Nói đến thương hiệu ô tô, xe máy Suzuki các bạn nhớ đến sản phẩm nào? Những chiếc xe máy phân khối lớn? Hay những chiếc ô tô nhỏ gọn như Swift hoặc dòng xe đang làm mưa làm gió tại thị trường Ấn Độ và mới được bán ở Việt Nam Celerio?
Có thể nhiều người hay nghĩ Suzuki chỉ là 1 hãng ô tô nhỏ không thể so sánh được với những hãng nổi tiếng khác như Toyota hay Honda,.. Tuy nhiên, sự thật là phân khúc khách hàng mà thương hiệu Suzuki đang nhắm tới khá khác so với những hãng ô tô khác. Suzuki đang là công ty chiếm thị phần lớn nhất trong dòng xe Kei-car (những chiếc xe nhỏ, gọn, tiết kiệm nhiên liệu) tại Nhật – dòng xe mà có thời điểm đã chiếm tới 40% thị trường xe ô tô tại Nhật.
Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Suzuki Michio – người sáng lập ra công ty ô tô Suzuki hiện nay và lịch sử hình thành của công ty SUZUKI.
Suzuki Michio là ai?
Suzuki Michio (1887-1982) là một doanh nhân và một nhà sáng chế người Nhật Bản, người có công sáng lập ra công ty mà ngày nay được biết tới với tên gọi Tập Đoàn Suzuki chuyên sản xuất xe máy và ô tô. Công ty được thành lập vào năm 1909, với tên gọi ban đầu là “Suzuki Loom Manufacturing Company” (Công ty sản xuất máy dệt Suzuki).
Suzuki Michio sinh năm 1887 tại thành phố Hamamatsu thuộc tỉnh Shizuoka. Ông bắt đầu sự nghiệp từ “Công ty sản xuất máy dệt Suzuki” nhưng sớm nhận ra sự hạn chế của thị trường máy dệt, khoảng những năm 1930 ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và sản xuất ô tô. Năm 1951 thì bắt đầu sản xuất xe máy trước khi chính thức đổi tên công ty thành “Công ty ô tô Suzuki” vào năm 1954.
Thay đổi từ sản xuất máy dệt sang sản xuất ô tô
Vào năm 1909, Suzuki Michio đã thành lập nhà máy dệt Suzuki tại Hamamatsu. Ban đầu nhà máy sản xuất máy dệt thủ công bằng chân, dần dần chuyển sang sản xuất máy dệt có động cơ. Những sản phẩm máy dệt có động cơ được đánh giá cao và bắt đầu xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Ban đầu công việc kinh doanh của công ty khá tốt, bán được nhiều đơn hàng, tuy nhiên do sản phẩm quá bền, dẫn đến nhu cầu mua mới giảm dần theo thời gian. Đứng trước tình huống đó, Suzuki buộc phải chuyển sang một lĩnh vực khác và ông đã quyết định tiến vào thị trường ô tô vì ông nghĩ đây là cách tốt nhất để phát tiển kỹ thuật của mình.
Năm 1937, Suzuki đã mua một chiếc “Austin 7” để nghiên cứu động cơ. Sau khi mổ xẻ để xem xét cấu trúc của chiếc xe đó, ông đã thành công trong việc chế tạo một chiếc động cơ giống như vậy. Thời kì này là thời kì công ty sản xuất ô tô Toyota cũng đã được thành lập và rất nhiều người nhận thấy ngành ô tô là một ngành tiềm năng. Suzuki cũng nhanh chóng thành công trong việc sản xuất thân và khung xe, tuy nhiên Nhật Bản ngay sau đó bước vào thời kì chiến tranh, và công ty buộc phải sản xuất súng, đạn, vũ khí theo yêu cầu của chính phủ.
Sản xuất xe máy trên những cánh đồng bị cháy
Chiến tranh đã biến Hamamatsu thành những cánh đồng bị cháy rụi. Rất may là nhà máy của công ty không bị thiệt hại quá nhiều. Tuy nhiên công việc kinh doanh máy dệt không được tốt và khi đó Suzuki Michio đã chú ý đến việc sản xuất xe máy. Động cơ của xe máy khi đó có thể tận dụng động cơ của những máy phát điện không dây bỏ đi của quân đội khi đó nên có thể tiết kiệm chi phí. Thời này, Honda cũng đã bắt đầu sản xuất xe máy, và còn có các công ty khác ở Hamamatsu cũng đang sản xuất xe máy. Hiện nay có 4 công ty sản xuất xe lớn nhất của Nhật thì trong đó, ngoài Kawasaki, 3 công ty còn lại là Suzuki, Honda, Yamaha đều khởi điểm từ Hamamatsu.
