Các bạn đã bao giờ nghe nói đến từ Autophagy hoặc tự thực tế bào bao giờ chưa? Đây là phát hiện đã giúp một giáo sư người Nhật tên là Ohsumi Yoshinori đạt giải Nobel y học năm 2016. Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Autophagy là gì và nó có thể ứng dụng được như thế nào vào cuộc sống hiện nay.
Ohsumi Yoshinori là ai?
Ohsumi Yoshinori sinh năm 1945 tại tỉnh Fukuoka. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại khoa nông nghiệp trường đại học Tokyo, ông ở lại giảng dạy tại trường. Hiện nay ông là giáo sư đang giảng dạy tại trường Đại học công nghiệp Tokyo.
Vào ngày 3/10/2016 ông đã được trao giải Nobel y học. Nghiên cứu đã giúp ông được nhận giải Nobel là ông đã giải thích được cơ chế tự thực tế bào (Autophagy).
Autophagy (tự thực tế bào) là gì?
Autophagy là một vấn đề rất được chú ý trong những năm trở lại đây. Trong quá khứ, những nghiên cứu khoa học đã giúp chúng ta hiểu được rằng trong cơ thể của con người và các sinh vật sống khác có tồn tại những tế bào gọi là Macrophage (Đại thực bào) có nhiệm vụ ăn những tế bào cũ hoặc những vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào. Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Ohsumi Yoshinori đã chỉ ra rằng từng tế bào nhỏ trong hàng chục nghìn tỷ tế bào trên cơ thể con người cũng tồn tại một hệ thống tái chế giúp loại bỏ những chất đạm xấu và cũ, tập hợp chúng lại rồi phân hủy chúng tạo nên Axit Amin làm nguyên liệu để sản sinh ra chất đạm mới. Một phần quan trọng trong hệ thống tái chế này chính là chức năng Autophagy.
Auto nghĩa là tự, Phagy nghĩa là ăn (thực). Do đó Autophagy có nghĩa là tự thực. Các cơ quan nhỏ trong tế bào như ty thể và mạng lưới nội chất luôn tự thay đổi và Autophagy đóng vai trò hỗ trợ cho quá trình thay đổi này.
Khi những cơ quan nhỏ hơn hoặc chất đạm trong tế bào trở nên cũ nó sẽ bị bao bọc bởi một lớp màng. Lysosome (tiêu thể) sẽ bị dính lại với màng bọc này. Khi Enzyme phân hủy chảy qua, chúng sẽ bị phân hủy thành Axit Amin. Phần tử Axit Amin rất bé nên nó sẽ chui ra ngoài màng bọc khiến cho trong màng bọc chỉ còn lại Enzyme phân hủy. Những Axit Amin ra ngoài màng bọc sẽ được tái sử dụng dùng làm dinh dưỡng để sản sinh ra những chất đạm mới cho tế bào.
Giáo sư Ohsumi đã phát hiện ra tính năng này của tế bào khi quan sát hoạt động trên từng tế bào sống của nấm men. Khi bị đói, những tế bào bên trong nấm men sẽ tự phá vỡ những chất đạm trong tế bào và chuyển thành chất đạm mới.
Nhờ có Autophagy mà con người chỉ cần uống nước có thể sống được khoảng 1 tháng
Cơ thể của mỗi người chúng ta cần 200 – 300g chất đạm (Protein) mỗi ngày. Thông thường, chúng ta chỉ có thể nạp vào cơ thể 60 – 80g chất đạm qua đường ăn uống. Phần chất đạm còn thiếu cơ thể sẽ tự tổng hợp từ những tế bào chết, tái sử dụng nó và chuyển hóa thành chất đạm để bổ sung.
Chính nhờ cơ chế này mà quá trình tổng hợp – phân hủy chất đạm trong cơ thể luôn được giữ cân bằng. Ví dụ con người có thể sống khoảng 1 tháng không ăn uống gì cũng chính là nhờ cơ thể có thể tự tổng hợp chất đạm này.
Mặt khác, Autophagy cũng được cho là có liên quan đến bệnh ung thư và rối loạn thần kinh. Nếu quá trình Autophagy hoạt động mạnh hơn, tình trạng của những bệnh này sẽ có hi vọng được cải thiện. Hơn nữa, nếu như khoa học có thể làm ngừng quá trình Autophagy, bệnh ung thư cũng có thể có hi vọng được chữa trị.
Ứng dụng của Autophagy vào thực tiễn hiện nay
Cơ thể chúng ta được hình thành bởi 60 nghìn tỷ tế bào và những tế bào yếu sẽ chết đi và liên tục được thay bằng những tế bào mới. Autophagy là quá trình phân hủy và tái sử dụng liên tục những chất đạm và những cơ quan nhỏ hơn trong tế bào (ty thể) không cần thiết để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Cơ thể của một người trưởng thành cần khoảng 200g chất đạm trong 1 ngày, tuy nhiên thông thường chúng ta chỉ có thể nạp vào cơ thể khoảng 60-80g từ thức ăn. Phần còn thiếu được cơ thể tự tổng hợp bằng nguyên liệu là chính những chất đạm bị phân hủy. Những chất đạm bị phân hủy hay còn gọi là những chất đạm không cần thiết này chính là nguyên nhân của những bệnh tật và yếu tố gây lão hóa ở con người.
