Có thể cái tên Tsuda Umeko còn khá xa lạ với người Việt Nam và thậm chí là cả những người Nhật. Nhật Bản vừa thông báo sẽ thay đổi toàn bộ thiết kế của những tờ tiền giấy đang lưu hành hiện nay từ năm 2024. (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về tờ tiền mới TẠI ĐÂY)
Được lựa chọn để in trên tờ tiền mệnh giá lớn thứ 2 của Nhật 5000 Yên, Tsuda Umeko đã được không chỉ người Nhật và cả những người khác thế giới chú ý đến.
Trải qua một thời gian dài du học tại Mỹ từ khi còn nhỏ, hiểu được cả suy nghĩ của người Nhật và người Mỹ. Vậy thì Tsuda Umeko là ai, là người như thế nào và đã có công lao gì trong sự phát triển của Nhật Bản? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tsuda Umeko là ai?
Giới thiệu
- Nơi sinh: Tokyo – Nhật Bản
- Ngày sinh: 31/12/1864
- Ngày mất: 16/8/1929 (64 tuổi)
- Là một trong những phụ nữ đầu tiên của Nhật tốt nghiệp cấp 3. Bà đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới.
Cuộc đời của Tsuda Umeko theo các năm
- 1864 (0 tuổi): là con gái thứ 2 trong một gia đình quan chức.
- 1871 (6 tuổi): tham gia vào phái đoàn Iwakura, bắt đầu sang Mỹ du học.
- 1882 (17 tuổi): tốt nghiệp trường Aarcher Institute.
- 1883 (18 tuổi): về nước, làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên cho nữ giới Toyo.
- 1885 (20 tuổi): trờ thành giáo viên dạy tiếng Anh cho những gia đình quý tộc “Kazoku”.
- 1889 (24 tuổi): quay trở lại nước Mỹ.
- 1892 (27 tuổi): về nước, tiếp tục làm giáo viên trong trường cho gia đình quý tộc.
- 1900 (35 tuổi): thành lập và làm hiệu trưởng trường tiếng Anh cho nữ giới (nay là trường đại học Tsuda).
- 1919 (54 tuổi): từ chức hiệu trưởng do bênh tật.
- 1929 (64 tuổi): mất vì bệnh xuất huyết não.
Cuộc đời của Tsuda Umeko
Bắt đầu du học Mỹ từ năm 6 tuổi
Tsuda Umeko sinh năm 1864 trong một gia đình quan chức thời bấy giờ.
Thời đó Nhật Bản bắt đầu chuyển sang thời kì Minh Trị và bắt đầu được tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây. Cha của bà là một bạn thân của Phó bí thư tỉnh Hokkaido và đó cũng là lý do bà được chọn là một trong những người tham gia vào phái đoàn Iwakura khi mới có 6 tuổi.
Bà là người nhỏ tuổi nhất trong phái đoàn khi đó.
Trong thời gian ở Mỹ, Umeko chủ yếu sống ở thị trấn Georgetown gần khu bang Washington.
Sau khoảng 10 năm học tập và tiếp xúc với văn hóa Mỹ, bà đã tốt nghiệp tiểu học và trung học, rồi quay trở về Nhật vào năm 1882.
Bị shock văn hóa sau khi về nước và quay trở lại Mỹ
Tuy nhiên, do sống một khoảng thời gian quá dài ở Mỹ từ khi còn nhỏ, khi về nước thậm chí bà phải nhờ đến phiên dịch để giao tiếp vì đã quên tiếng Nhật.
Mặt khác, Nhật Bản khi đó vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Nho giáo, và bà đã bị shock khi thấy cách mọi người đối xử với phụ nữ.
Giáo dục của Nhật thời đó chủ yếu chỉ dạy cho những người phụ nữ cách để trở thành một người vợ tốt, gần như không có chỗ để cho nữ giới làm việc.
Được sự giới thiệu của Ito Hirobuki – một chính khách rất nổi tiếng của Nhật, Umeko đã trở thành giáo viên dạy tiếng Anh trong một trường cho người Trung Quốc khi đó. Tuy nhiên, bà đã quay trở lại Mỹ vào năm 1889.
Rồi bà vào học trường đại học Bryn Mawr, khoa Sinh học.
Trong thời gian học tập tại trường đại học, bà rất ấn tượng môi trường giáo dục ít nhân sự nhưng lại đạt chất lượng rất cao ở đây.
Bà còn là người đầu tiên đứng ra kêu gọi để thành lập một quỹ học bổng, hỗ trợ những người khác có thể đi du học giống như bà.
Năm 1892, một lần nữa bà quay lại Nhật Bản.
Thành lập trường đại học Tsuda để đẩy mạnh giáo dục nữ giới
Sau khi về nước, thời gian đầu bà quay trở lại làm giáo viên tại trường chuyên cho nữ giới của các gia đình quý tộc.
