Trần Ngọc Phúc – người Việt Nam đã cứu mạng hàng nghìn trẻ sơ sinh tại Nhật Bản

Là Chủ tịch của công ty Metran – một công ty chuyên phát minh và sản xuất thiết bị dụng cụ y tế cho trẻ sơ sinh tại Nhật Bản, ở tuổi 70, ông Trần Ngọc Phúc vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học vì mục tiêu tạo ra những máy móc cứu sinh mạng con người.

Trần Ngọc Phúc là ai?
tran-ngoc-phuc-1

Năm 1968, ông Trần Ngọc Phúc khi ấy 21 tuổi bắt đầu sang Nhật Bản du học. Sau thời gian học tiếng, ông vào học ở trường đại học Tokai.

Khi tốt nghiệp đại học năm 1974, ông thực tập cho công ty Senko Ika tại Nhật Bản chuyên phát minh và sản xuất thiết bị dụng cụ y tế. Ban đầu, dự định của ông là mang những kiến thức mình đã học hỏi được về áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm thực tập, ông khám phá ra bản thân có năng khiếu cũng như có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát minh sáng tạo. “Thời điểm đó, số lượng người nước ngoài du học tại Nhật Bản không phải là nhiều, với vị trí là một nghiên cứu sinh tôi coi mình như một “vị khách” sống tại Nhật Bản và lẽ tất nhiên người Nhật cũng đối xử với tôi như một “vị khách”. Nhưng khi quyết định ở lại, tôi buộc phải cố gắng, tranh đấu để có thể hòa nhập, tìm được chỗ đứng của bản thân trong xã hội Nhật Bản” – ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ.

Không phải ai cũng dễ dàng sống được ở một vùng đất mới. Để tạo được chỗ đứng trong xã hội Nhật thì con đường mà ông chọn là làm việc gì mà người Nhật không muốn làm hoặc chưa làm như nghiên cứu máy hỗ trợ hô hấp, máy van tim,… – những dụng cụ y tế liên quan trực tiếp tới sinh mệnh con người. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, ông đã chọn nghiên cứu thiết bị hỗ trợ hô hấp. Những khó khăn ban đầu không ít. May mắn, Giám đốc của công ty Senko Ika đã tạo điều kiện cho ông đi học những kiến thức liên quan đến hô hấp ở một trường đại học Y trong khoảng 1 năm, sau đó là thực tập ở một số đại học Y khác. Ông cũng phải tự mày mò học thêm, tự nghiên cứu ngày đêm vì lúc bấy giờ ở Nhật chưa ai nghiên cứu về ngành này. Sau thời gian học tập, ông trở về công ty cũ làm việc ở bộ phận nghiên cứu gây mê và hô hấp. Ông dành 10 năm để cống hiến cho công ty đã có công đào tạo, giúp đỡ mình.

“Khi làm cho một hãng lớn như vậy, tôi bị những chi phối nhất định. Sự gò bó và phức tạp của công ty khiến tôi suy nghĩ nhiều bởi trong cuộc đời ngắn ngủi của con người, được làm theo niềm yêu thích, đam mê là điều hạnh phúc. Sau đó, tôi xin phép giám đốc của công ty cho tôi ra ngoài làm riêng và lẽ đương nhiên bởi mình mang ơn người ta nên tôi nói rằng, những sáng chế tương lai của tôi, công ty sẽ được ưu tiên sử dụng hoặc kinh doanh mua bán cho tôi. Trong trường hợp họ từ chối thì tôi mới đưa các sản phẩm đó cho những nơi khác”, ông Phúc kể. Và với suy nghĩ như vậy, năm 1982, ông Trần Ngọc Phúc đã thành lập Công ty Metran tại Bunkyo-ku, gần Đại học Tokyo và hiện nay Công ty đã chuyển về Thành phố Kawaguchi, Tỉnh Saitama (cách Thủ đô Tokyo khoảng 30 km).

