Các bạn đã bao giờ thắc mắc nghệ thuật là gì hay tư tưởng nghệ thuật là gì chưa? Hay đã bao giờ các bạn đi bảo tàng hay xem trên thời sự những bức tranh được đấu giá tới hàng trăm triệu đô mà thậm chí các bạn còn không hiểu người ta đang vẽ gì? Hôm nay qua bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn một cách khái quát về lịch sử của cái được gọi là “nghệ thuật” này và những nhân vật đã tạo ra ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lịch sử nghệ thuật trong thế kỷ 20.
Nội dung của bài viết này được tập hợp từ một cuốn sách tiếng nhật có tên “13歳からのアート思考” (tạm dịch: “Tư tưởng nghệ thuật từ năm 13 tuổi”) của một tác giả người Nhật. Các bạn ở Nhật có thể tìm mua sách TẠI ĐÂY.
Tại sao lại là 13 tuổi?
Ở Nhật Bản thời gian đi học cấp 1 là 6 năm, sau đó cấp 2 3 năm và cấp 3 3 năm. 13 tuổi là thời điểm chuyển giao từ cấp 1 lên cấp 2.
Theo những nghiên cứu khảo sát của Nhật, đây cũng là thời điểm mà bộ môn “Mỹ thuật” trong các trường học bị tụt hạng xuống thành môn học ít được yêu thích nhất.
Lý do là vì sao? Đó chính là vì nền giáo dục hiện nay luôn hướng chúng ta đến những đáp án có sẵn và có tiêu chuẩn tuyệt đối rõ ràng giữa “ĐÚNG” và “SAI”. Điều này vô tình đã làm cản trở sự sáng tạo của trẻ và khiến chúng dần dần rời xa cái gọi là “nghệ thuật”.
Picasso cũng đã từng nói “Tất cả trẻ con đều là nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao để vẫn là nghệ sĩ khi lớn lên”.
Hầu hết chúng ta đều đã đánh mất “tư tưởng nghệ thuật” của mình vào năm 13 tuổi. Và để lấy lại “tư tưởng” này, trước hết hãy thử tìm hiểu về những nhân vật và những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng nhất trong thế kỉ 20.
Những nhân vật ảnh hưởng nhất đến lịch sử nghệ thuật trong thế kỷ 20
1. Henri Matisse
Đây là bức tranh nổi tiếng của Henri Matisse có tên gọi “Portrait of Madame Matisse. The Green Line”. Các bạn có thấy nó có gì đặc biệt không? Mình thì không. Henri Matisse vẽ vợ của ông, nhưng không thể nói người đàn bà trong bức tranh này là một người phụ nữ xinh đẹp, nhìn kĩ thì còn có vẻ hơi đàn ông.
Thế nhưng, bức tranh này được vẽ năm 1954. Đây là thời kì mà những bức tranh chỉ được vẽ lại sao cho giống với thực tế nhất. Henri Matisse đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới, giải phóng nó khỏi sự “trung thực” với thực tế thời đó. Đây được coi là một bức tranh đánh dấu cho một cuộc cách mạng về màu sắc. Thời kì này cũng đã có máy ảnh, và ông luôn tâm niệm rằng “Máy ảnh đã ra đời rồi thì việc vẽ giống chẳng có ý nghĩa gì! Phải tạo sự khác biệt bằng màu sắc” và đã cho ra đời tác phẩm này.
2. Pablo Picasso
Đây là bức tranh có tên gọi “Les Demoiselles d’Avignon” được Picasso vẽ vào năm 1907. Đây là bức tranh vẽ các cô gái điếm trong một nhà thổ. Nhưng các bạn có biết điểm đặc biệt của nó nằm ở đâu không? Đó chính là hình ảnh các cô gái được thể hiện từ rất nhiều góc độ.
Ở vào thời kì mà tất cả những họa sĩ khác đang sử dụng luật gần xa để đưa ra những tác phẩm gần với thực tế nhất thì Picasso đã tạo ra một cuộc cách mạng khi thể hiện bức tranh dưới một góc nhìn 3 chiều. Ông đã chia sẻ rằng “Máy ảnh có rồi và cách vẽ theo luật gần xa cũng cũ rồi. Hơn nữa, mắt của con người cũng không nhìn mọi vật theo luật gần xa mà nhìn từ nhiều góc độ. Do đó tôi đã thử vẽ tranh theo phương pháp này.” Cho đến nay, bức tranh này vẫn được đánh giá rất cao và đang trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại thành phố New York.
3. Wassily Kandinsky
Đây là bức tranh có tên là Composition Ⅶ được vẽ vào năm 1913.
Đây được coi là bức tranh trừu tượng đầu tiên trên thế giới. Wassily Kandinsky đã cho rằng “Tại sao vẽ lại bị mặc định là phải vẽ lại một vật gì đó?” và ông đã cho ra đời tác phẩm này.
Từ nhỏ Wassily Kandinsky đã yêu thích âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển. Đây là tác phẩm mà ông đã phác thảo lại những âm thanh và giai điệu của những bài nhạc mà ông đã nghe. Tác phẩm này của ông đập tan định kiến “Nghệ thuật phải gắn liền với một vật gì đó mặc định”.
