Yamaha Torakusu là ai? Lịch sử hình thành của công ty Yamaha và Kawai

Thương hiệu Piano Yamaha đã trở thành một trong những thương hiệu về Piano nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, ít người biết được rằng thương hiệu này bắt nguồn từ việc một chiếc đàn Organ bị hỏng ở một trường tiểu học và đã phải nhờ một người tên là Yamaha Torakusu khi đó đang là nhân viên sửa chữa thiết bị y tế trong một bệnh viện gần đó sửa chữa.

Một thương hiệu Piano của Nhật khác rất nổi tiếng hiện nay là Kawai cũng được xây dựng từ một nhân viên của Yamaha. Kawai Koichi là một kỹ thuật viên thiên tài, đã được phân công thiết kế những bộ phận khó nhất của chiếc đàn Piano ngay khi mới 14 tuổi.

Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu Yamaha Torakusu là ai và lịch sử hình thành của công ty sản xuất Piano Yamaha cũng như Kawai như thế nào.

Những chiếc Piano đầu tiên nhập khẩu vào Nhật

Năm 1884 là những năm mà không có nhiều trẻ em ở Nhật được đi học. Ở trường học nào cũng có một bộ phận riêng chuyên để đốc thúc các gia đình cho con em mình đi học. Higuchi Rinjiro là một người như vậy. Ông làm công việc đó tại trường cấp 1 Hamamatsu thuộc tỉnh Shizuoka.

Một ngày nọ, có một chiếc đàn Organ được mang từ Mỹ và đặt ở trong trường. Tất cả học sinh đều bị mê hoặc bởi thứ âm thanh tuyệt đẹp mà lần đầu tiên họ được nghe đó. Khi đó, chìa khóa của chiếc phòng đặt đàn Organ còn được chính hiệu trưởng quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, chiếc Organ đó đã bị hỏng. Hồi đó, đàn Organ của Nhật tất cả đều là nhập khẩu, không có người Nhật nào hiểu được cấu tạo của chiếc đàn này. Và đương nhiên cũng không có người nào có đủ khả năng để sửa nó. Người hiệu trưởng khi đó đã không biết làm như thế nào và đã hỏi Higuchi.

Higuchi đã hỏi một người bạn của mình khi đó là giám đốc bệnh viện Hamamatsu và đã được giới thiệu cho một người rất giỏi về máy móc hiện đang sửa chữa thiết bị y tế cho bệnh viện. Người đó chính là Yamaha Torakusu.

Yamaha-Torakusu-la-ai

Yamaha Torakusu (20/5/1851 – 8/8/1916). Ông là nhà sáng lập công ty Nippon Gakki Co., Ltd (bây giờ là Yamaha Corporation). Ông cũng là người chế tạo ra chiếc đàn Organ và đàn Piano đầu tiên tại Nhật.

Yamaha Torakusu không phải xuất thân từ thành phố Hamamatsu. Cha của ông là người thuộc tỉnh Wakayama và là một trong những binh sĩ thuộc quân đội của lãnh chúa Tokugawa nổi tiếng. Năm 17 tuổi, Torakusu từ bỏ con đường võ sĩ của mình, lên Osaka làm việc cho một cửa hàng kinh doanh đồng hồ. Ông rất thích những chiếc đồng hồ bỏ túi thời bấy giờ và đã quyết tâm phải tự mình chế tạo được một cái như vậy. Sau đó, ông chuyển đến tỉnh Nagasaki để theo học về kĩ thuật sản xuất từ một người Anh. Không chỉ đồng hồ, ông còn rất giỏi về những kĩ thuật liên quan đến công cụ y tế.

Sau thời gian học tập, Torakusu quay trở lại Osaka với ý định chuyên tâm vào việc sản xuất đồng hồ. Tuy nhiên do không đủ vốn, ông chỉ có thể mở một cửa hàng bán đồng hồ nhưng công việc kinh doanh cũng không được thuận lợi. Ông đành phải chuyển sang làm nghề sửa chữa đồ y tế cho đến năm 33 tuổi.

Làm việc ở Osaka, nhưng thỉnh thoảng cũng đi công tác các tỉnh khác. Tình cờ trong một lần công tác ở Hamamatsu ông đã gặp giám đốc bệnh viện Hamamatsu và được nhờ sửa chiếc đàn Organ đó. Sau đó, ông quyết định chuyển hẳn đến nơi này sinh sống.

“Tôi có thể làm một chiếc như thế này với chỉ 3 Yên!”

Sau khi được Higuchi giới thiệu để sửa chiếc Organ đó, Yamaha Torakusu đã đến trường tiểu học Hamamatsu và đó là lần đầu tiên ông được nhìn thấy một chiếc đàn Organ.

