Review sách “Dám hạnh phúc” – Dám bị ghét để có được hạnh phúc

Nối tiếp thành công của cuốn sách nổi tiếng “Dám bị ghét”, 2 tác giả người Nhật là Kishimi Ichiro và Koga Fumitake đã cho ra đời phần Ⅱ của cuốn sách với tiêu đề “Dám hạnh phúc”. Vẫn là cách truyền tải thông điệp thông qua cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia, thế nhưng ở phần Ⅱ này, chàng thanh niên đã trở thành một người giáo viên và chia sẻ với triết gia những sự khó khăn mà mình đang gặp phải. (Các bạn có thể tìm hiểu thêm về nội dung của cuốn sách “Dám bị ghét” TẠI ĐÂY)

Sách “Dám hạnh phúc” phù hợp với đối tượng nào?

Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa  Mua sách tại Shopee 

Theo ý kiến cá nhân của mình, cùng với “Dám bị ghét” thì “Dám hạnh phúc” là một cuốn sách mà bất kì ai cũng nên đọc thử một lần trong đời, trong đó đặc biệt là những đối tượng sau:

  • Những người đang cảm thấy không an tâm với những mối quan hệ hiện nay của mình
  • Những người đang có con hoặc học sinh và muốn chúng phát triển một cách tốt nhất

Dưới đây mình sẽ tổng hợp cho các bạn một vài điểm quan trọng mà mình thích nhất từ cuốn sách “Dám hạnh phúc” này. 

Tại sao chúng ta phải nghe theo những người mà mình không tôn trọng?

Trong nền giáo dục và cả những mối quan hệ trong gia đình hay xã hội hiện nay, “Tôn trọng” là một cảm giác được tồn tại không nhiều.

Giáo viên thì sử dụng quyền hành của mình để ép học sinh làm những việc mình muốn như những kẻ độc tài, bố mẹ thì cũng hay có xu hướng ép buộc và áp đặt con cái theo những hình mẫu lý tưởng của họ.

Những người con hay những người học sinh lớn lên trong môi trường như vậy sẽ khó để có thể cảm thấy “Tôn trọng” bố mẹ, thầy cô và hơn nữa cũng sẽ rất khó để có thể trưởng thành.  

Trong tâm lý học Adler, “Tôn trọng” không có nghĩa là bản thân phải nịnh nọt hay tuân thủ theo người đó, mà là việc bản thân biết, hiểu và chấp nhận hoàn toàn người đó.  

Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ có thể gọi là mình tôn trọng ai đó khi chúng ta tôn trọng tất cả con người của họ dẫu cho họ có là con người bạo lực hay có tư tưởng bi quan đi nữa.  

Trên đời này không có ai là hoàn hảo. Nếu như chúng ta bỏ qua khuyết điểm và cố gắng chỉ nhìn vào những điểm tốt của họ thì điều gì sẽ xảy ra?  

Chắc chắn khi khuyết điểm của người đó lộ ra, bạn sẽ dùng hết khả năng của mình để công kích họ.  

Thử nhớ lại xem đã khi nảo bạn thần tượng một diễn viên hay một ai đó nổi tiếng rồi cảm thấy tuyệt vọng dẫn đến chán ghét khi biết những điều bạn không thích về họ chưa?  

Trong cuốn “Dám hạnh phúc” này, tác giả đã rất nhiều lần nhắc đến việc trong cuộc đời này không có ai sống vì chúng ta, do đó chúng ta cũng không được sống vì bất kì ai cả. 

Áp đặt lý tưởng của mình vào người khác là việc làm không đúng, dùng lý tưởng của người khác để áp đặt cho mình cũng là những lý do cơ bản khiến chúng ta không thể sống HẠNH PHÚC.

Để duy trì mối quan hệ tốt thì phải bình đẳng

Thử tưởng tượng xem, nếu như bạn là học sinh và bạn đang làm việc riêng hay nghịch điện thoại trong giờ học. Chắc chắn giáo viên sẽ bực tức và mắng mỏ bạn đúng không?

Bực tức hay giận là một trong những cách để biểu lộ cảm xúc dễ dàng, và từ đó giáo viên có thể bắt những học sinh của mình làm theo những gì mình muốn.

Thế nhưng… liệu nó có thực sự có kết quả như mọi người vẫn nghĩ?