Quá trình Autophagy này có liên quan mật thiết đến căn bệnh ung thư. Khi bị ung thư, quá trình trao đổi chất cung cấp dinh dưỡng cho tế bào ung thư cũng trở nên mạnh hơn và Autophagy cũng trở nên mạnh hơn. Điều này có nghĩa là, đối với những tế bào bình thường, Autophagy là một quá trình tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với những tế bào ung thư, Autophagy sẽ đẩy mạnh quá trình nhiễm bệnh. Do đó, chiến lược để ngăn chặn ung thư ở đây chính là hạn chế quá trình Autophagy trong phạm vi không gây ảnh hưởng đến những tế bào bình thường.
Mặt khác đối với những bệnh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và các bệnh thần kinh khó chữa, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng việc kích hoạt và đẩy mạnh quá trình Autophagy có hiệu quả rất lớn cho việc điều trị bệnh.
Những nghiên cứu về thuốc trị ung thư hoặc thí nghiệm lâm sàng dựa trên lý thuyết Autophagy đang được tiến hành trên khắp thể giới và đã được xác nhận là có hiệu quả trên động vật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả của thuốc và việc những tác dụng phụ của thuốc cũng chưa được xác định rõ ràng.
Một điều có thể khẳng định tại thời điểm này chính là những nghiên cứu liên quan đến Autophagy đang và sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa trên toàn thế giới. Chắc chắn thời gian để y học đưa ra những phương pháp trị bệnh mới không còn xa.
Thời gian không ăn chính là bật chế độ “ON” cho việc sửa chữa tế bào
Chế độ ăn kiêng đang phổ biến nhất trên toàn thế giới hiện nay là hạn chế ăn tình bột (có nhiều Calo) và đường, nghĩa là hạn chế về “chất” và “lượng” của bữa ăn.
Bên cạnh đó, những năm trở lại đây trên thế giới bắt đầu xuất hiện phương pháp “chỉ ăn trong 8 tiếng” (Intermittent Fasting 16/8).
Việc nhịn ăn để khỏe là phương pháp đang rất được các nước trên thế giới quan tâm trong những năm trở lại đây. Những báo cáo khoa học mới nhất cũng chỉ ra rằng thời gian mà chúng ta nhịn ăn càng dài thì lợi ích mang lại cho cơ thể càng lớn.
Việc làm sáng tỏ chức năng “Autophagy” đã khẳng định chặt chẽ cho vấn đề này. Quá trình Autophagy sẽ giúp thay thế những tế bào xấu và cũ trong cơ thể và chuyển nó thành những tế bào mới.
Tế bào của chúng ta được hình thành từ chất đạm, trong cuộc sống hàng ngày sẽ có những tế bào trở nên yếu và bị hỏng. Phần lớn những tế bào hỏng đó sẽ được đào thải ra ngoài, tuy nhiên trong quá trình đào thải sẽ có những tế bào bị sót lại. Những tế bào xấu này bị lưu lại trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra những bệnh tật ở con người.
Quá trình Autophagy sẽ giúp tập hợp những chất đạm không cần thiết này, phân hủy nó và chuyển sang chất đạm khác.
Tuy nhiên, khi cơ thể được nạp đầy đủ dinh dưỡng từ bên ngoài, quá trình Autophagy này gần như sẽ không hoạt động.
Thông thường, sau 10 tiếng nếu chúng ta không ăn, chất đường có trong gan sẽ hết và chất béo trong cơ thể sẽ được phân hủy và chuyển thành năng lượng. Và sau 16 tiếng, quá trình Autophagy sẽ bắt đầu hoạt động mạnh.
Autophagy là một phần trong bộ máy của cơ thể, nó sẽ hoạt động mạnh mẽ nhất khi cơ thể và những tế bào cạn kiệt năng lượng. Khi những tế bào mới được sản sinh ra nhờ quá trình Autophagy, những chất thải không cần thiết sẽ được đào thải ra ngoài, tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể sẽ hoạt động mạnh hơn. Chính điều này sẽ loại bỏ tình trạng béo phì, giúp cơ thể ít bị đau ốm và giữ cho chúng ta có một cơ thể luôn tươi trẻ.
Tổng kết
Các bạn đã hiểu Autophagy là gì chưa? Hiểu được cơ chế tự thực của tế bào này chắc các bạn sẽ hiểu được rằng ăn nhiều chưa hẳn đã tốt, đôi khi nhịn ăn lại giúp cơ thể của chúng ta khỏe mạnh hơn đúng không?
Còn cần thêm nhiều thời gian để các nhà khoa học đưa Autophagy vào những ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống nhưng biết đâu chính Autophagy sẽ là cơ chế được sử dụng để điều trị căn bệnh ung thư. Chúng ta hãy cùng chờ xem..