Với kinh nghiệm sửa chữa đồng hồ và các dụng cụ y tế trong nhiều năm, không khó để Torakusu tìm ra nguyên nhân hỏng hóc của chiếc Organ. Lý do đơn giản chỉ là 2 chiếc lò xo bị hỏng. Tuy nhiên Torakusu đã không ngay lập tức bắt tay vào việc sửa chữa nó. Trong đầu ông toát lên một suy nghĩ: “Nếu như mình có thể tháo rời từng bộ phận ra để nghiên cứu thì có khi mình cũng có thể làm được một chiếc đàn như thế này”.

Thời đó, Nhật Bản hoàn toàn chưa sản xuất được đàn Organ, giá một chiếc nhập khẩu từ Mỹ là 45 Yên (tương đương với 450,000 USD hiện nay). Thế nhưng thật bất ngờ là vị hiệu trưởng của trường tiểu học Hamamatsu khi đó đã đồng ý với nguyện vọng của Torakusu.

Từ đó, Torakusu bắt đầu chuỗi ngày mày mò từng bộ phận của chiếc đàn Organ. Ông tháo rời từng bộ phận, vẽ lại từng bản vẽ chi tiết rồi lại lắp ghép lại. Sau một thời gian dài nghiên cứu, ông đã phát biểu một câu: “Tôi chỉ cần có 3 Yên để làm một cái giống hệt như thế này!”

Không có đủ tiền để sản xuất đàn Organ

Đã có đầy đủ bản thiết kế, bản thân cũng đủ tự tin để có thể sản xuất một cái đàn chỉ với 3 Yên, thế nhưng Torakusu lại không đủ vốn để sản xuất những mặt hàng thử nghiệm khi đó. Ở Hamamatsu ông không có người thân, ông đã phải đi gặp rất nhiều người gần nhà, giải thích về tiềm năng công việc ông đang theo đuổi để kêu gọi vốn.

Sau rất nhiều lần bị từ chối, cuối cùng Torakusu cũng gặp được người hiểu mình, đó là một người thợ chuyên làm đồ trang trí tên là Kawai Kisaburo. Cảm kích trước nhiệt huyết của Torakusu, Kisaburo không chỉ đồng ý cho Torakusu vay vốn mà ông còn cho Torakusu mượn một phần của cửa hàng để có chỗ làm việc.

Về sau này, khi bị hỏi về lý do tại sao lại quyết tâm sản xuất cho bằng được những chiếc đàn Organ hồi đó, có lần Yamaha Torakusu đã chia sẻ như sau: “Tôi cảm nhận được rằng chỉ trong một tương lai ngắn, đàn Organ sẽ có mặt trong tất cả những trường tiểu học ở Nhật. Nếu tự chúng ta sản xuất được, chắc chắn nó sẽ tạo ra một nguồn lợi nhuận rất lớn”.

Thời đó, Nhật Bản cũng bắt đầu đưa thêm giờ dạy học âm nhạc vào các trường đại học. Và những đạo cụ như đàn Organ cũng đã trở thành những công cụ không thể thiếu. Nếu việc nội địa hóa chiếc Organ thành công, Torakusu sẽ không chỉ giúp các trường học tiết kiệm hơn được chi phí, mà còn giúp nền kinh tế Nhật Bản không phải ỷ lại quá nhiều vào nước ngoài.

Được chủ tịch tỉnh Shizuoka giới thiệu cho văn phòng âm nhạc Tokyo

Sau 2 tháng miệt mài tìm kiếm những nguyên vật liệu trong nước, Torakusu và Kisaburo đã thành công khi ra mắt sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, khi đánh thử thì đàn lại không phát ra những âm thanh hay như những sản phẩm của Mỹ và chắc chắn không thể bán được.

Hai người đã đem những khó khăn hiện nay chia sẻ với Sekiguchi – là chủ tịch của tỉnh Shizuoka khi đó và đã được Sekiguchi viết thư giới thiệu cho một người tên là Izawa – là chủ nhiệm văn phòng âm nhạc Tokyo (tiền thân của Đại học nghệ thuật Tokyo bây giờ). Izawa là người đã có kinh nghiệm học tập âm nhạc ở Mỹ và rất am hiểu về âm nhạc. Tuy nhiên, để đi được từ Hamamatsu đến Tokyo phải vượt qua con đường dài 250km, qua nhiều đoạn đường núi nguy hiểm và rất khó đi thời bấy giờ.

Sau khi suy xét kĩ càng, cả 2 đã quyết định chấp nhận nguy hiểm, mang theo chiếc đàn Organ để đi gặp Izawa.

Sau khi gặp mặt Izawa, nhận xét của Izawa cũng giống như những gì 2 người đã tưởng tượng. Về mặt hình thức thì có vẻ như nó giống một chiếc đàn Organ nhưng về âm thanh thì hoàn toàn khác. Đó cũng là điều dễ hiểu vì cả Kisaburo và Torakusu đều không hề có kiến thức về âm nhạc. Khi đó, Izawa đã đồng ý cho Kisaburo và Torakusu được ở lại học về âm nhạc như những sinh viên đặc biệt.

