Inamori Kazuo – Cuộc đời và những câu nói nổi tiếng

Các bạn đã bao giờ nghe về cái tên Inamori Kazuo chưa?

Có thể nói ông là một trong những doanh nhân tài ba nhất của Nhật từ trước đến nay. Ông là nhà sáng lập của công ty nổi tiếng Kyocera, tạp đoàn viễn thông KDDI, và là người đã vực dậy hãng hàng không JAL từ trên bờ vực phá sản. Sau khi thôi giữ chức chủ tịch tại Kyocera, ông đã trở thành một nhà sư tại 1 ngôi chùa ở Kyoto.

Hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời của Inamori Kazuo và những câu nói nổi tiếng của ông. 

INAMORI KAZUO LÀ AI?

Inamori-kazuo-la-ai 2

Inamori Kazuo sinh tháng 1 năm 1932 tại thành phố Kagoshima, thuộc tỉnh Kagoshima.

Năm 1955, ông tốt nghiệp khoa Công nghiệp trường đại học Kagoshima, sau đó vào làm việc cho một công ty ở Kyoto.

Tháng 4/1959, ông được một người quen đầu tư và đã thành lập công ty cổ phần Kyoto Ceramic (là công ty cổ phần Kyocera hiện nay) với vốn điều lệ 3 triệu Yên (khoảng 30,000 USD)
Chính ông đã phát mình ra kĩ thuật làm gốm mới “Fine Ceramic”, từ đó sản phẩm gốm đã được ứng dung trong rất nhiều lĩnh vực từ làm chip IC, các linh kiện điện tử đến những những thiết bị truyền thông, trang sức,..
Từ năm 1984, kinh doanh viễn thông được tự do hóa tại Nhật, ông đã thành lập công ty DDI và đã hiện thực hóa việc gọi điện thoại đường dài với chi phí thấp. Sau năm 1987, ống thành lập thêm tiếp 8 công ty liên quan đến viễn thông và đã gây dựng được một hệ thống viễn thông phủ sóng trên cả nước. Năm 2000, ông sát nhập 3 công ty là KDD, DDI và IDO đó thành 1 công ty tên là KDDI và lui về sau trở thành chủ tịch danh dự. Đến tháng 6/2001 thì trở thành cố vấn cao nhất của Tập đoàn.

Năm 1984, ông dùng tài sản riêng của mình để thành lập quỹ Inamori. Đồng thời ông còn thành lập “giải thưởng Kyoto” trao giải thưởng hàng năm cho những người có những phát minh góp ích cho xã hội. Mặt khác, ông cũng đang làm từ thiện trên khắp nước Nhật và cả ở nước ngoài, và mở trường Inamori chuyên đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ tuổi.

CUỘC ĐỜI CỦA INAMORI KAZUO

cuoc-doi-Inamori-kazuo

Sau khi tốt nghiệp đại học Kagoshima năm 1955, Inamori Kazuo vào làm cho công ty Matsukaze chuyên sản xuất một số bộ phận cho cột điện thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi vào làm ông mới nhận thấy tình trạng đáng báo động của công ty. Không chỉ quản lý lỏng lẻo, lãnh đạo của công ty đều là những người trong gia đình mà lại còn đang tranh chấp nhau. Ký túc xá của ông cũng bẩn thỉu và không có ai quản lý. Cùng vào công ty với ông năm đó còn có 5 người khác, và tất cả đều cùng chung một ý kiến là phải nhanh chóng nghỉ việc ở đây càng sớm càng tốt

Những người vào cùng đợt với Inamori năm đó cũng đã nghỉ việc chỉ trong vòng nửa năm, chỉ còn lại ông và 1 người khác. Tuy nhiên, người đó cũng đăng ký đi học ở một trường quân sự và cuối cùng chỉ còn lại một mình Inamori.

Đứng trước tình huống đó, ai cũng nghĩ ông cũng sẽ nghỉ việc, nhưng trái lại nó đã trở thành động lực để ông cố gắng. Inamori Kazuo đã nghĩ “Đã ở vào trong hoàn cảnh này thì có than vãn cũng chẳng có ích gì. Mình phải thử thay đổi suy nghĩ, nghiên cứu hết sức mình xem sao”. Sau khi quyết định như vậy, ông đã mang chăn màn và các vật dụng cá nhân đến phòng nghiên cứu của công ty để vừa làm vửa ngủ luôn tại đó.

Sau một thời gian, những nghiên cứu của ông đưa ra được những kết quả tốt, ông được công nhận và được thăng chức. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau khi được thăng chức, ông đã bị giám đốc kĩ thuật hồi đó của công ty nói rằng “Năng lực của anh không đủ để làm việc này. Hãy bỏ nó đi! Tôi sẽ tìm người khác!” Người giám đốc này là người mới vừa vào công ty và Inamori cũng đã không chịu nổi điều này, ông đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Khi nghe thấy tin Inamori nộp đơn xin nghỉ việc, các cấp dưới của ông đều nói “Chúng tôi cũng sẽ nghỉ việc và đi theo Inamori”. Ngoài ra, Inamori còn được sự ủng hộ của cấp trên cũ là 1 người tên là Aoyama. Aoyama rất tin tưởng ở Inamori, hứa sẽ đi tìm người đầu tư cho Inamori để mở công ty. Ông đã dẫn Inamori đến để nói chuyện với 2 người bạn của ông là Nishieda và Mazikawa khi đó là Phó Tổng giám đốc và Giám đốc cấp cao của công ty Miyaki Electronic ở Kyoto. 