Công ty Metran tại Nhật

Metran-3

Hiện tại, Công ty Metran tại Nhật Bản có khoảng 50 nhân viên. Công ty tuy nhỏ nhưng với ông, khi làm việc trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội và con người. Từ năm 2006, ông đã thành lập công ty tại Việt Nam, đồng thời tuyển dụng và đào tạo phát triển nhân sự người Việt tại Nhật Bản. Các thiết bị y tế nổi tiếng của Công ty là máy hô hấp cao tần trợ thở cho trẻ sơ sinh thiếu tháng và người bệnh cao tuổi, máy gây mê, máy tạo oxy… dùng trong bệnh viện và gia đình. Các loại máy móc và thiết bị do Metran nghiên cứu, chế tạo được áp dụng những công nghệ mới, hiện đại vào loại bậc nhất thế giới, hình thức nhỏ gọn và dễ sử dụng. Những thiết bị y tế của Metran đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho điều trị bệnh nhân tại vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Hiện nay, các sản phẩm y tế của công ty Metran đã chiếm lĩnh thị trường máy thở cao tần HFO tại Nhật Bản, có mặt tại 53 quốc gia trên thế giới.

Trong số các thiết bị do ông Trần Ngọc Phúc nghiên cứu thì phải kể đến máy hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non. Với tâm niệm “làm những điều mà người khác không thích làm”, máy hô hấp thông thường dành cho 90% bệnh nhân thì có rất nhiều người đã chế tạo, ông dành thời gian nghiên cứu máy hỗ trợ cho những phần trăm còn lại cực khó cứu chữa. “Tôi coi trọng tính mạng của những trẻ sinh non mắc bệnh nghiêm trọng, nên muốn tập trung tạo ra những chiếc máy hỗ trợ đảm bảo sinh mạng cho các bé tốt nhất”, ông Phúc cho biết. Kết quả là 90% trung tâm y tế kỹ thuật cao như NICU (Trung tâm Chăm sóc Trẻ sơ sinh đặc biệt) tại Nhật Bản sử dụng máy hô hấp do ông tạo ra.

Đứa trẻ nhỏ nhất sinh ra tại Nhật Bản chỉ nặng 265 gram, có thể nằm trên bàn tay của người lớn. Những đứa trẻ đặc biệt như thế này, nếu dùng máy hỗ trợ hô hấp thông thường thì rất khó cứu sống và để lại nhiều di chứng. Nhưng sử dụng máy hỗ trợ hô hấp do ông nghiên cứu thì tỷ lệ các cháu sống sót mà không để lại di chứng rất cao. Ngày 25/11/2017, một đài truyền hình của Nhật Bản đã thực hiện chương trình mà thông qua đó, ông Trần Ngọc Phúc đã gặp được hai cháu bé sinh non nhờ có thiết bị của ông mà được cứu sống và giờ đây đã lớn khôn, khỏe mạnh. Gia đình của hai bé coi ông như ân nhân. Cuộc gặp gỡ đầy niềm hạnh phúc vui sướng cho cả ông và gia đình hai bé. Các cháu biểu diễn kiếm đạo cho ông xem, chia sẻ ước mơ của chúng cho ông nghe. Sản phẩm nghiên cứu của mình đã cứu được những đứa trẻ như vậy, có lẽ đó là một trong những món quà tuyệt nhất đối với ông.

Công ty Metran của ông Trần Ngọc Phúc tại Nhật đã đạt được rất nhiều giải thưởng cao quý vì có nhiều cống hiến đóng góp cho xã hội. Đặc biệt hơn cả vào năm 2012, công ty ông đã Thiên Hoàng – tức là nhà vua thời đó của Nhật Bản ghé thăm. Đây là một vinh dữ rất lớn cho tất cả các doanh nghiệp của Nhật Bản bởi vì 1 năm Thiên Hoàng của Nhật Bản chỉ đi thăm 1 hoặc 2 doanh nghiệp trong tất cả những doanh nghiệp của Nhật, và đương nhiên doanh nghiệp được lựa chọn cũng phải trải qua những  tuyển chọn cực kì gắt gao.

