Fujita Den – Người mang thương hiệu Mc Donald’s đến Nhật Bản

Có thể nhiều người ở Việt Nam còn chưa biết đến Fujita Den.

Vậy các bạn đã có biết Son Masayoshi – chủ tịch hiện nay của Softbank không? Chắc hẳn nhiều bạn biết hơn rồi đúng không? (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin của Son Masayoshi TẠI ĐÂY)

Fujita Den nổi tiếng và tài năng đến mức, khi Son Masayoshi 16 tuổi, sau khi đọc cuốn “Cách kinh doanh của người Do Thái” của Fujita Den viết, đã xin gặp ông cho bằng được. Hồi đó thì Son Masayoshi chỉ là một cậu học sinh cấp 3 bình thường, đương nhiên là ông có gọi điện đến văn phòng của Fujita Den xin gặp bao nhiêu lần đi nữa cũng đều bị từ chối.

Không nản chí, Son Masayoshi đã bay từ Kyushu đến Tokyo, sau rất nhiều lần đến tận văn phòng, cuối cùng Son Masayoshi cũng được gặp Fujita Den.

Trong buổi gặp đó, Son Masayoshi đã hỏi Fujita Den: “Tôi chuẩn bị đi Mỹ du học. Tôi nên học cái gì?” Khi đó, Fujita Den đã trở lời rằng: “Máy tính! Nếu tôi bằng tuổi với cậu tôi sẽ đi học máy tính. Máy tính sẽ ngày càng trở nên nhỏ gọn hơn và trong quá trình đó sẽ có rất nhiều cơ hội để làm giàu!”

Sau đó, Son Masayoshi đã xây dựng và phát triển công ty Softbank và sau khi niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Son đã gặp lại Fujita. Fujita đã rất cảm động vì lần gặp đó và ngay lập tức ông đã quyết định mua 300 chiếc máy tính từ Softbank.

Sau này, cũng đã có thời gian Fujita Den trở thành thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Softbank.  

Sau khi hết nhiệm kỳ, người thay thế Fujita ở vị trí này là người sáng lập của công ty nổi tiếng Uniqlo (First Retailing) Yanai Tadashi. Chính Yanai Tadashi cũng chia sẻ, Fujita là một trong những người có ảnh hưởng rất lớn đến triết lý kinh doanh của ông. (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin của Yanai Tadashi TẠI ĐÂY)

Fujita Den là ai?

Fujita-Den-la-ai 2

Fujita Den sinh ngày 13/3/1926 tại Osaka. Ông mất ngày 21/4/2004.

Ông là con trai thứ 2 trong một gia đình có 5 anh em. Cha của ông là một kỹ sư điện tài năng làm việc cho một công ty của Anh có chi nhánh tại Nhật. Mẹ của ông là một người sùng đạo Thiên chúa giáo.
Có thể nói ông lớn lên trong một gia đình khá hiện đại. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông thi trượt trong kì thì vào trường cấp 2 và đã phải ở nhà 1 năm khi còn rất nhỏ.

Sau 1 năm, ông thi lại và đỗ vào trường cấp 2 Kitano. (Đây là một ngôi trường nổi tiếng mà 1 nhà truyện truyện tranh rất nổi tiếng của Nhật là Tezuka Osamu cũng đã theo học khác Fujita 1 năm).
Sau đó, ông vào học trường cấp 3 Matsue, rồi đại học Tokyo.

Tháng 8/1945, Nhật Bản chính thức thất bại trong chiến tranh thế giới. Fujita chỉ còn lại một mình ở giữa Tokyo bị tàn phá.

Tuy nhiên, ông đã không có thời gian để đau khổ. Cha của ông đã bị mất trong chiến tranh, và ông đã phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc cho gia đình ngay khi còn là học sinh. Fujita vào học tại trường Đại học Tokyo cũng là do tâm nguyện của cha ông.

