từ chính trái tim của mình.