Review sách “Nhật ký Anne Frank” – Cuốn sách làm thay đổi lịch sử thế giới

Nhật ký Anne Frank – cuốn nhật ký của cô bé người Hà Lan đã gây xúc động trên toàn thế giới, kể về những ngày tháng cùng gia đình chạy trốn mũi súng của quân Hitler. Sách được UNESCO vinh danh là một trong mười cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên toàn thế giới và cũng được học giả nổi tiếng của Nhật là Akira Ikegami bầu chọn là 1 trong 10 cuốn sách làm thay đổi lịch sử thế giới.

Anne Frank là ai?

Anna Frank là ai

Anne Frank, tên đầy đủ là Annelies Marie Frank (12/6/1929 – 02/03/1945) là nạn nhân của vụ diệt chủng Do Thái (Holocaust) dưới bàn tay của phát-xít Đức. 

Anne Frank được sinh ra tại Frankfurt, Đức, trong một gia đình Do Thái trung lưu. Khi đó, nền kinh tế Đức vẫn chật vật phục hồi, phần lớn vì Hoà ước Versailles quy định những lệnh trừng phạt áp lên các quốc gia thua trận trong Thế chiến thứ nhất. Trong bối cảnh này, Đảng Quốc xã do Adolf Hitler đứng đầu nổi lên giành được quyền kiểm soát chính phủ vào năm 1933. Hitler trở thành Thủ tướng Đức vào ngày 20/01/1933 bởi chính đảng này mang nặng tư tưởng bài Do Thái, Nhà Frank cảm thấy quê hương không còn là một nơi an toàn và tất cả phải chuyển đến Amsterdam, Hà Lan, sinh sống vào mùa thu năm 1933.

Nhiều năm sau, Anne có viết lại trong nhật ký của mình: “Bởi chúng tôi là người Do Thái, bố tôi phải di cư đến Hà Lan năm 1933. Tại đây, ông trở thành giám đốc quản lý cho công ty Opekta chuyên làm các sản phẩm sử dụng trong dây chuyền sản xuất mứt.” Sau nhiều năm trốn chạy khỏi làn sóng bài Do Thái, nhà Frank nghĩ rằng họ đã tìm được chốn yên bình cho mình tại Amsterdam.

Vì sao người Do Thái bị Hitller truy sát?

Ngày 01/9/1939, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, làm bùng lên cuộc xung đột khơi mào cho Thế chiến thứ 2. Đến ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân Đức tấn công Hà Lan. Quân đội Hà Lan quy phục trước lực lượng phát-xít, bắt đầu chuỗi ngày Đức Quốc xã chiếm đóng đất nước này.

Do cho rằng chính người Do Thái đã cướp đi chiến thắng của nước Đức trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hitler đã mở ra một cuộc thanh trừng người Do Thái đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới trong thời gian này.

Anne Frank sau đó có viết trong nhật ký: “Sau tháng 5 năm 1940, những ngày tốt lành ngày càng hiếm đi. Đầu tiên là cuộc chiến, sau đó là chuyện đầu hàng, rồi binh lính Đức tiến đến nhiều hơn, cũng là lúc người Do Thái gặp càng nhiều rắc rối hơn.”

Từ tháng 10 năm 1940, Đức Quốc xã áp đặt những luật lệ phân biệt đối xử lên người Do Thái tại Hà Lan như bắt họ phải mặc áo có “Ngôi sao David” màu vàng, đặt lệnh giới nghiêm hà khắc, ngăn cấm sở hữu các doanh nghiệp.

Cha của Anne (Otto) vẫn giữ được công ty của mình bằng cách chuyển quyền sở hữu qua cho hai cộng sự người Ki-tô giáo nhưng vẫn đứng sau điều hành mọi thứ.

Năm 1941, Anne Frank và chị cô buộc phải chuyển từ trường công lập sang học tại một trường chuyên biệt dành cho người Do Thái.

Nguồn gốc cuốn sách “Nhật ký Anne Frank”

Ngày 12 tháng 6 năm 1942, bố mẹ Anne tặng cô một quyển sổ tay bìa caro đỏ trắng làm món quà sinh nhật năm cô 13 tuổi. Những dòng đầu tiên cô viết trong cuốn nhật ký vào cùng ngày có nội dung như sau: “Tớ ước tớ có thể bộc bạch mọi thứ cho cậu, điều trước đây tớ chưa từng làm được với bất cứ ai. Mong là cậu sẽ là chỗ dựa tuyệt vời cho tớ.” Và cô bé đã đặt tên cho cuốn nhật ký của mình là Kitty.