Trong lần đầu tiên Aoyama dẫn Inamori đến gặp 2 người này, ngay lập tức họ từ chối. Họ không tin một cậu bé mới chỉ 27 tuổi có thể làm được điều gì lớn. Tuy nhiên cả Aoyama và Inamori đã ra sức thuyết phục họ và kết quả cuối cùng là đã nhân được đầu tư. 

Sau khi quyết định đầu tư cho Inamori, Nishieda đã nói “Đã hỗ trợ thì phải hỗ trợ đến cùng” và khi công ty cần phải vay vốn ngân hàng ông đã đem căn nhà mình đang ở ra để cầm cố. Vợ của Nishieda đã nói với chồng “Nếu làm như vậy có thể chúng ta sẽ mất nhà đấy!” nhưng ông đã trả lời là: “Một người đàn ông đã và đang rất nể phục một người đàn ông. Cho nên có mất nhà thì cũng không sao cả!”

Kyocera đã bắt đầu như vậy vào năm 1959, bằng những phát mình và phương pháp lãnh đạo của Inamori Kazuo, từ chỉ có 28 nhân viên, đến nay tập đoàn đã có hơn 60,000 nhân viên với doanh thu hơn 1,000 tỷ Yên và vươn lên thành công ty có quy mô thế giới. Sau này ông còn kinh doanh thêm về viễn thông và thành lập ra tập đoàn KDDI với doanh thu hơn 3,500 tỷ Yên, chấm dứt sự độc quyền về viễn thông của NTT thời bấy giờ.

NHỮNG CÂU NÓI NỔI TIẾNG CỦA INAMORI KAZUO

Inamori-kazuo-la-ai 3

■Mọi người hay cho rằng quan trọng nhất trong kinh doanh là có được sự tin tưởng của Khách hàng. Đương nhiên, sự tin tưởng của Khách hàng là điều kiện cần thiết không thể thiếu, nhưng ở trên nó còn cần phải có “Đức” và sự tôn trọng từ Khách hàng. Nhận được sự tôn trọng từ Khách hàng, từ đó xây dựng nên những mối quan hệ bền vững, không thể tách rời, đó mới chính là bản chất của kinh doanh

■Con người thường hay tìm kiếm cảm hứng từ những yếu tố bên ngoài. Tôi thì tìm kiếm nó ở trong chính bản thân mình. Hãy làm hết sức những việc mà bản thân đang làm, kiểm tra và cải thiện nó, sẽ có một ngày chúng ta đạt được những kết quả mà chính bản thân mình cũng không thể tưởng tượng được.

■Đa số những doanh nhân đều thành công nhờ vào tài năng và năng lực của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy họ sẽ sớm chìm đắm trong tài năng của mình và công việc kinh doanh cũng sẽ khó bền vững. Để cho công việc kinh doanh có thể phát triển bền vững, chúng ta phải không ngừng xây dựng và nâng cao nhân cách đạo đức và cái “Tâm” của mình.

■Những người thành công không khác quá nhiều so với những người khác. Không phải những người không thành công không có đủ nhiệt huyết. Điểm khác nhau ở đây chính là khả năng chịu đựng và sự kiên trì. Những người thất bại là những người khi gặp khó khăn, họ tìm ra một lý do gì đó và từ bỏ việc nỗ lực của mình.  

■Nhiệt huyết chính là điểm khởi đầu của thành công. Ý chí, quyết tâm để thành công càng lớn thì khả năng thành công càng cao. Ý chí, quyết tâm lớn ở đây nghĩa là dù là khi bản thân ngủ hay thức, suốt 24 tiếng chỉ nghĩ về việc mình muốn làm.

■Điểm mấu chốt của lãnh đạo chỉ có một mà thôi, đó là đối xử với tất cả mọi người một cách công bằng.

■Nhiều người nghĩ rằng để kinh doanh và phát triển một công ty, chúng ta cần phải có nhiều mưu mẹo. Nhưng những thứ như vậy hoàn toàn không cần thiết. Hãy cố gắng từng ngày một, chắc chắn tương lai tươi sáng sẽ đón chờ chúng ta.

■Đừng chạy theo lợi nhuận, lợi nhuận sẽ tự chạy theo mình.

■Nỗ lực không có giới hạn. Nỗ lực không có giới hạn đó sẽ tạo ra những thành quả mà chính bản thân mình sẽ phải bất ngờ. Để làm được điều đó, đầu tiên hãy xóa bỏ đi những định kiến của mình, phá vỡ và vượt qua những bức tường đó, và chúng ta sẽ thành công. Khi đó, tự tin đã vượt qua khó khăn đó sẽ dẫn chúng ta đến những thành công mới lớn hơn.

 

Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về Inamori Kazuo tại link sau (Tiếng Anh & Tiếng Nhật): 

http://www.kyocera.co.jp/inamori/

 

3 Comments

  1. Vũ Phi Khanh 15/03/2020
  2. HUU HUYNH 18/10/2020
  3. Khách 16/10/2023

Leave a Reply