Chắc hẳn thời gian gần đây ai trong số chúng ta cùng đã từng nghe đến những từ như “Tiền điện tử”, “Ví ảo”, “Tiền ảo”, “Blockchain”, “Fintech”,.. rồi đúng không? Tất cả những cái này sẽ là những yếu tố góp phần thay đổi cái cách mà tất cả mọi người đang sử dụng cho “tiền mặt” hiện nay.
Qua bài viết này, dựa trên nội dung của cuốn sách “2049年「お金」消滅 貨幣なき世界の歩き方” (tạm dịch: “Tiền mặt sẽ biến mất khỏi thế giới vào năm 2049”), mình sẽ giới thiệu đến các bạn lý do tại sao thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và tại sao tác giả của cuốn sách này là khảng định đến năm 2049 hầu hết những quốc gia phát triển đều sẽ trở thành những xã hội không tiền mặt.
Tại sao thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến
Lý do đầu tiên mà ai cúng phải công nhận đó là sự tiện lợi. Hiện nay ở trên thế giới và cả ở Việt Nam cũng vậy, nếu như bạn có 1 chiếc điện thoại thông minh và muốn sử dụng nó để thanh toán, sẽ có 2 cách để thanh toán. Cách 1 là bạn bật camera của điện thoại mình lên, rồi đọc mã QR được chuẩn bị sẵn tại cửa hàng, thế là bạn đã có thể thanh toán bằng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của bạn. Cách 2 là bạn mở mã QR của ví hoặc tài khoản của mình lên, rồi dùng máy đọc mã của cửa hàng để thanh toán.
Ngoài ra, thanh toán không tiền mặt còn là thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước, thẻ ghi nợ,.. Nếu như các bạn có dịp du lịch đến Nhật hoặc các nước đang phát triển, các bạn sẽ thấy gần như 100% người dân ở các nước đó khi sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như tàu điện, xe buýt đều dùng thẻ hoặc điện thoại thông mình để thanh toán.
Rồi cả khi họ thanh toán ở các cửa hàng tiện ích cũng vậy. Việc thanh toán không dùng tiền mặt này không chỉ giúp họ tiết kiệm được thời gian mà nó còn giúp họ không phải chuẩn bị hoặc nhận lại những đồng xu nhỏ mà không ai muốn giữ nó ở trong ví của mình.
Thanh toán không tiền mặt – Nhìn từ góc độ của những chủ cửa hàng
Một vài năm trước, nói đến thanh toán không tiền mặt, người ta chỉ liên tưởng đến những chiếc thẻ cứng vật lý.
Khi khách hàng thanh toán bằng thẻ này, chủ của những cửa hàng sẽ phải chịu một phần chi phí (nếu là thẻ tín dụng thì thường sẽ là khoảng 3% doanh thu). Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ và chắc chắn không có chủ cửa hàng nào muốn phải chịu.
Đây cũng chính là lý do mà khi các bạn mua hàng tại các cừa hàng nhỏ lẻ, có đôi khi các bạn bị chủ cửa hàng yêu cầu cộng thêm giá vào nếu các bạn muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nói một cách chính xác, việc làm này của các cửa hàng là vi phạm pháp luật, vì chính phủ Việt Nam đã có những quy định cụ thể cho các cửa hàng bán lẻ không được tăng thêm giá khi khách hàng thanh toán bằng thẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, đối với những thành toán bằng mã QR qua điện thoại thông minh, hầu hết các chủ cửa hàng đều không phải chịu chi phí. Lý do những đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR không thu phí từ những cửa hàng là bởi vì họ sẽ sử dụng những dữ liệu mà họ thu được từ những lần thanh toán của khách hàng, bán nó cho nhà sản xuất và lấy nó làm thu nhập của mình.
Thời đại hiện nay, dữ liệu thông tin là một nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị trong Marketing. Và xu hướng thanh toán không tiền mặt cũng đang góp phần làm cho giá trị của nó ngày càng mạnh lên.
Lý do chính phủ đang khuyến khích thanh toán không tiền mặt?
Hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đều đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt. Dưới đây là những lý do.
① Hiệu quả cao
Các bạn hãy thử nhớ lại xem. Chỉ khoảng hơn 10 năm trước, khi các bạn muốn chuyển tiền cho một ai đó, bạn phải mang tiền mặt ra ngân hàng, viết vào đủ các loại giấy tờ, rồi lại cả hàng chục con người xử lý giao dịch đó của bạn thì tiền mới đến được tay người nhận.
Việc này không chỉ làm tăng những chi phí không cần thiết mà nó còn rất phụ thuộc vào con người, dễ có nhiều lỗi phát sinh.
Tại thời điểm hiện nay, chỉ cần mở ứng dụng của điện thoại thông mình lên, và với vài thao tác, các bạn đã có thể chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của người khác và cũng không cần đến bất kì sự trợ giúp nào của những nhân viên Ngân hàng.
② Loại bỏ những dòng tiền phi pháp
Dòng tiền phi pháp ở đây không chỉ là những dòng tiền không rõ nguồn gốc. Có một hiện thực nhức nhối ở Việt Nam hiện nay là hầu hết đại đa số các cửa hàng bán lẻ đều không khai báo thuế 100%. Nếu như việc thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến, nó sẽ giúp cho chính phủ có thêm được một nguồn thu đáng kể.
Năm 2016, Ấn Độ đã cho bỏ 2 loại tiền 500 Rupee và 1000 Rupee là 2 tờ tiền mệnh giá cao nhất của nước này cũng với 2 mục đích trên. Mặc dù trên thực tế, chưa thể nói Ấn Độ đã thành công trong việc này, tuy nhiên có rất nhiều báo cáo khả quan về những cố gắng thay đổi xu hướng thanh toán không tiền mặt hiện nay ở Ấn Độ.
Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp chúng ta có được nhiều thông tin hơn về xu hướng tiêu dùng của người mua. Việc này hứa hẹn sẽ tạo ra những cuộc cách mạng trong phương thức mua hàng trong tương lai.
③ Hướng đến xã hội kĩ thuật số
Thanh toán không tiền mặt là một phần của xã hội kĩ thuật số trong tương lai. Ở xã hội kỹ thuật số này sẽ không còn tồn tại TIỀN MẶT – cái mà hiện nay mọi quốc gia đều đang phải tốn rất nhiều chi phí, công sức để in ấn.
Điều này có nghĩa là những công ty với những kĩ thuật in ấn có từ rất lâu đời hiện nay sẽ dần dần bị biến mất và thay vào đó là những công ty công nghệ.
Các bạn nghĩ sao về xu hướng thanh toán không tiền mặt này? Có thể chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ nét sự thay đổi khi ta đang sống hòa cùng nó. Nhưng nếu các bạn thử so sánh với chỉ khoảng từ 5 đến 10 năm trước đây, các bạn sẽ cảm nhận rõ được sự phát triển và thay đổi của nó.
Cuộc sống của chúng ta đang ngày càng tiện lợi hơn! Hãy cùng chờ đợi xem nó còn thay đổi đến như thế nào trong tương lai.