Sau một thời gian học tập, cả 2 trở về và quyết tâm sản xuất lại một chiếc Organ bằng những kiến thức mình học được. Rồi họ lại lặn lội đường xa để mang chiếc Organ đó lên Tokyo để nhờ Izawa kiểm tra. Tuyệt diệu thay, ở lần thứ 2 này, Izawa đã chấp nhận sản phẩm của họ.

Khách hàng đầu tiên đã đặt 5 chiếc Organ đầu tiên chính là Sekiguchi – chủ tịch của tỉnh Shizuoka. Ngay sau đó thì cũng có rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi gửi về. Những chiếc Organ nội địa được biết đến nhanh như vậy cũng một phần là nhờ Izawa đã hỗ trợ tuyên truyền trong giới âm nhạc rằng “Nhật Bản đã sản xuất được những chiếc đàn Organ đầu tiên”.

Sau Organ là Piano

cong ty Yamaha

Sau khi nhận được rất nhiều đơn hàng từ nhiều nơi trên khắp đất nước, để cơ cấu hóa hệ thống sản xuất của mình Torakusu và Kisaburo đã cùng góp vốn xây dựng lên một công ty đặt tên là “Yamaha Fukin Seijosho” (山葉風琴製造所) và bắt đầu tuyển dụng kỹ sư. Higuchi cũng là một trong những người đã cùng góp vốn để hỗ trợ thành lập công ty.

Chỉ sau 1 năm từ ngày thành lập, số lượng nhân viên đã vượt quá con số 100 người. Trong những nhân viên khi đó ở công ty, nổi bật nhất có 1 người tên là Kawai Koichi. Không chỉ là một người còn rất trẻ, Kawai Koichi còn được mệnh danh là “thiên tài” về kỹ thuật. Koichi bắt đầu làm việc cho công ty qua sự giới thiệu của Higuchi.

Khi vừa mới tốt nghiệp tiểu học, có một lần Kawai Koichi nhìn thấy một chiếc xe ngựa chạy qua. Sau đó, tự bản thân ông đi tìm những mảnh gỗ vụn và lắp ghép thấy một chiếc xe có cấu trúc y hệt như vậy, rồi cưỡi chó vui đùa là một câu chuyện rất nổi tiếng khi đó. Sau lần đó, Higuchi đã nói chuyện với Koichi, hỏi về ước mơ trong tương lại thì Koichi đã nói rằng: “Tôi muốn chế tạo ra những máy móc có thể tạo ra âm thanh” và vì thế Higuchi đã giới thiệu Koichi cho Torakusu.

Năm Kawai Koichi bắt đầu làm việc cho công ty cũng là năm công ty chuyển sang hình thức công ty cổ phần và đổi tiên thành “Nihon Gakki Seijo Kabushikaisha” (日本楽器製造株式会社). Vào thời điểm đó, Higuchi cũng trở thành Phó tổng giám đốc và phụ trách công việc kinh doanh của công ty.

Sau khi hoạt động của công ty đi vào quỹ đạo và lại thành công trong việc kêu gọi vốn, ngay lập tức Torakusu đã bắt tay vào việc nghiên cứu để chế tạo một chiếc Piano. Tự bản thân Torakusu sang Mỹ để tìm hiểu về các phụ kiện cũng như máy móc cần thiết để làm một chiếc Piano. Trước khi đi, Torakusu đã gọi riêng Kawai Koichi ra để nhờ nghiên cứu thiết kế chi tiết Action của Piano. Action là chi tiết quan trọng nhất trong đàn Piano, nó quyết định chất lượng âm thanh vang ra khi người chơi gõ lên phím đàn.

Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, cuối cùng Koichi cũng đã có thể chế tạo được những chiếc Action như ý. Khi ra ga để đón Torakusu trở về từ Mỹ, Koichi đã nắm lấy tay ông và câu đầu tiên Koichi nói là: “Tôi đã chế tạo được những chiếc Action rồi!”

Nhờ vào những máy móc mà Yamaha Torakusu mua tại Mỹ, cộng với những chiếc Action mà Kawai Koichi tự chế tạo ra, vào tháng 1 năm 1900, chiếc Piano đầu tiên của Nhật Bản đã ra đời. Khi đó Yamaha Torakusu 48 tuổi và Kawai Koichi mới chỉ 14 tuổi.

Thời kì đó đã đánh dấu một sự phát triển đột biến của ngành sản xuất nhạc cụ của Nhật Bản. Riêng về Koichi, ông cũng đã trở thành giám đốc sản xuất của công ty ngay ở tuổi 21. Ông cũng là người phát mình ra máy sản xuất những phím đen trên bàn piano, Piano để bàn và Piano tự động sau này.

Đến năm 1927, Koichi tách ra khỏi Yamaha và thành lập công ty riêng đặt tên là Kawai Musical Instruments Manufacturing (河合楽器研究所). Cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói YamahaKawai là 2 thương hiệu Piano nổi tiếng nhất trên thế giới.

Leave a Reply