“Cô nàng cửa hàng tiện ích” là một cuốn tiểu thuyết về một người phụ nữ kỳ lạ của tác giả được xem là một trong những nhà văn thú vị nhất trong nền văn học đương đại Nhật Bản – Murata Sayaka. (các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về Murata Sayaka TẠI ĐÂY)
Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa Mua sách tại Shopee
“Cô nàng cửa hàng tiện ích” (tên gốc tiếng Nhật: “コンビニ人間”, tên tiếng Anh: “Convenient Store Woman”) là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của Murata Sayaka, ra mắt năm 2016, sách đã giúp cô đạt giải Akutagawa lần thứ 155 – một giải thưởng văn học danh giá trao cho các tác giả trẻ có những tác phẩm mang giá trị văn học cao. (Cửa hàng tiện ích ở đây là những siêu thị nhỏ như Circle K, Family Mart, Ministop, Seven Eleven,…)
Như tựa đề, cuốn sách là một câu chuyện lạ kỳ xoay quanh một người tên là Furukura Keiko.
Nói thật thì đây là một cuốn tiểu thuyết ngắn, ngay từ tên của nó cũng không phải là thể loại mà mình hay đọc. Tuy nhiên, bản gốc tiếng Nhật của nó đã gây được tiếng vang rất lớn tại Nhật, cộng với việc nó được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới, đã nhận được nhiều giải thưởng tại Anh và Mỹ đã khiến mình tò mò và tìm đọc thử.
Bản gốc tiếng Nhật chỉ khoảng hơn 200 trang và có thể đọc hết trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, chỉ trong 3 giờ đồng hồ đó, mình rất ngạc nhiên khi nhận ra đôi lúc mình đã mỉm cười khoái chí, rồi đôi lúc mình cười “nhếch mép” vì những nội dung khá thú vị của nó.
Xoay quanh câu chuyện về một nhân vật nữ hư cấu, thế nhưng nó đã làm mình và mình tin là cả những người đã đọc nó phải suy nghĩ lại một lần nữa về những gì bản thân đang làm hiện nay, cũng như những mục tiêu của mình trong cuộc sống.
Qua bài viết này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn nội dung chính của cuốn sách “Cô nàng cửa hàng tiện ích”. Bạn nào mà muốn tự đọc để trải nghiệm nội dung từ đầu thì hãy bỏ qua bài viết này nhé! ?
Sinh ra để làm “nhân viên của cửa hàng tiện ích”
Furukura Keiko – 36 tuổi, độc thân.
Làm thêm tại một cửa hàng tiện ích.
Cô sinh ra trong một gia đình hoàn toàn bình thường, tuy nhiên từ bé luôn bị những người xung quanh đối xử như một đứa tré khác lạ.
Từ nhỏ Keiko là một người sống rất lý trí và không có cái gọi là “cảm xúc”. Khi nhìn thấy một con chim bị chết ở công viên, thay vì đau khổ giống như mẹ hoặc những người bạn khác, cô đã thắc mắc hỏi mẹ tại sao mọi người lại không nướng nó để ăn. Rồi khi nhìn thấy hai người bạn đánh nhau, cô đã lấy xẻng để đập vào đầu từng người một vì cho rằng đó là cách hiệu quả nhất để ngăn họ lại.
Đã từng có thời kì vì không muốn làm bố mẹ và chị gái Asami phải cảm thấy buồn vì những lời nói của mình, Keiko đã cố gắng hạn chế nói chuyện nhiều nhất có thể.
Bản thân Keiko cũng ý thức về vấn đề của bản thân mình, nhưng không biết phải làm thế nào để có thể chữa khỏi “căn bệnh” đó. Đến khi vào học đại học năm thứ nhất, Tình cờ Keiko đọc được thông báo tuyển dụng nhân viên làm thêm của một cửa hàng tiện ích, cô đã đăng ký đi phỏng vấn và trúng tuyển.
Ở một nơi mà tất cả những việc từ nhỏ nhất đều được hướng dẫn một cách cụ thể như cửa hàng tiện ích, lần đầu tiên Keiko cảm thấy mình được trở thành một phần của thế giới. Keiko bắt đầu có những thay đổi. trở thành giống với những người “bình thường” hơn, và gia đình cô cũng rất vui mừng vì điều đó.
