Yakuza Nhật Bản – Thế giới ngầm với nhiều điểu khó hiểu và lịch sử lâu đời

Nói đến Yakuza Nhật Bản các bạn sẽ liên tưởng đến cái gì? Những con người với hình xăm phủ kín? Hay những anh chàng mặc vest lịch lãm luôn ra vẻ bận rộn ở những khu phố đèn đỏ. Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Yakuza là gì, có nguồn gốc từ đâu và những tổ chức Yakuza đã thay đổi như thế nào từ trước đến nay.

Nguồn gốc của Yakuza Nhật Bản

nguon-goc-cua-Yakuza-Nhat-Ban

Từ thời xa xưa, ở Nhật Bản có nhiều tổ chức xã hội đen và cũng có rất nhiều câu chuyện lịch sử đi kèm với những tổ chức này. Cũng chính vì lý do này mà sẽ không có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi như “Xã hội đen hay Yakuza của Nhật bắt đầu như thế nào?”,.. Những người đang theo băng đảng Yakuza thì cho rằng tổ tiên của mình đều là những Võ sĩ đạo Samurai luôn chiến đầu để bảo vệ kẻ yếu, chống lại kẻ mạnh và để bảo vệ nhà cửa, quê hương của họ từ những kẻ cướp.

Mặt khác, cũng có nhiều người cho rằng mình là con cháu và được kế thừa tinh thần của những Ronin (Ronin là những Samurai trong thời kì phong kiến của Nhật bị mất chủ, phải lang thang, tự kiếm sống).

Cũng có những ý kiến cho rằng Yakuza được xuất phát từ một nhóm bắt đầu xuất hiện từ thời Edo gọi là “Kabukimono”. Có thể gọi Kabukimono là một nhóm “Samurai đường phố”, họ là những Samurai không có chủ, ăn mặc và đeo những phụ kiện kỳ quái. Những người này luôn mang theo mình một thanh kiếm dài, đánh chém người vô tội vạ và thường xuyên có những hành động quấy phá, cướp bóc,..

Không ai rõ Yakuza thực tế xuất thân từ băng nhóm nào trong những băng nhóm trên. Chỉ có một điều chắc chắn là vào thời kì Minh Trị, khi những người Võ sĩ không còn được xã hội bảo vệ như trước, họ đã buộc phải đi theo con đường bạo lực hoặc phạm tội. Trong đó cũng có những người đứng ra để điều hành những sòng bài hoặc những khu phố đèn đỏ. Tuy nhiên dù là Ronin, Kabukimono hay những Yakuza hiện nay đi chăng nữa, thì tất cả những nhóm người này đều có một điểm chung, đó là không được xã hội chấp nhận.

Yakuza là gì?

Nói một cách chính xác thì Yakuza là từ tiếng Nhật để chỉ những người tham gia vào tổ chức xã hội đen. Họ là những người bị xã hội Nhật Bản xem thường. Cái tên Yakuza cũng là bắt nguồn từ một trò chơi bài của Nhật có tên là Hanafuda. Trò chơi này cũng tương tự như trò “om 3 cây” của Việt Nam nhưng tổng 3 lá bài là 10 thì sẽ bị coi là nhỏ nhất. Theo tiếng lóng của Nhật, Ya là số 8, Ku là số 9 và Za là số 3. Tổng của 3 số này là 10, có nghĩa là có giá trị bé nhất. Người Nhật Bản thầm đặt cho họ cái tên này với ý chỉ đây là những con người không có giá trị, không giúp ích được gì cho xã hội.

Theo thời gian, Yakuza và tổ chức xã hội đen được dùng chung và có ý nghĩa tương tự nhau. Đối với cảnh sát Nhật và hầu hết những người Nhật Bản, đây đều là những tổ chức không hề có tính truyền thống hay tín ngưỡng nào mà chỉ sử dụng bạo lực để chiếm lợi riêng cho mình mà thôi.

Sự biến đổi của Yakuza theo thời gian

Cái tên Yakuza được sử dụng và biết đến rộng rãi từ thế kỉ 18. Ban đầu Yakuza làm việc như những thương gia. Nhưng họ là những thương gia không tuân thủ pháp luật, họ mở những sòng bài hoặc bán hàng hóa mang tính cưỡng chế. Những người này về cơ bản thường không sống cố định một nơi và thường liên tục thay đổi địa điểm sống. Họ hay hoạt động theo những nhóm mà tiếng Nhật gọi là “Kumi”

Bước sang thế kỷ 19, Yakuza Nhật Bản có liên kết chặt chẽ với chính trị. Tư tưởng chính trị thời này ở Nhật là “Chủ nghĩa dân tộc” và “Chủ nghĩa quân phiệt”, do đó những chính trị gia thường sử dụng Yakuza để ám sát đối thủ của mình hoặc nhập khẩu vũ khí. Thậm chí có lúc Yakuza còn được sử dụng trong chiến tranh với những nước lân cận. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 là thời kì phát triển mạnh nhất của Yakuza, họ khẳng định thế lực ở cả kinh tế lẫn chính trị.

Cơ cấu tổ chức của Yakuza

Cơ cấu tổ chức của Yakuza ở Nhật cũng giống như tổ thức Mafia ở nước ngoài. Người đứng đầu tổ chức gọi là Kumicho có quyền lãnh đạo cao nhất, dưới họ là những người có quyền thấp hơn, tạo nên một cơ cấu quản lý hình kim tự tháp. Tùy từng khu vực mà những nhóm Yakuza nhỏ sẽ liên kết với nhau, tao thành những liên minh có quy mô lớn.