Trước khi mất, cha của ông có dặn dò: ‘Nhật Bản là một nước theo chủ nghĩa quan liêu. Do đó, hãy học ngành luật của Đại học Tokyo để trở thành người của nhà nước hoặc học kinh tế của Đại học Keio để trở thành thương nhân”.

Trên thực tế, Fujita Den đã tốt nghiệp khoa luật của trường Đại học Tokyo nhưng sau đó đã trở thành một thương nhân.

Khi theo học đại học, công việc chủ yếu của các sinh viên khi đó là làm gia sư. Nhưng nếu chỉ làm gia sư thì Fujita sẽ không thể có đủ tiền để chi trả cho sinh hoạt và trợ cấp cho gia đình. Fujita đã tìm thấy công việc phiên dịch tại Tổng hành dinh quân đội khi đó trên báo tiếng Anh và đã thi đỗ kì thi đầu vào.

Tuy nhiên, khi bắt đầu công việc ông mới nhận ra tiếng Anh mà những người linh Mỹ sử dụng khi đó khác xa với tiếng Anh mà ông đã được học trên trường. Ông đã xin người sĩ quan quân đội khi đó cho ăn ngủ tại doanh trại để học thêm tiếng Anh. Sau khoảng nửa năm, ông đã dần hiểu được tiếng Anh của những người Mỹ.

Sau đó, ông bắt đầu có những mối quan hệ với người do Thái và sự nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu từ đó.

Một ngày của Fujita Den khi đó cực kỳ bận rộn. Sáng ông phải đến trường đại học. Buổi chiều thì làm việc tại công ty Fujita & Company. Đến tối thì đi làm phiên dịch cho quân đội. Công việc phiên dịch của ông được trả lương khá hậu hĩnh. Thời đó khi những người nhà nước chỉ được trả lương khoảng 1,000 – 2,000 Yên thì ông đã được trả 10,000 Yên 1 tháng.

Năm 1950, ông mở cửa hàng lấy tên là Fujita. Ông cũng đã từng thi đỗ vào Bộ tài chính nhưng không đi làm. Tháng 3/1951, Fujita tốt nghiệp trường đại học Tokyo và chính thức bước chân vào con đường kinh doanh.

Trước khi mang thương hiệu Mcdonald’s về Nhật Fujita đã có thời gian kinh doanh hàng hóa cao cấp.

Đến năm 1971, trong một lần đến Mỹ, được sự giới thiệu của người quen, Fujita Den đã gặp Ray Kroc – nhà sáng lập của Mcdonald’s. Sau buổi nói chuyện, cả 2 người đã đồng ý triển khai mô hình Mcdonald’s tại Nhật với tỷ lệ góp vốn 50/50.

Ngay trong năm đó, cửa hàng đầu tiên của Mcdonald’s ra đời trong 1 góc của trung tâm thương mại cao cấp Mitsukoshi. Ngay sau khi ra mắt, Mcdonald’s tại Nhật đã được rất nhiều người yêu thích, đến năm 1976 đã mở được 100 cửa hàng.

Năm 1985, số cửa hàng tăng lên 500. Năm 1993 thì là 1000 cửa hàng. Năm 1999, tổng số cửa hàng là 3000.

Con người thật của Fujita Den

mcdonalds_fujita0

Fujita Den khi còn sống đã từng nói “Cuộc đời là tiền bạc”. Thế nhưng ông không phải là người chỉ biết kiếm tiền.