Nếu như nó thực sự hiệu quả, chắc chắn người giáo viên đó đã không phải tỏ ra giận dữ nhiều lần đến như vậy.

Điều đáng tiếc là trên thực tế, hầu hết con người chúng ta đều chọn cách giải quyết dễ dàng theo kiểu “tức giận” này của người giáo viên.

Triết gia đã nói với chàng thanh niên như sau về vấn đề này:

Cậu cảm thấy phiền phức khi giao tiếp bằng lời với học trò của mình nên mắng mỏ để khuất phục chúng một cách nhanh chóng. Lấy cơn giận làm vũ khí, bắn khẩu súng mang tên nhiếc móc, đâm lưỡi kiếm uy quyền. Đó chính là thái độ thiếu chín chắn, ngu ngốc với tư cách là một nhà giáo.

Vấn đề ở đây là giáo viên thường không “tôn trọng” học sinh và cũng không cố gắng để xây dựng “tình bạn” giữa hai người.

“Quan hệ tình bạn” theo tâm lý học Adler chính là SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA TRÁI TIM.

Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh sẽ không bao giờ tốt nếu người giáo viên luôn nói chuyện với học sinh với tư cách bề trên và đưa ra những chỉ thị bất chấp phản ứng của học sinh. Phần lớn những giáo viên hiện nay đều đang dạy học theo chủ nghĩa “độc tài” đó. Theo tâm lý học Adler, để có được một mối quan hệ tốt, điều đầu tiên là phải phá bỏ được “bức tường” cổ hủ này.

Than vãn với người khác là một điều vô nghĩa

Trong cuốn “Dám hạnh phúc” này, tác giả cũng có đề cập đến một vấn đề khá thú vị là con người thường hay suy nghĩ và hành động kiểu như: “Người khác xấu xa! Còn ta thì tội nghiệp”.

Thừ nghĩ lại xem, các bạn đã bao giờ như vậy chưa? Suy nghĩ rồi than thở rất nhiều, cuối cùng kết luận của chúng ta đều là “Tại vì anh ta/cô ta hay hoàn cảnh nào đó. Còn bản thân mình chỉ là người bị hại…” 

Tác giả đã khuyên chúng ta nếu bị ai đó nói chuyện hoặc tâm sự những vấn đề kiểu như này thì hãy bỏ qua nó.

Lý do tại sao?

Đó chính là vì dù bạn có nghe bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể tìm ra hướng giải quyết cho bản chất của vấn đề.

Và cũng có đôi khi, người mà đang nói với bạn thậm chí còn đang không đi tìm hướng giải quyết. Cái họ muốn chỉ là cho mọi người xung quanh thấy mình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào mà thôi…

Để có được một cuộc sống hạnh phúc, khi gặp phải một vấn đề nào đó thì điều quan trọng nhất là cần suy nghĩ và quyết định “Mình phải làm gì” chứ không phải là kể lại những sự việc trong quá khứ. Dẫu cho các bạn có chỉnh sửa để có thêm một chút ly kỳ cho câu chuyện của mình đi chăng nữa thì chắc chắn hiện tại cũng sẽ không thay đổi gì.

Điều quan trọng nhất các bạn cần làm khi rơi vào một hoàn cảnh khó khăn nào đó không phải là than vãn, mong chờ sự thông cảm, cũng không phải là ngồi đắn đó suy nghĩ xem sau này mình sẽ ra sao, mà các bạn cần phải nghĩ xem “Bây giờ mình phải làm gì?”. Đó mới chính là những phương pháp để thay đổi tình huống khó khăn này. Đây cũng chính là một trong những điểm mà mình tâm đắc nhất trong sách. Còn các bạn thì sao?

Tổng kết

Ở Việt Nam và cả ở Nhật, cuốn sách “Dám hạnh phúc” này thường được bán kèm với cuốn “Dám bị ghét”. “Dám bị ghét” giống như phần lý thuyết nhập môn dẫn dắt người đọc tiếp cận với tâm lý học Alder và “Dám hạnh phúc” thì là tổng hợp những phương pháp cụ thể để áp dụng được thuyết tâm lý học đó vào đời sống thực tế.  

Hãy thử tìm đọc nó vì mình nghĩ dù ít hay nhiều chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy rất thú vị vì cách suy nghĩ của tư tưởng tâm lý học Adler.

Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa  Mua sách tại Shopee 

Leave a Reply