Thay đổi bằng cách học từ thế giới xung quanh
Từ khi bắt đầu làm thêm ở cửa hàng tiện ích, có vẻ như Keiko đã dần dần hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, những hướng dẫn ở cửa hàng chỉ là những hướng dẫn về cách để giao tiếp với khách hàng.
Keiko đã thử bắt chước cách nói chuyện, cách ăn mặc, rồi cả cách mặc quần áo của những người xung quanh bởi vì cô nghĩ chỉ cần mình giống người khác mình sẽ trở nên “bình thường”.
Từ đó, mỗi khi quản lý cửa hàng hay những người làm thêm cùng Keiko nghỉ việc, cách nói chuyện, rồi cách ăn mặc của Keiko lại thay đổi. Mỗi khi gặp lại bạn cũ cô cũng đều bị nói là “Mày thay đổi nhiều quá!”
Mọi chuyện cứ tiếp tục như vậy cho đến khi Keiko 36 tuổi…
Con người không phù hợp với xã hội
Có một ngày, một nam nhân viên làm thêm mới xuất hiện, tên là Shiraha. Shiraha là một người có thái độ rất ngông nghênh, luôn xem thường những người xung quanh.
Lý do Shiraha làm việc ở cửa hàng này là muốn tìm kiếm người để kết hôn.
Mệt mỏi vì việc con người hiện nay đều bị đánh giá qua công việc và hôn nhân, Shiraha đã quyết định đi làm để tìm kiếm vợ của mình từ những người cùng làm hoặc khách hàng.
Tuy nhiên, kết quả của Shiraha gần như là con số 0. Anh gần như không thể tìm thấy ai phù hợp, có tìm thấy những người anh thích thì họ cũng chỉ chú ý đến người đàn ông khác mà thôi. Cuối cùng Shiraha đã quyết định xin nghỉ công việc tại cửa hàng tiện ích đó.
Để không trở thành “cá biệt”
Lại nói về Keiko, cửa hàng tiện ích – nơi mà luôn giúp cô cảm thấy bình an đó, cũng đã dần dần khác. Keiko cũng bắt đầu cảm thấy bất an và cũng giống như Shiraha, cô cảm thấy mình như một sinh vật lạ, bị xã hội ruồng bỏ.
Một ngày nọ, tình cờ Keiko gặp lại Shihara ở trước cửa hàng. Sau khi nói chuyện thì đột nhiên Shiraha bật khóc. Không thể để mặc Shihara trong tình trạng đó, Keiko đã quyết định hẹn Shiraha ra một nhà ăn để tiếp tục nói chuyện.
Cũng giống như mọi lần, câu chuyện của Shiraha chỉ toàn là đổ lỗi cho người khác hoặc xã hội để bảo vệ bản thân mình. Thế nhưng một phần cũng là vì thương hại cho Shiraha, Keiko đã đưa ra một đề xuất hết sức bất ngờ.
Keiko đã đề nghị Shiraha kết hôn trên giấy tờ với cô.
Lúc đó thì Shiraha còn đang không đủ tiền để trả tiền nhà đang ở và đương nhiên anh đã đồng ý.
Điều bất ngờ là sau khi Keiko kết hôn, chị gái của cô Asami, những người bạn làm việc ở cửa hàng tiện ích, rồi cả những người bạn cũ của cô đều rất vui mừng. Cả Keiko và Shiraha đều đang tiến gần hơn con người “bình thường” của mình.
Về phần của Shiraha, anh cũng dần quen với cuộc sống mới. Anh đã bắt đầu cuộc sống với Keiko với điều kiện sẽ được thu mình trong nhà và không tiếp xúc với ai cả.
Đương nhiên vì là kết hôn trên giấy tờ, nên Keiko và Shiraha đều không có hành động gì đi quá giới hạn đó cả. Bản thân Keiko thì cũng không có hứng thú với nấu nướng, những đồ của cô nấu chỉ là làm cho chín rồi ăn mà thôi.