Yakuza của Nhật được xây dựng theo đúng kiểu gia đình phong kiến với chế độ gia chưởng và các thành viên được kết nối chặt chẽ. “Người cha” trong nhóm đó bảo vệ những thành viên khác giống như những “đứa trẻ”, đôi khi la mắng, đôi khi thì khích lệ. Những “đứa trẻ” thì cũng luôn trung thành tuyệt đối và nghe lời “người cha”.

Xã hội coi trọng danh tiếng và truyền thống của Nhật càng làm cho mối quan hệ này trở nên gắn kết hơn. Tuy nhiên, những lúc “con” không nghe lời “cha” hoặc phạm những sai lầm lớn mà “cha” không thể bao bọc được thì “con” sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc. Hình phạt bị chặt 1 đốt ngón tay hoặc cả ngón tay út là những hình phạt khá nổi tiếng của Yakuza Nhật thời bấy giờ.

Để được nhận vào băng đảng, cần phải làm một nghi thức “nhận cha con” nhất định. Trong buổi lễ này, người được nhận làm “cha” và “con” sẽ phải cùng uống rượu với nhau sau đó đổi cốc và uống tiếp. “Cha” thì phải uống cạn còn “con” thì không cần phải uống hết.

Phụ nữ trong những gia đình xã hội đen thường có xu hướng bị coi thường. Ngay cả những người là vợ hay con của những thành viên trong băng đảng cũng không bằng những người thấp bé nhất. Họ luôn bị coi là những công cụ để “giải khuây” cho các thành viên khác. Mặc dù có một số trường hợp cá biệt, nhưng đa phần phụ nữ đều không có vị trí đứng trong băng đảng.

Dần dần theo thời gian, những băng đảng ở Nhật biến chuyển thành những băng nhóm tội phạm. Họ sử dụng bạo lực để kiếm lợi ích cho mình. Cờ bạc, mại dâm là những công cụ kiếm tiền chính của những băng nhóm này. Ngoài ra họ còn buôn lậu ma túy và vũ khí bất hợp pháp. Thêm một nguồn thu khác của những băng đảng là tiền “bảo kê”. Họ ép buộc những người kinh doanh trong địa bàn của họ phải nộp một khoản phí nhất định theo tháng.

Nguồn thu của Yakuza

Yakuza Nhật Bản sử dụng tiền kiếm được từ những hoạt động phi pháp để đầu tư vào bất động sản, các trung tâm giải trí để từ đó bắt đầu hợp pháp hóa thu nhập của mình. 

Với những tổ chức Yakuza lớn, họ còn có thể điều khiển được cả thị trường chứng khoán. Một trong những cách làm cơ bản của họ là tìm ra những vụ bê bối của công ty nào đó, hoặc làm giả những vụ bê bối để đe dọa những thành viên trong Hội đồng quản trị, từ đó có thể mua được cổ phần với giá rẻ. Sau đó, các băng đảng sẽ gửi người của mình vào làm trong Hội đồng quản trị của công ty, đe dọa sẽ tung ra ngoài những thông tin bê bối của công ty để điều khiển các thành viên khác trong Hội đồng quản trị. Bằng cách làm này, rất nhiều tổ chức Yakuza đã có được những nguồn thu nhập dồi dào.

Hầu hết những vụ lừa đảo của Yakuza đều được dàn dựng hết sức công phu và theo đúng những quy tắc truyền thống của Nhật Bản. Có thể họ sẽ mời những người lãnh đạo của công ty đi ăn hoặc đi đánh Golf, từ đó vận động quyên góp cho một dự án từ thiện nào đó không có thật hoặc ép phải mua một sản phẩm nào đó với giá cắt cổ. Yakuza thường không đưa ra những lời dọa nạt trực tiếp, những hầu hết những người lãnh đạo của công ty được mời đều hiểu rằng sẽ có kết quả không hay nếu không đáp ứng yêu cầu của những người này và hầu hết trong số họ đều ngoan ngoãn chấp hành những điều kiện mà Yakuza đưa ra.

Ngoài những nguồn thu trên, Yakuza còn có rất nhiều nguồn thu khác như tiền “bảo kê”, kinh doanh các quán nhậu,.. Tuy nhiên, vào những năm gần đây chính phủ Nhật Bản đang ngày càng siết chặt hơn những chính sách để ngăn chặn những nguồn thu của Yakuza. Cửa hàng trả tiền “bảo kê” cho Yakuza nếu bị phát hiện cũng sẽ bị phạt rất nặng. Do đó, nguồn thu của Yakuza đang ngày một giảm và số người tham gia băng nhóm Yakuza cũng đang giảm rất nhiều.

Liệu có một ngày nào đó Yakuza sẽ biến mất hoàn toàn khỏi Nhật Bản? Có thể sẽ có ngày đó nhưng bản thân mình nghĩ nó sẽ còn tốn rất nhiều thời gian bởi vì tuy không được xã hội công nhận, nhưng Yakuza đã cùng tồn tại với Nhật Bản hàng trăm năm, từ một đất nước mất tất cả vì chiến tranh cho đến khi là một cường quốc thế giới về kinh tế như hiện nay…

 

Leave a Reply