Nhắc đến Nhật Bản, không ít người sẽ nghĩ ngay đến nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Hiện nay ở Nhật đây là một bộ môn nghệ thuật khá phổ biến trong nữ giới và nghệ thuật này cũng đã lan rộng ra rất nhiều nước trên thế giới.
Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể Ikebana là gì và lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật này tại Nhật Bản.
Ikebana là gì?
Có thể các bạn đã từng nghe đến Ikebana và hiểu được rằng đây là tên gọi của “nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản”. Nhưng nó không chỉ là việc kết hợp những bông hoa lại với nhau. Ngoài hoa, trong Ikebana còn sử dụng rất nhiều thể loại thực vật khác và cứ mỗi một sự kết hợp đó lại mang một ý nghĩa riêng biệt.
Ikebana trong tiếng Nhật là 生花. 生 (Ike) có nghĩa là “sống”, còn 花 (Hana) có nghĩa là “Hoa”. Do đó, Ikebana có thể được hiểu là “truyền sức sống cho hoa”.
Ikebana là một môn nghệ thuật cắm hoa có nguồn gốc từ Nhật Bản và qua nhiều năm lịch sử, nhiều nghệ nhân cắm hoa đã cho ra đời nhiều kỹ thuật cũng như trường phái cắm hoa khác nhau.
Nguồn gốc của Ikebana
Thông qua việc cắm những bông hoa để rèn luyện thể chất cũng như tinh thần của mình, Ikebana là một môn nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản.
Có một điều đáng tiếc là không ai biết rõ cũng như không có tài liệu nào chỉ ra rõ thời kì Ikebana được ra đời. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng Ikebana có nguồn gốc từ việc dâng hoa cho Phật trong đạo Phật.
Đạo Phật du nhập vào Nhật Bản ở khoảng thế kỷ thứ 6. Đây được gọi là thời kì Asuka tại Nhật Bản. Và đây cũng được xem là thời kì Ikebana bắt đầu được ra đời tại Nhật Bản.
Ngoài ra, hiện nay tại Nhật Bản có hơn 300 trường phái Ikebana. Một trong những trường phái lâu đời nhất là Ikenobo và được thành lập bởi một tăng sư. Điều này một lần nữa khẳng định Ikebana và Phật giáo có quan hệ mật thiết với nhau.
Ikebana ra đời vào thời kì Muromachi
Đó là sự khởi nguồn của Ikebana. Còn Ikebana trở thành một môn nghệ thuật giống như ngày nay bắt đầu từ thời kì Muromachi (năm 1336 – 1573).
Trong những tài liệu từ thời kì này để lại đã có những tài liệu giới thiệu về cách cắm hoa và thưởng thức Ikebana. Thời kì Muromachi cũng là thời kì Nhật Bản cho ra đời nhiều nghệ thuật khác như trà đạo.
Ikebana bước đầu được hình thành
Một dụng cụ rất quan trọng trong Ikebana được gọi là “Karamono” (唐物) có nghĩa là chiếc bình. Chiếc bình này du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Vào thời kì Muromachi, Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều Karamono và cùng với nó những bức tranh vẽ cũng trở nên có giá trị hơn.
Khi nhiều chiếc bình “Karamono” và tranh vẽ được nhập khẩu, thì sẽ cần những khoảng không gian để trưng bày chúng. Chính điều này đã sinh ra kiểu kiến trúc Shoin-zukuri nổi tiếng của Nhật Bản. Đặc điểm của kiến trúc Shoin-zukuri là sự kết hợp của các trụ hình vuông và sàn được phủ hoàn toàn bằng Tatami. Lối kiến trúc này tạo nên nền tảng của những căn nhà truyền thống ngày nay của Nhật Bản.
Ban đầu, kiến trúc Shoin-zukuri được sử dụng trong những không gian tiếp khách của những vị tướng quân hoặc trong dinh thự của những người có quyền lực cao.
Việc cắm hoa và những hốc tường (Tokonoma) trong không gian này sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp của những chiếc bình và những bức tranh.