Ngày 5 tháng 7 năm 1942, Margot, chị của Anne, nhận lệnh trục xuất đến một trại lao động cưỡng bức của Đức Quốc xã. Hôm sau, cả nhà Frank lánh vào khu vực nhà kho thuộc công ty của cha Anne nhằm trốn khỏi cuộc truy lùng của Đức Quốc xã. Đây là nơi được gọi là “chái nhà bí mật”.

Cùng với gia đình Anne còn có 3 người khác là Hermann van Pels, đối tác của Otto, cùng vợ và con trai của Hermann. Một vài nhân viên của Otto không theo đạo Do Thái như Miep Gies và Bep Voskuijl bí mật tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm cho gia đình ông và gia đình van Pels. Trong suốt 2 năm, cả hai gia đình phải sống chật vật trong chái nhà tối tăm, ẩm thấp mà không một lần bước chân ra bên ngoài.

Trong suốt 2 năm ẩn náu tại “chái nhà bí mật” ở Amsterdam, Anne Frank viết nhật ký hàng ngày. Cô viết về những ngày lẩn trốn và nỗi sợ bị quân Đức bắt. Một vài trang nhật ký thể hiện những khoảnh khắc cô như bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng. Trang nhật ký vào ngày 3 tháng 2 năm 1944 có ghi: “Trái Đất này rồi vẫn tiếp tục xoay dù tôi có ra sao, mà tôi cũng chẳng thể làm gì để thay đổi tình hình hiện tại.”

Nội dung chính của cuốn sách “Nhật ký Anne Frank”

review-sach-nhat-ky-cua-Anne-Frank

Ngoài nỗi sợ hãi khi phải sống một cuộc đời lẩn trốn, cô cũng viết về những vấn đề hết sức đời thường, những trăn trở của một cô bé mới lớn, và hy vọng về một tương lai xán lạn, nơi cô có thể trở thành một nhà báo hay một nhà văn.

Những dòng nhật ký này giúp tâm trí của cô được ổn định và tinh thần cô được phấn chấn trong chuỗi ngày tuy vẫn tự do nhưng sống trong không gian không khác gì tù đày. Cô có viết hôm 5 tháng 4 năm 1944: “Khi đặt bút viết, tôi có thể rũ bỏ mọi ưu phiền.”

Ngoài những dòng nhật ký, Anne Frank còn ghi cả những câu trích dẫn từ những tác giả cô yêu thích, các câu chuyện do cô tự sáng tác, và phần mở đầu cho một cuốn tiểu thuyết viết về những tháng ngày ở “chái nhà bí mật” – một cuốn tiểu thuyết mãi chẳng bao giờ hoàn thành. Lối hành văn trong quyển nhật ký cho thấy cô là một cô bé đầy sáng tạo, giàu cảm xúc, mà cũng không kém phần thông minh. Bút lực của cô hơn hẳn những bạn đồng trang lứa.

Tổng kết

“Nhật ký Anne Frank” chỉ là một cuốn nhật ký thông thường của một cô bé 13 tuổi, thế nhưng qua đó nó lại cho cả thế giới thấy được sự tàn ác của chủ nghĩa Phát-xít, thấy được tinh thần chiến đấu vì sự sống chưa từng mất hi vọng của những nạn nhân. Tất cả đều được khắc họa một cách tự nhiên và rõ nét nhất qua cuốn nhật ký của một cô bé đang ở tuổi trưởng thành.

Sau khi bị quân Đức Quốc Xã bắt, cả gia đình của Anne chỉ còn lại bố của cô là sống sót. Sau khi phát hiện ra cuốn nhật ký ở căn nhà ngày xưa, bố cô đã đồng ý cho xuất bản và nó nhanh chóng được người đọc trên toàn thế giới đón nhận.

Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhắc đến Anne Frank trong một bài diễn văn, ông nói, “Xuyên suốt dòng lịch sử đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều nỗi thống khổ và mất mát, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank. Trái tim nhân văn, ngập tràn niềm hy vọng của cô gái nhỏ tựa như ‘sự thanh tẩy’ đến những kẻ đang bị bị đám mây của quyền lực và độc ác che mờ…”

 “Nhật ký Anne Frank” không hẳn là một cuốn sách, để hiểu được nó các bạn cần phải hiểu về hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ. Đôi lúc những đoạn trong nhật ký cũng không đầu không cuối vì nó chỉ ghi lại cảm xúc và quá trình trưởng thành của một cô bé 13 tuổi. Thế nhưng, đây là một cuốn sách rất đáng đọc và chắc chắn nó sẽ làm các bạn phải suy ngẫm rất nhiều về lịch sử thế giới, về chiến tranh, về cách sống của từng người không chỉ trong thời chiến…

Review sách "Nhật ký Anne Frank"

Mua sách tại Fahasa  Mua sách tại Tiki  Mua sách tại Shopee 

Leave a Reply