Xã hội ngày càng phát triển cũng chính là nguyên nhân làm con người chúng ta dễ bị Stress. Từ “Stress” cũng không còn trở nên quá xa lạ đối với cả những học sinh, sinh viên hiện nay.
Nếu như hỏi “tiến sĩ Google” câu hỏi kiểu như “Làm thế nào để xả Stress?” thì chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời như “Hãy hít thở sâu”, hay “Hãy xem một bộ phim hài nào đó”,..
Tuy nhiên, những cách này không thực sự có hiệu quả, và nếu có nó cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.
Do đó, qua bài viết này, mình muốn cùng tìm hiểu với các bạn về đặc điểm của những người dễ bị Stress và 3 phương pháp để ứng phó khi bị Stress hiệu quả mà mình đang áp dụng.
Đặc điểm của những người dễ bị stress
- Nghiêm túc và có trách nhiệm cao
- Kĩ tính, để ý đến nhiều chi tiết nhỏ
- Có nhu cầu được thừa nhận cao
- Để ý nhiều đến những người xung quanh, không dám nêu lên ý kiến của mình
- Lo lắng quá nhiều về những việc không thực tế
- Kì vọng quá nhiều ở người khác
Nghiêm túc và có trách nhiệm cao là một tính tốt. Tuy nhiên, nếu như cái gì chúng ta cũng ôm vào bản thân thì nó sẽ khiến các bạn dễ cảm thấy Stress.
Mặt khác, vấn đề cũng sẽ xảy ra khi chúng ta kì vọng quá nhiều vào người khác. Thử tưởng tưởng các bạn được giao một công việc gì đó, các bạn lập tức giao lại toàn bộ cho người khác và hi vọng họ sẽ làm được như mình mong muốn. Thế nhưng thực tế rất khó để làm được như vậy. Năng lực, cách làm của mỗi người đều khác nhau, và chúng ta cần phải mất nhiều công sức để khóa lập khoảng trống giữa những gì bạn đang mong muốn và năng lực của người bạn nhờ.
Một trong những người dễ cảm thấy Stress khác là những người có nhu cầu được thừa nhận cao. Cái này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta chắc chắn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi khi luôn phải chú ý đến những thái độ, đánh giá của những người xung quanh về việc mình làm. Hơn nữa khi các bạn bị đánh giá không tốt từ người khác, cảm giác khó chịu, bất an của bạn chính là nguồn gốc khiến các bạn cảm thấy Stress.
(→ Bạn có thể tìm hiểu thêm về nhu cầu được thừa nhận qua link sau: Nhu cầu được thừa nhận là gì?)
Đặc điểm của những người giỏi “chống chọi” với Stress
- Phân biệt rõ ràng giữa vấn đề của mình và người khác
- Hiểu rõ ý nghĩa những việc mình đang làm
- Hiểu được rằng thất bại là bước đệm để tiến lên
- Hiểu rõ việc mình muốn làm và mục tiêu đang theo đuổi
Phân biệt rõ ràng giữa vấn đề của mình và người khác sẽ giúp các bạn tránh được những phiền não, u sầu khi có vấn đề gì bạn không mong muốn xảy ra mà nó lại không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Đây cũng là việc quan trọng nhất giúp các bạn có thể sống vui vẻ được tác giả nêu trong cuốn sách nổi tiếng “Dám bị ghét”. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin qua video sau:
Mặt khác, khi phải đứng trước những khó khăn, việc hiểu rõ mục tiêu mà mình đang phấn đấu cũng sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với các bạn.
Hiểu được vấn đề này, thì dẫu cho khi có gặp khó khăn, các bạn cũng sẽ hiểu được rằng “Để nhảy được cao thì chúng ta cần phải lùi lại lấy đà. Và đây chính là khoảng thời gian mình cần lùi lại lấy đà đó!”
Giống như vậy, có thể số lượng khó khăn, những yếu tố có thể gây Stress mà chúng ta phải chịu là giống nhau, như tùy từng cách suy nghĩ mà nó sẽ có tác dụng tốt hoặc tác dụng xấu.
3 Phương pháp ứng phó khi bị Stress
1. Viết hết những việc khiến bạn cảm thấy Stress ra giấy, phân tích xem đó có phải là vấn đề của mình hay không
Khi các bạn bị Stress, đầu óc của các bạn hầu như không suy nghĩ được gì. Bạn làm việc gì cũng không đạt hiệu quả cao và càng ngày sẽ càng khó chịu hơn.