Cuộc sống của hai người nhìn từ ngoài vào có thể nó là “bình thường” nhưng thực ra nó lại không hề “bình thường”.
Nhận ra bản thân là một loài động vật có tên “Nhân viên của cửa hàng tiện ích”
Sau đó một thời gian, nghe theo lời khuyên của Shiraha, Keiko bỏ công việc ở cửa hàng tiện ích và đi tìm một công việc mới.
Tuy nhiên sau gần 20 năm gắn bó với công việc ở cửa hàng, Keiko không biết phải làm gì khi không làm việc ở cửa hàng tiện ích nữa. Cô thậm chí còn không biết mấy giờ thì nên đi ngủ, mình cần phải ăn cái gì,..
Một ngày nọ, Shiraha đã dẫn Keiko đi phỏng vấn lần đầu tiên ở một công ty khác.
Họ đến nơi sớm hơn dự định và đã vào cửa hàng tiện ích ở đó để mua hàng. Khi vừa bước vào, cơ thể của Keiko đã hoạt động như bản năng của mình. Tai của cô nghe được những “âm thanh của cửa hàng tiện ích” và cơ thể của cô tự nhiên hoạt động như bản năng.
Do khi đó Keiko đang mặc vest nên nhân viên làm thêm của cửa hàng tưởng cô là nhân viên của công ty đến. Sau đó, Keiko còn đưa ra những lời khuyên cho những nhân viên làm thêm về cách sắp xếp đồ trong cửa hàng.
Khi chứng kiến cánh đó, Shiraha đã rất tức giận. Tuy nhiên, Keiko dường như đã nhận ra một điều gì đó, cô nhìn thẳng vào Shiraha và nói:
“Tôi là một loài động vật có tên là NHÂN VIÊN CỦA CỬA HÀNG TIỆN ÍCH”
Nếu như là con người thì Keiko mới cần đến sự có mặt của Shiraha, tuy nhiên nếu như là nhân viên của cửa hàng tiện ích thì Keiko lại không còn cần Shihara nữa. Nhận ra được điều này, Keiko cũng không còn để mắt đến Shiraha đang đùng đùng nổi giận ra đi.
Keiko ngay lập tức lại làm những công việc như một nhân viên của cửa hàng tiện ích.
Khi nhìn thầy bản thân qua tấm kính của cửa hàng, đó là lần đầu tiên cô thấy mình là một sinh vật sống có ý nghĩa.
Lúc đó cô nhớ lại hình ảnh đứa cháu của mình – là con của Asami khi được sinh ra trong bệnh viện, cô cảm nhận được sự hoạt động của tất cả những tế bào của “nhân viên cửa hàng tiện ích” ở bên trong cơ thể mình.
TỔNG KẾT
Các bạn thấy tiểu thuyết “Cô hàng cửa hàng tiện ích” này như thế nào? Có thể sẽ có nhiều người không thích cái kết này lắm mặc dù cuối cùng Keiko đã nhận thấy ý nghĩa của cuộc đời mình.
Thế nhưng, có thể không đến mức như trường hợp của Keiko, nhưng các bạn có nghĩ là những câu chuyện như của cô đang có rất nhiều ở cuộc sống hiện tại không?
Ai cũng nói “Cuộc sống có người này, người kia”,.. thế nhưng liệu có dễ dàng để mọi người chấp nhận một người quá khác so với mình?
Và liệu có mấy ai đủ can đảm để sống một cuộc sống mình thích nhưng lại khác với người xung quanh?
Tác giả Murata Sayaka đã viết cuốn tiểu thuyết này khi cô 36 tuổi và cô cũng đang làm thêm tại một cửa hàng tiện ích. Do đó có rất nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện cô viết được dựa trên chính những cảm xúc của bản thân mình.
Thông qua cuốn tiểu thuyết, tác giả không chỉ cho chúng ta thấy sống như Keiko cũng là một cách sống hiện nay của cuộc đời, mà có lẽ tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp:
“Nếu như bản thân bạn muốn làm hoặc cảm thấy hạnh phúc khi làm một việc gì đó, hãy nghe theo tiếng gọi của trái tim và đừng để ý đến thái độ của những người xung quanh”.
Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa Mua sách tại Shopee