Năm 1899, Nhật Bản đưa ra quy định cụ thể vể việc phải thành lập những trường Phổ thông trung học cho nữ ở tất cả các tỉnh.
Khi mà cả pháp luật và quan tâm của người dân được cải thiện, vào tháng 7 năm đó, Tsuda Umeko đã thành lập trường Anh ngữ chuyên cho nữ (nay là trường đại học Tsuda) ở Tokyo.
Bà trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường và bắt đầu giáo dục cho tất cả nữ giới không phân biệt quý tộc hay dân thường.
Cả bà và những người hỗ trợ bà mở ngôi trường đó, đều đã làm việc không thù lao trong suốt một thời gian dài.
Sau một thời gian vất vả để vận hành, vào năm 1903 ngôi trường bà lập cũng đã được công nhận chính thức là pháp nhân và đã đi vào hoạt động theo đúng quỹ đạo từ đó.
Nghỉ việc và những ngày tháng cuối đời
Hết mình vì công việc giáo dục, thế nhưng đến năm 1917, Tsuda Umeko bị phát hiện mặc bệnh tiểu đường và liên tục phải nhập viện điều trị.
Cố gắng đến năm 1919, bà nhường lại chức hiệu trưởng cho người khác và về sống một mình ở khu Kamakura. Khi đó bà 54 tuổi.
Vào này 16/8/1929, bà đã mất tại nhà, khi đó bà 64 tuổi.
Khi bà mất, người ta tìm thấy cuốn Nhật ký của bà, trong đó câu cuối cùng bà viết là “Storm last night” (Cơn bão tối qua).
Hiện nay mộ của Tsuda Umeko được đặt ngay trong trường đại học Tsuda.
Trong di chúc của mình bà có viết “Hãy để mộ của tôi ở trong khuôn viên của trường”.
Theo quy định của thành phố Tokyo, mộ không được xây ở trong của khuôn viên trường đại học hay bất kì ngôi trường nào khác. Tuy nhiên, Tsuda Umeko đã được cấp phép một cách đặc biệt.
Một lần phá quy luật “đặc biệt” cho một người “đặc biệt”.
Tsuda Umeko là người như thế nào?
Một giáo viên đầy tâm huyết
Theo chính những nhận xét của sinh viên từng theo học ở trường của Tsuda Umeko, bà là người dạy học với đầy tâm huyết, và học sinh có thể cảm nhận được bà rất vui khi dạy học.
Bà chỉnh sửa cách phát âm và văn viết cho học sinh rất tỉ mỉ. Mặc dù tiếng Nhật của bà không được lưu loát như người Nhật thông thường, nhưng bà cũng luôn dành thời gian để chỉnh sửa cả về nội dung và ngữ pháp những bài luận văn của học sinh.
Người phụ nữ rất ghét kết hôn
Sau khi về nước, Umeko cũng đã vài lần thử đi gặp mặt để tìm người kết hôn.
Tuy nhiên, hầu hết những người đàn ông trong xã hội Nhật vào thời đó chỉ muốn tìm một người phụ nữ ngoan ngoãn, nghe lời mình.
Có lẽ bởi vậy mà bà đã rất ghét kết hôn. Có lần bà đã viết trong một bức thư là “Đừng nhắc đến chuyện kết hôn thêm một lần nào nữa. Tôi chán lắm rồi!”
Và bà đã ở một mình cho đến cuối đời.
Đã từng gặp mặt Helen Keller và Florence Nightingale
Vào năm 1898, Tsuda Umeko đã đại diện cho phụ nữ Nhật Bản tham dự buổi họp Denver liên hiệp phụ nữ thế giới tổ chức tại bang Colorado, Mỹ.
Mặc một bộ quần áo truyền thống của Nhật, bà đã phát biểu bằng tiếng Anh lưu loát trước 3000 người và gây được tiếng vang lớn.
Nhờ bài phát biểu lần đó, bà đã có cơ hội được gặp mặt riêng với Helen Keller – nữ văn sĩ khiếm thính, khiếm thị đầu tiên dành Học vị Cử nhân nghệ thuật.
Không chỉ dừng lại ở đó, Umeko còn được gặp Florence Nightingale – người phụ nữ sáng lập ra ngành điều dưỡng trên thế giới.
Được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ sớm, nhưng Umeko là một người rất khiêm tốn và luôn luôn giữ thái độ học tập người xung quanh.
Bà đã chia sẻ có 2 thứ bà quý trọng nhất trong cuộc đời. Đầu tiên là bức thư tay bà được nhận tư Helen Keller, trong đó có viết: “Tôi luôn chúc bạn hạnh phúc và thành công – from your friend”.
Vật thứ hai là một cành hoa ép màu tím mà bà được nhận từ Florence Nightingale.