Hơn nữa, việc cắm hoa ở vị trí hốc tường sẽ khiến cho người ngắm hoa bắt buộc phải ngắm hoa từ một hướng nhất định. Ngắm hoa từ một hướng nhất định cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật Ikebana vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Thêm vào đó, người Nhật ở thời kì này có tư tưởng cho rằng hoa cũng có linh hồn giống con người. Đạo Phật ở Nhật hồi đó ngoài hoa người ta còn sử dụng hương và vật dụng thắp sáng như nến. Nhưng trong thời kì này đã có thêm 3 vật dụng cần thiết khác (tiếng Nhật gọi là Mitsu-gusoku) là bình hoa, lư hương và chân đèn. Có khá nhiều phương pháp cắm Ikebana nhưng trong đó có một phương pháp là sử dụng cỏ và hoa thật khá phổ biến đã được ra đời từ đây.
Vào thời kì này, một vị tăng sư tên là Ikenobo Senkei đã trở nên rất nổi tiếng ở Nhật Bản do có khả năng cắm hoa rất đẹp. Ông được nhiều võ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ mời về để giúp cắm hoa trang trí trong những dịp lễ quan trọng. Trước đó thì Nhật Bản cũng đã có văn hóa cắm hoa dâng Phật hoặc trong các đền thờ, tuy nhiên phong cách cắm hoa của Ikenobo hồi đó khác hẳn và vượt xa khái niệm về cắm hoa thời bấy giờ. Chính từ thời gian này mà nghệ thuật Ikebana chính thức trở nên phổ biến tại Nhật Bản.
Khẳng định Ikebana là một nghệ thuật
Vào nửa cuối thời kì Muromachi, Ikebana ngày càng phát triển hơn.
Một trong những thứ góp công lớn trong sự phát triển đó chính là sự ra đời của cuốn sách có tên gọi “Kaoirai no Kadensho” (花王以来の花伝書). Đây được xem là cuốn sách cổ nhất tổng hợp tất cả những phương pháp cắm hoa kể từ thời của Ikenobo Senkei. Trong sách có ghi rõ cách kết hợp bình, những loài hoa và cả lịch sử phát triển của nghệ thuật Ikebana.
Sau đó, chế độ mạc phủ của Muromachi bị suy tàn do chiến tranh nhưng xét riêng về Ikebana nó vẫn tồn tại và phát triển theo thời gian.
Ikenobo và lịch sử phát triển của Ikebana
Sau khi được công nhận vào thời kì Muromachi, bất chấp việc phải chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh, Ikebana vẫn phát triển theo một hướng riêng của nó. Người có công đầu trong việc đưa Ikebana trở nên phổ biến như ngày nay là một người có tên là Ikenobo
Từ thời kì Azuchi đến nửa đầu thời kì Edo
Sau khi Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản, trong thành và nhà của các võ sĩ đều có những hốc tường Tokonoma và những hốc tường này còn to hơn thời kì trước rất nhiều.
Ikenobo Senkei khi đó được nhận nhiệm vụ trang trí nhà cho Maeda Toshiie là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất thời kì đó và Ikenobo đã cho làm một chậu cát lớn, sau đó mới cắm hoa ở trên. Phong cách này cũng đã gây tiếng vang rất lớn thời bấy giờ.
Vào năm Keicho thứ 4 (1599) có một lễ hội hoa được tổ chức ở Kyoto, hơn 100 đệ tử của ông đã tham dự cắm hoa và sự kiện này đã thu hút rất nhiều sự chú ý, tiếng tăm của Ikenobo càng ngày càng trở nên nổi tiếng hơn.
Sau khi Toyotomi Hideyoshi chết, Tokugawa Ieyasu cho ra đời Mạc phủ Edo và công việc của Ikenobo càng ngày càng nhiều hơn.
Ikenobo luôn là người giữ trọng trách trong việc trang trí nhà của cho Thiên Hoàng, tầng lớp võ sĩ và quý tộc của Nhật Bản thời bấy giờ. Thời kì này, những đệ tử của Ikenobo – thế hệ Ikenobo thứ 2 cũng bắt đầu nổi tiếng và chính những người thuốc thế hệ thứ 2 này đã góp công lớn trong việc đưa Ikebana từ chỗ chỉ cho tầng lớp quý tộc đến trở nên phổ biến trong giai cấp thường dân.