→Các bạn có thể tìm hiểu thêm về công ty Honda TẠI ĐÂY
Năm 1952, Suzuki đưa ra sản phẩm xe máy đầu tiên 36 phân khối với tên gọi “Power Free”. Sau đó 1 năm, sản phẩm tiếp theo “Diamond Free” 60 phân khối ra đời. 1 tháng hồi đó Suzuki đã bán được khoảng 4000 xe. Đến năm 1954 thì đổi tên công ty thành “Công ty ô tô Suzuki” như một tuyên bố mạnh mẽ sẽ tiến vào thị trường ô tô. Tuy nhiên, hồi đó trong nội bộ công ty cũng có một số ý kiến phản đối vì cho rằng thị trường xe máy vẫn còn tiềm năng, nếu tập trung hết sức để làm ô tô vào thời điểm này thì là quá rủi ro.
Bỏ qua tất cả những ý kiến phản đối đó, Suzuki Michio đã chọn con nuôi của con gái thứ 2 của mình là Suzuki Sanburo làm trưởng dự án. Công ty đã đặt mua mẫu xe Beetle của Volkswagen, Citroen 2CV, Lloyd LP400, Renault 4CV về để nghiên cứu.
Chỉ mất nửa năm để đưa ra xe chạy thử
Suzuki đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất những chiếc Kei-car (K car) đầu tiên rất nhanh. Bắt đầu nghiên cứu vào tháng 2 và tháng 9 đã hoàn thiện phiên bản chạy thử. Tháng 10 thì họ bắt đầu cho chạy thử chính thức trên đường thật. Quãng đường chạy thử sẽ là từ Hamamatsu đến Tokyo, quãng đường này phải vượt qua một đoạn đường núi ở Hakone và đây là cung đường chạy thử yêu thích của nhiều hãng xe thời bấy giờ.
Đường thời đó còn chưa được trải nhựa như bây giờ và đương nhiên là có rất nhiều sỏi đá. Xe chạy thử phải vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt như vậy để đến điểm cuối cùng là trụ sở chính của công ty ô tô Yanase. Đây là công ty chuyên nhập khẩu và phân phối xe ô tô lớn nhất thời bấy giờ. Tổng giám đốc thời đó của công ty là Yanase Jiro đã trực tiếp lái thử, kiểm tra xe và đã có những đánh giá rất tốt về xe. Nhờ sự tự tin sau lần đó và qua vài lần cải thiện, tháng 10/1955, Suzuki đã cho ra mắt chiếc xe Suzulight đầu tiên.
Thời kì đầu tiên Suzulight có 3 dòng xe là Sedan, Compact Van và Pickup. Các mẫu xe này cũng được triển lãm tại hội chợ xe toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 4/1956 tại Tokyo và thu hút được rất nhiều sự chú ý. Giá bán lẻ khi đó lần lượt là 420,000 Yên, 390,000 Yên và 370,000 Yên. So với xe phổ biến nhất hồi đó là Datsun (của hãng Nissan) có giá 750,000 Yên thì là khá rẻ. Tuy nhiên mức lương khởi điểm của một sinh viên mới ra trường khi đó chỉ là 6,000 Yên thì đây vẫn là một mức giá khá cao. Với mục tiêu giảm giá thành hơn nữa, năm 1958 Suzuki đã quyết định chỉ tập trung vào dòng xe Compact Van.
Tạo ra xu hướng cho loại xe Kei-car
Thời kì đầu, để tránh thuế tiêu thụ đặc biệt Suzuki chỉ sản xuất những mẫu xe thương mại. Đến năm 1962 mới bắt đầu ra mắt xe thông dụng đầu tiên với tên gọi “Suzuki Fronte”. Năm 1967, ra mắt phiên bản mới cho mẫu xe này là “Fronte 360” và cũng dừng bán các dòng xe “Suzulight” vào thời điểm này. Đến năm 1979, sản phẩm dùng cho thương mại “Alto” được ra mắt và đã tạo được tiếng vang lớn với giá thành chỉ là 470,000 Yên.
Tiếp theo, đến năm 1993 tiếp tục ra mắt sản phẩm “Wagon R” là một trong những sản phẩm tạo nên xu hướng cho dòng xe Kei-car ở Nhật. Bằng những nỗ lực để giảm giá thành, Suzuki đã tạo được xu hướng và trở thành doanh nghiệp ô tô dẫn đầu trong dòng xe Kei-car tại Nhật.