Dưới đây là một trích đoạn trong một bài viết của Fujita Den nhân kỷ niệm 20 năm Mcdonald’s vào Nhật Bản

Tôi đã chứng kiến nhiều cái chết của người thân và của cả những người bạn đương thời. Một điều tôi có thể chắc chắn là ai sinh ra rồi cũng phải chết đi. Do vậy, điểm quan trọng nhất chính là phải sống hết mình cho hiện tại. Kết quả của việc đó có thể chúng ta sẽ có nhiều tiền, tuy nhiên kiếm tiền không phải là mục đích cuối cùng, nó chỉ là một cách để chúng ta có được cơ hội mà thôi. Nói cách khác bản chất của việc kiếm tiền là giúp chúng ta sống mạnh mẽ hơn từng ngày một

Các bạn có thể thấy được mặc dù có những phát ngôn gây tranh cãi về tiền bạc, nhưng bản chất Fujita Den là một người tinh tế, tốt bụng và có rất nhiều điểm để chúng ta học hỏi.

Mất cha từ khi còn là học sinh, vừa đi học vừa phải lo kiếm tiền phụ giúp gia đình. Còn trẻ nhưng đã phải tiếp xúc với cái chết của bạn bè và người thân. Nhờ học được cách sống và kinh doanh của người Do Thái, Fujita đã có được thành công mà ai cũng phải nể phục. Ở Nhật người ta còn gọi ông với một biệt danh đó là “Người Do Thái của Ginza”.

Phương pháp kinh doanh của Fujita Den

Den Fujita_nytimes

Thời kì Fujita Den còn trực tiếp quản lý Mcdonald’s, tất cả những người quản lý từ trưởng cửa hàng cho đến thành viên HĐQT đều phải ra thực tập trực tiếp ở các cửa hàng.

Đương nhiên cả Fujita cũng vậy. Ông thường xuyên mặc đồng phục của Mcdonald’s và có mặt ở cửa hàng.

Chỉ cần thấy lượng khách hàng vào cửa hàng bị giảm xuống, ngay lập tức Fujita mặc nguyên tạp dề và ra đường hỏi tất cả mọi người đi ngang qua “Tại sao bạn lại không vào Mcdonald’s?”

Fujita làm như vậy là vì ông muốn hiểu rõ được tâm lý của Khách hàng, lý do họ mua hàng và cả lý do họ không mua hàng là gì.

Ngay cả trong những ngày nghỉ của mình, ông cũng cùng vợ đi đến các cửa hàng của mình và hỏi trực tiếp những người khách đang ăn những câu hỏi kiểu như “bạn thấy vị của chiếc bánh thế nào?”, “Có cần chỉnh sửa gì không?”,..

Bên cạnh đó, trong những lần đi khảo sát các cửa hàng, Fujita cũng luôn tìm gặp người cửa hàng trưởng. Ông hỏi rất nhiều câu hỏi ví dụ như “Sản phẩm nào bán chạy nhất! Nó chiếm khoảng bao nhiều % doanh thu hiện nay?”,..

Ngoài ra, Fujita còn nổi tiếng là người biết quan tâm đến gia đình của nhân viên. Vợ của những nhân viên nam đang làm việc ở công ty thì vào ngày sinh nhật sẽ được gửi hoa chúc mừng đến nhà dưới tên của Fujita. Mỗi lần nhân viên được trả tiền thưởng thì sẽ có một khoản cố định được trích ra và chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản vợ của nhân viên đó.

Những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng trên thực tế không có nhiều nhà kinh doanh làm được như Fujita.

Những câu nói nổi tiếng của Fujita Den

Fujita-den-danh-ngon

Những người mà chỉ nhìn được sự vật từ một góc độ là những người chỉ bằng một nửa của người trưởng thành, và không đủ tư cách để làm kinh doanh.

Suy thoái thì tất cả cũng đều suy thoái. Hãy suy nghĩ làm thế nào để có thể chiến thắng trong hoàn cảnh đó!

Con người là một sinh vật hay quên. Do đó hãy ghi ghép lại tất cả trong 24 giờ.

Kinh doanh ở nước nào thì phải hiểu về giáo dục của nước đó. Nhanh quá cũng không được, mà chậm quá cũng không được.

Chi phí nhân công cũng là đầu tư. Nó cũng giống như đầu tư vào các trang thiết bị. Nếu cắt giảm nó, công ty sẽ yếu đi.