LUÔN CÓ SUY NGHĨ MUỐN CỐNG HIẾN CHO VIỆT NAMtran-ngoc-phuc-metran-2

Đã tự khẳng định được mình tại Nhật Bản, song ông Trần Ngọc Phúc chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về đất Mẹ, nơi cha mẹ và những người thân của ông đang sinh sống.

Năm 1986, ông đã được đoàn viên với gia đình, gặp lại cha mẹ và các em tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với niềm vui đoàn tụ, ông đã được bố trí đi khảo sát một loạt các bệnh viện tại Việt Nam. Sau khi trở lại Nhật Bản, ông đã tặng máy HFO cho nhiều bệnh viện nhi tại Việt Nam. Không chỉ vậy, với uy tín của mình, ông còn nhiệt tình hỗ trợ cho các bác sĩ Việt Nam trong quá trình học tập nghiên cứu tại Nhật Bản.

Khi ông Trần Ngọc Phúc còn là du học sinh, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản chỉ có vài chục người. Con số này đã lên đến hàng trăm nghìn người trong năm 2017. Vui mừng với sự phát triển của cộng đồng người Việt song ông Trần Ngọc Phúc cũng đau đáu những điều cần phải làm cho đồng bào.

Nếu như ngày xưa, chàng thanh niên Trần Ngọc Phúc phải đơn thương độc mã lập nghiệp ở xứ người thì ngày nay nhà khoa học Trần Ngọc Phúc tìm cách hỗ trợ những thanh niên Việt Nam có năng lực, ý chí, giảm bớt cho họ những trở ngại mà ông phải vượt qua khi một mình lập nghiệp. Ông đã lập ra những nhóm sinh hoạt dã ngoại, có chung sở thích, tạo cho các em thêm cơ hội kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Đối với ông, những nhóm sinh hoạt chung đó là những lồng ấp để nuôi dưỡng những nhân tài, trí đức cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Ngày 28/5/2017, ông Trần Ngọc Phúc được bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2017 – 2020. Ông huy động các thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản xây dựng các chương trình hành động với mục đích nâng cao nhận thức cho người Việt tại Nhật Bản, hỗ trợ những người Việt khó khăn hòa nhập với xã hội Nhật Bản.

Đối với ông Trần Ngọc Phúc, sáng tạo hay kinh doanh không chỉ đem lại những lợi nhuận về kinh tế mà cùng với đó là tinh thần nhân văn. Sự lương thiện là điều gốc rễ trong con người ông Phúc và được phản ánh trong mọi giai đoạn cuộc đời của ông. “Khoa học vị nhân sinh”, khoa học để phục vụ con người, giúp cho con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn là nguyên tắc căn bản trong cuộc đời và sự nghiệp của ông Trần Ngọc Phúc.

Mấy chục năm sống trên đất Nhật, ông Trần Ngọc Phúc vẫn đang thực hiện hoài bão truyền kinh nghiệm, những cảm hứng, say mê nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ để cống hiến cho ngành y tế của đất nước. Và hơn hết, ông vẫn đang miệt mài nghiên cứu vì quê hương: “Bước đến tuổi 70, tôi muốn dành thời gian cho gia đình nhỏ bé của mình, cống hiến cho cộng đồng, nhưng đam mê nghiên cứu vẫn chưa bao giờ ngừng lại trong tôi. Tôi đang nghiên cứu các thiết bị giúp đỡ cho bệnh nhân tại Việt Nam. Các ý tưởng của tôi luôn muốn phụng sự cho Tổ quốc mình”.

Ngoài ra, VTV1 cũng có làm 1 phóng sự về ông Trần Ngọc Phúc ở link bên dưới. Các bạn có thể xem để hiểu thêm về ông nhé!

Biến điều không thể thành có thể, Trần Ngọc Phúc – cứu tinh của những em bé siêu sinh non

Leave a Reply