Giữa thời kì Edo
Vào giữa thời kì Edo, Ikebana không chỉ bị giới hạn ở tầng lớp quý tộc và võ sĩ. Nhưng người dân bình thường có dư dả về kinh tế cũng bắt đầu tìm hiểu Ikebana.
Một nguyên nhân quan trọng giúp Ikebana phát triển thời kì này chính là sự phổ biến của sách. Nhờ có sách mà nhiều tầng lớp trong xã hội đã biết Ikebana hơn. Gia đình Ikenobo đã cho ra đời rất nhiều cuốn sách dạy cắm hoa kèm theo hình ảnh và chú thích trong thời kì này.
Có nhiều kiểu cắm hoa thời bấy giờ. Kiểu được cắm trong nhà của tầng lớp quý tộc hay võ sĩ là kiểu “Rikka” – có quy định cụ thể về số lượng cành được dùng và thường thể hiện sự uy nghiêm, hùng vĩ của thiên nhiên. Ngoài ra thời kì này còn có kiểu cắm hoa đơn giản hơn, được những người dân bình thường sử dụng gọi là “Nageire” và sau đó chuyển tên thành “Shoka”
Cuối thời kì Edo
Vào nửa cuối thời kì Edo, Ikebana có khá nhiều sự thay đổi. Riêng về kiểu cắm hoa Rikka, trong quá khứ nhà Ikenobo chỉ sử dụng cành cây tự nhiên nguyên bản. Nhưng ở thời kì này, họ đã bắt đầu cắt cành cây và tạo hình theo ý của họ.
Kiểu cắm hoa Shoka cũng rất phát triển ở thời kì này. Cũng chính vì việc tạo hình đơn giản, dễ sử dụng đối với cả những người bình thường trong xã hội mà học trò của Ikenobo ngày càng tăng, đã có lúc lên đến hàng chục ngàn người. Có rất nhiều sách hướng dẫn cắm hoa theo kiểu Shoka cũng đã được xuất bản trong thời kì này.
Thời kì Minh Trị đến thời kì Chiêu Hòa
Ikebana là một môn nghệ thuật thay đổi liên tục theo từng thời kì và nó cũng tiếp tục thay đổi, phát triển vào thời kì Minh Trị. Đặc biệt, Ikebana đã có những thay đổi lớn sau cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân, khi mà Tokyo được trả lại làm thủ đô của Nhật Bản.
Vào thời này, gia đình Ikenobo đã bắt đầu dạy Ikebana cho một trường học chuyên cho nữ giới ở Kyoto, đánh dấu một bước biến đổi mới của Ikebana trong xã hội Nhật Bản.
Trong quá khứ, Ikebana là một môn nghệ thuật dành cho nam giới và kể từ đây nữ giới cũng đã có thể tiếp cận với nó.
Tại thời điểm này nhà Ikenobo đưa ra một kiểu cắm hoa mới gọi là Shofutai (正風体) mang phong cách đơn giản, dễ dạy và dễ học. Đây cũng là thời điểm Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Kiểu cắm hoa Nageire (投入), Moribana (盛花) cũng được ra đời để phù hợp với phong cách phương Tây này. Moribana là kiểu cắm hoa dùng chậu cắm nhỏ gọi là Kenzan (剣山) giúp việc cắm hoa trở nên dễ dàng, bớt cầu kì hơn.
Tổng kết
Trải qua những cuộc chiến tranh, nghệ thuật Ikebana vẫn phát triển không ngừng. Đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ 2, những buổi triển lãm có quy mô lớn được tổ chức ở Kyoto và Osaka đã một lần nữa gây dựng tiếng vang của bộ môn nghệ thuật này không chỉ ở Nhật mà còn cả đối với các quốc gia khác. Có rất nhiều kiểu cắm hoa mới khác được ra đời như “Jiyuka” (自由花) hay “Shinputai” (新風体). Đây được xem là những phong cách cắm hoa mới, tiếp bước của “Nageire” và “Moribana” giúp nhiều người hơn nữa có thể tiếp cận được bộ môn nghệ thuật này.
Hiện nay Ikebana không chỉ phát triển ở Nhật mà còn đang được đón nhận ở rất nhiều nơi trên thế giới. Bộ môn nghệ thuật này vẫn đang phát triển và có những thay đổi cần thiết để phù hợp hơn với thời đại.
No Responses