Vào 13:00 ngày 22/10/2019, tại phòng “Matsu no Ma” (松の間) của hội trường nhà nước Seiden đã diễn ra lễ đăng quang của Thiên Hoàng (天皇) Naruhito (nhiều báo của Việt Nam gọi là Nhật Hoàng). Hãy cùng tìm hiểu Thiên Hoàng là gì và vai trò hiện nay của Thiên Hoàng trong xã hội Nhật Bản.
Thiên Hoàng là gì?
Thiên Hoàng là người đứng đầu hoàng gia và là nguyên thủ quốc gia theo truyền thống của Nhật Bản. Về cơ bản có thể hiểu Thiên Hoàng chính là Hoàng Đế hoặc vua của Nhật Bản.
Tổ tiên của Thiên Hoàng xuất thân là thủ lĩnh của bộ lạc Yamato nên hoàng gia còn được gọi theo tên gọi khác là Nhà Yamato. Chế độ Thiên Hoàng được bắt đầu từ khoảng hơn 2000 năm trước, và trong lịch sử Nhật Bản, Thiên Hoàng chưa bao giờ bị dòng họ khác soán ngôi. Thực tế thì cũng đã có một vài Thiên Hoàng bị phế truất, nhưng sau đó ngôi vị được truyền lại cho những người khác trong Hoàng tộc. Và đây cũng là gia tộc quân chủ còn tồn tại lâu dài nhất trên thế giới.
Vai trò hiện nay của Thiên Hoàng trong xã hội
Từ sau Cải cách Minh Trị (1869), Nhật Bản bắt đầu theo chế độ quân chủ lập hiến (vẫn giữ nguyên vai trò của Vua như thời phong kiến những vua sẽ không còn nắm thực quyền mà quyền lực chủ yếu thuộc về quốc hội, chính phủ). Tuy nhiên, trên thực tế cho tới năm 1945, Thiên Hoàng của Nhật vẫn còn quyền lực khá lớn như quyền giải tán nghị viện, tuyên chiến với nước khác, là Thống Soái tối cao của Nhật Bản.
Sau năm 1945, Thiên hoàng không còn thực quyền mà chỉ là người đứng đầu quốc gia về danh nghĩa. Thiên hoàng được xem như là biểu tượng của đất nước Nhật Bản và được người dân Nhật tôn kính.
Ngoài ra, Thiên hoàng còn có vai trò là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản. Đây cũng là lý do các bạn gần như không bao giờ thấy Thiên Hoàng đi lễ chùa ở Nhật Bản.
Theo hiến pháp hiện nay của Nhật, nhiệm vụ của Thiên Hoàng được quy định cụ thể như sau:
- Ban hành các tu chính án Hiến pháp, đạo luật, sắc lệnh và hiệp ước;
- Triệu tập Quốc hội.
- Giải tán Hạ nghị viện.
- Tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử Quốc hội.
- Bổ nhiệm hay bãi miễn các Bộ trưởng, các viên chức theo pháp luật hiện hành, có toàn quyền trong việc uỷ nhiệm thư với đại sứ, bộ trưởng.
- Thực hiện ân xá, giảm án, hoãn thi hành án, khôi phục quyền công dân.
- Trao huân chương.
- Xác định việc Quốc hội chuẩn y các hiệp định quốc tế, các văn bản ngoại giao theo pháp luật hiện hành.
- Tiếp đón các Bộ trưởng và Đại sứ quốc tế.
- Đại diện quốc gia trong các buổi lễ long trọng.
Chúng ta có thể thấy vai trò chính của Thiên Hoàng hiện nay giống như những vị đại sứ. Ông thường đi dự những lễ hội truyền thống của Nhật, thỉnh thoảng cũng sang nước ngoài gặp các vị lãnh thủ của quốc gia khác tuy nhiên mục đích chuyến đi chỉ là thăm hỏi, không hề có mục đích chính trị gì.
Ngoài ra, những năm gần đây mỗi năm Thiên Hoàng đều dành ra thời gian để đi thăm, động viên những doanh nghiệp đang phát triển và có những cống hiến tốt cho xã hội hoặc ông đi làm từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ những vùng bị thiên tai.
Thiên Hoàng hiện nay là ai?
Cho đến trước ngày 30/4/2019, Thiên Hoàng của Nhật là Akihito. Mỗi một Thiên Hoàng sẽ đi kèm theo với 1 niên hiệu. Thiên Hoàng Akihito lấy niên hiệu là Bình Thành. Niên hiệu Bình Thành bắt đầu từ ngày 8/1/1989, do đó ở Nhật người ta có cách gọi khác cho năm 1989 là năm Bình Thành thứ nhất. Niên hiệu Bình Thành kết thúc vào ngày 30/4/2019 nghĩa là năm Bình Thành 31.
Từ ngày 1/5/2019, Thiên Hoàng của Nhật được chuyển giao từ Akihito sang cho Naruhito là con trai của ông. Và niên hiệu mới là Lệnh Hòa (Reiwa – 令和)
Điều đặc biệt ở đây là trong hơn 200 năm nay ngôi vị Thiên Hoàng sẽ chỉ được chuyển giao khi Thiên Hoàng mất. Đây là lần hiếm hoi ngôi vị được truyền khi Thiên Hoàng vẫn đang còn sống.
Ngày 22/10/2019, Thiên Hoàng Naruhito chính thức đăng cơ và làm nghi lễ bái tổ tiên tại khu thờ tự trong hoàng cung của Tokyo.
Dưới đây là video về nghi lễ đăng cơ của Thiên Hoàng Naruhito.
Ngoài ra, có một điều “thần kì” đã xảy ra vào chính ngày 22/10/2019 này. Đó chính là cầu vồng đã xuất hiện rất rõ nét ở Tokyo.
Đây hứa hẹn sẽ là một thời kì phát triển hưng thịnh của Nhật Bản.
No Responses