4. Marcel Duchamp
Các bạn có nhận ra đây là cái gì không? Đó là một chiếc bồn tiểu được lật ngửa với chữ kĩ của Marcel Duchamp và được đặt với một cái tên rất mỹ miều là “Fountain” (Đài phun nước) đấy!
Đây là một cuộc cách mạng đưa nghệ thuật ra khỏi những định kiến trước đây. Ở thời kì này, ai cũng nghĩ nghệ thuật phải là những cái đẹp và phải được thưởng thức bằng mắt. Nhưng Duchamp không nghĩ như vậy. Ông cho rằng nghệ thuật là những thứ được tạo ra từ tư tưởng. Có lần ông đã phát biểu như sau: “Nếu như nghệ thuật là nhìn ngắm những vật được trưng bày trong viện bảo tàng thì không cần thiết phải mất công vẽ ra những tác phẩm. Chỉ cần trưng bày những vật bình thường với chữ ký của tôi là được rồi. Chỉ ra được suy nghĩ của chính mình mới là nghệ thuật”.
5. Jackson Pollock
Đây là bức tranh có tên Number 1A được vẽ năm 1948.
Jackson Pollock đã thay đổi quan điểm khi đó “Nghệ thuật là phản ánh lại một hình ảnh gì đó” thành “Chỉ cần đưa những công cụ vẽ lên trên giấy là thành nghệ thuật”.
Ông là người đi đầu trong phong cách tranh trừu tượng của Mỹ và đã đặt một viên gạch mới cho lịch sử nghệ thuật của thế giới.
6. Andy Warhol
Đây là bức hình có tên Brillo Boxes được chụp năm 1964.
Brillo chỉ là tên của một thương hiệu bột giặt rất phổ biến thời đó của Mỹ. Andy Warhol đã làm xáo trộn ranh giới giữa những gì gọi là nghệ thuật và phi nghệ thuật.
Đây cũng được coi là một cuộc cách mạng thời bấy giờ. Ông đã đánh dấu bước thành công đầu tiên trong quá trình “dân chủ hóa” nghệ thuật. Ông đã từng nói “Tại sao chỉ có tranh và điêu khắc mới được gọi là nghệ thuật? Ở cái nước dân chủ này tại sao lại chỉ có những vật được trưng bày trong viện bảo tang mới được gọi là nghệ thuật? Đối với tôi, tất cả những gì ở ngoài đường kia đều là những nghệ thuật tuyệt vời”.
7. MoMA (Museum of Modern Art) – Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại của Mỹ đã công nhận Pacman là một nghệ thuật vào năm 2013
Các bạn có còn nhớ trò chơi điện tử Pacman này không?
Ở vào thời nay, đã không còn ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật nữa. Tùy vào cách nhìn của mỗi người mà nghệ thuật là những thứ được tạo ra hoặc được chọn ra để có mỗi liên hệ mật thiết với đời sống thường ngày.
Lý do Pacman được chọn là vì nó là một ví dụ điển hình nhất cho sự tương tác thuẩn túy của con người trong thời đại kĩ thuật số và thế giới hiện thực đang bị trộn lẫn vào nhau như hiện nay.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên theo Dan Hewitt – người phát ngôn của Hiệp hội phần mềm giải trí “Quyết định của MoMA là sự thừa nhận mới nhất từ giới nghệ thuật cao cấp. Trò chơi điện tử đang tiến gần tới nghệ thuật và dần khẳng định được vị thế của mình””
Tổng kết
Các bạn đã hiểu hơn phần nào về lịch sử nghệ thuật chưa?
Nếu tìm hiểu kĩ thì các bạn sẽ thấy nghệ thuật còn gắn kết rất chặt chẽ đến kinh tế. Trong 6 nhân vật mình giới thiệu đến các bạn thì 3 nhân vật đầu tiên là người Châu Âu và những tác phẩm được ra đời trong nửa đầu của thế kỳ 20. 3 nhân vật sau đều là người Mỹ, một lần nữa khẳng định cho sự phát triển và dẫn đầu thế giới trong nửa cuối thế kỷ 20 của quốc gia này.
Những nhân vật này đã tạp ra những cuộc “cách mạng” trong nghệ thuật nhờ suy nghĩ “khác người” và tư tưởng dám làm “khác người” của mình. Đương nhiên khi mới ra mắt sản phẩm, tất cả trong bọn họ đều đánh giá kém và bị đối xử giống như những kẻ lập dị. Thế nhưng thời gian đã chứng minh được tài năng cũng như sự đột phá trong những tư tưởng đó.
Tạo ra một tác phẩm nghệ thuật là một việc khó, thế nhưng thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật cũng không phải là việc đơn giản. Các bạn hãy nhớ rằng, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật cũng như ngắm một bông hoa, cái đẹp thực sự của nó không nằm ở cánh hoa hay nhụy mà nằm ở gốc rễ và những câu chuyện xung quanh nó.
Hi vọng sau khi đọc bài viết này, nếu có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng hay ở bất kì nơi nào đó, các bạn sẽ có được cách nhìn của riêng mình. Và đó cũng chính là bản chất của nghệ thuật…