Tạo ra hệ thống để nhân viên được nhận lương cao và công ty vẫn có lãi là công việc của Giám đốc. Người mà cắt giảm chi phí nhân công để công ty có lãi thì không được gọi là Giám đốc.

Con người là một loài động vật có nhiều nhu cầu. Nghĩ xem loài động vật đó đang muốn cái gì, làm thế nào thì sẽ cảm thấy thoải mái, cảm thấy mãn nguyện chính là khởi nguồn của kinh doanh.

Tổng kết cuộc đời của Fujita Den

Cuoc-doi-cua-Fujita-Den

Fujita Den đã mất vào ngày 21/4/2004 (hưởng thọ 78 tuổi) vì bệnh tim.

Từ sau năm 70 tuổi, ông vấn làm chủ tịch của Mcdonald’s, tuy nhiên thời đó ông vừa làm vừa chiến đấu với bệnh tim và bệnh tiểu đường của mình.

Tháng 3/2005 tổng tài sản để lại của ông được công bố. Con số đó là 49,1 tỷ Yên. Đây là con số cao thứ 6 của tài sản thừa kế được để lại trong lịch sử Nhật Bản.

Đương nhiên là khi còn sống, số tài sản của Fujita còn cao hơn rất nhiều con số này.

Phần lớn tài sản của ông đến từ số cổ phần đang nắm giữ tại Mcdonald’s. Tuy nhiên ông còn có rất nhiều nguồn thu khác.

Trong hợp đồng ký với Mcdonald’s, 1% doanh thu của Mcdonald’s sẽ được trả cho công ty Fujita Shoten của Fujita Den dưới dạng chi phí tư vấn.

Ngoài ra, nhà cung cấp khoai tây cho Mcdoanld’s là một công ty gia đình của Fujita Den.

Hiện nay Mcdonald’s của Nhật Bản đang được niêm yết trên sàn chứng khoán JASDAQ. Đây không phải là sàn chứng khoán uy tín hàng đầu (sàn chứng khoán Tokyo) của Nhật. Lý do được nhiều người đưa ra là do còn nhiều điều chưa rõ ràng trong Hợp đồng giữa Fujita Den và Mcdonald’s của Nhật.

Hiện nay công ty Fujita Shoten vẫn còn tồn tại và được điều hành bởi người con trai của ông.

Fujita Den có 2 người con trai là Fujita Gen và Fujita Kan.

Một người con trai của ông đã tốt nghiệp trường Đại học Waseda và một người đã tốt nghiệp trường Đại học Seijo. Tổng giám đốc đời thứ 2 của Mcdonald’s ở Nhật là Yagi Yasuyuki cũng đã tốt nghiệp Đại học Seijo và là bạn học của con trai ông.

Fujita đã không để 2 con trai của mình tiếp tục sự nghiệp tại Mcdonald’s. Năm 2003, sau khi rút khỏi ghế chủ tịch ông cũng rút con trai mình khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị.

Kinh doanh của Mcdonald’s về cơ bản là khá thuận lợi. Tuy nhiên năm 2002 do chịu ảnh hưởng nặng nề của biến động tỷ giá, lần đầu tiên công ty báo lỗ trong năm 2002. Khi còn chưa kịp có những cải cách cho Mcdonald’s, năm 2003 ông đã phải rời ghế Chủ tịch.

Khi còn sống, Fujita Den đã viết một cuốn sách tên là “Cách kinh doanh của người Do Thái”. Cuốn sách này đã được tái bản tới hơn 60 lần và bán được hơn 1 triệu bản. Đáng tiếc là sách chưa có bản dịch tiếng Việt. Nếu bạn nào biết tiếng Nhật thì hãy tìm đọc thử nhé! Tên tiếng Nhật của nó là ユダヤの商法.

 

Leave a Reply