Do đó, các bạn hãy thử viết hết những gì hiện lên trong đầu bạn, khiến bạn khó chịu ra giấy.
Việc viết ra những vấn đề này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mà viết ra cũng là một hình thức để giải tỏa, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Sau khi viết ra những vấn đề khiến bạn cảm thấy Stress đó, công việc tiếp theo của các bạn là phân chia chúng.
Hãy chia những vấn đề đó thành 2 phần, một là những vấn đề tự bản thân bạn sẽ giải quyết được, và một là những vấn đề chỉ những người khác mới giải quyết được. Sau đó thì hãy quên toàn bộ những vấn đề mà bạn không giải quyết được đi nhé! Giữ lại những thứ đó trong đầu chỉ làm cho não của các bạn ngày càng mệt mỏi mà thôi.
2. Hãy mở miệng ra và gọi “Hạnh phúc” vào
Cho đến thời điểm này đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng:
Không phải là vì không có động lực nên con người không làm. Mà chính là vì con người không làm nên mới không có động lực.
Nói cách khác, khi chúng ta bắt đầu làm thì động lực sẽ bắt đầu được sinh ra.
Có phải hầu hết các bạn đã nhiều lần từ gác lại việc mình định làm chỉ vì nghĩ rằng “Mình chẳng có động lực gì để làm việc này cả” đúng không?
Theo những nghiên cứu khoa học, Vùng nhân não (Nucleus Accumbens) có ảnh hưởng rất lớn đến động lực của con người. Khi vùng này hoạt động mạnh, động lực của con người sẽ tăng lên. Và có một điều đặc biệt là vùng não này sẽ chỉ hoạt động khi con người chúng ta bắt đầu có hành động nào đó.
Giống như vậy, không phải cảm xúc dẫn đến hành động mà hành động trước rồi cảm xúc mới đi theo sau.
Nhân tiện đây mình cũng nói thêm cho các bạn. Khi các bạn thấy một cái gì hay và các bạn cười thì nguyên lý nó cũng giống như vậy. Nếu các bạn chủ động cười trước, các bạn sẽ cảm thấy nó thú vị hơn.
Do đó, nếu như các bạn đang cảm thấy mình bị Stress, hãy thử cố gắng cười và tự tạo ra động lực cho bản thân mình xem.
3. Từ chối tích cực
Khi các bạn bị ai đó nhờ cậy việc gì mà các bạn từ chối, các bạn sẽ dễ cảm thấy Stress đúng không? Các bạn sẽ lo lắng không biết mối quan hệ giữa mình và người đó có bị ảnh hưởng gì không. Do đó, từ chối giúp đỡ một ai đó không phải là việc dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu như bạn nhận lời giúp đỡ tất cả những người nhờ cậy bạn, nó sẽ trở thành nguyên nhân khiến bạn cảm thấy Stress khi bạn bị quá tải.
Do đó, mình muốn giới thiệu đến các bạn một phương pháp đó là “Từ chối tích cực”.
Hãy đừng từ chối đối phương một cách thẳng thừng bằng những lý do chỉ thuộc về bản thân mình. Hãy cùng ngồi xuống với người nhờ bạn đó và phân tích tình hình, giải thích cặn kẽ với họ rằng tuy mình rất muốn giúp họ nhưng hiện nay hoàn cảnh của mình là không thể. Và điều quan trọng nhất là đưa ra được cho người đó những đề xuất hợp lý, mình tin rằng chắc chắn người đó sẽ hiểu bạn.
Đương nhiên là cũng sẽ có những lúc rất khó để từ chối. Nhưng đứng trước những lúc đó bạn sẽ phải quyết định bạn sống là để làm vui mình hay vui lòng người khác.
Tổng kết
Một cuộc sống không có Stress có thể nói là một điều không thể trong xã hội hiện nay. Do đó, thay vì tìm hiểu cách để không bị Stress, sẽ là hợp lý hơn nếu chúng ta suy nghĩ về cách làm thế nào để có thể cùng chung sống với nó.
Qua việc phân tích về đặc điểm của những người dễ bị Stress, hi vọng các bạn sẽ dành thời gian để tự ngồi lại và suy nghĩ về mình.
Mỗi người có một hoàn cảnh, tính cách riêng, từ đó mà cách để ứng phó với Stress cũng sẽ khác nhau.
Cuộc đời của chúng ta chỉ có một lần. Hãy cố gắng để có thể có một cuộc đời mình cảm thấy vui vẻ nhiều nhất bạn nhé!