Trong suốt mấy tháng nay, chúng ta không ngừng được nghe những thông tin kiểu như “Biểu tình ở Hồng Kông ngày một nghiêm trọng và nguy hiểm” và những hình ảnh hay những đoạn video gây nhức nhối dư luận cũng đang được chia sẻ không ngừng trên mạng xã hội.
Vậy nguyên nhân thực sự của cuộc biểu tình này là gì? Những người biểu tình đang yêu cầu và mong muốn điều gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
NGUYÊN NHÂN THỰC SỰ CỦA CUỘC BIỂU TÌNH Ở HỒNG KÔNG 2019
Nhìn bề ngoài, những cuộc biểu tình này là do phản đối dự luật cho phép dẫn độ người từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Nguyên nhân khởi nguồn cho cuộc biểu tình là do một vụ án diễn ra vào tháng 2/2018. Một cặp đôi người Hồng Kông đi du lịch sang Đài Loan, người con trai 19 tuổi đã sát hại bạn gái đang mang thai 20 tuổi khi đó. Tuy nhiên việc xét xử vụ án này gặp vấn đề vì giữa Hồng Kông và Đài Loan chưa có hiệp ước nào về việc dẫn độ nghi phạm.
Do đó, chính phủ Hồng Kông đã đề nghị bổ sung thêm một số điều luật về dẫn độ trong Luật pháp hiện nay. Tuy nhiên vấn đề ở đây là Chính phủ Hồng Kông đề xuất bổ sung một cơ chế chuyển giao những người chạy trốn không chỉ cho Đài Loan mà còn cho Trung Quốc Đại Lục và Ma Cao.
Điều này có nghĩa là chỉ cần Trung Quốc kết luận là người này có tội, họ hoàn toàn có quyền dẫn độ người đó về Trung Quốc và xét xử theo luật của Trung Quốc. Đương nhien là người Hồng Kông không thể chấp nhận được vấn đề này vì nó giống như công nhận Hồng Kông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Mặc dù đề án của dự luật này đã ngay lập tức bị rút bỏ nhưng những cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông vẫn không hề lắng xuống. Vậy lý do là từ đâu?
Các bạn đã bao giờ nghe đến cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào năm 2014 hay còn gọi là “Cách mạng ô dù” hay “Phong trào ô dù” chưa? Nguyên nhân của cuộc biểu tình này là mặc dù Trung Quốc đã công nhận quyền tự trị của Hồng Kông, nhưng vào ngày 21/9/2014 Quốc hội Trung Quốc khẳng định người dân Hồng Kông chỉ được quần bầu đặc khu trưởng (người đứng đầu Hồng Kông) theo danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp nhận. Tuyên bố này đã làm dấy mạnh lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bẩu cử tự do.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình với quy mô lớn này đã bị cảnh sát của Hồng Kông đàn áp, và không đạt được kết quả như mong đợi. Từ thời kì đó, người dân Hồng Kông luôn cảm thấy bất bình đẳng và hoang mang. Tình trạng đó sau 5 năm không những không có gì thay đổi mà càng ngày càng xấu đi.
Những cuộc biểu tình hiện nay của sinh viên, người dân Hồng Kông là những bức xúc được tích tụ từ nhiều năm trở lại đây. Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy tìm hiểu một chút về lịch sử của Hồng Kông.
Hồng Kông là một địa điểm đặc biệt
Sau cuộc chiến tranh nha phiến năm 1842, Đảo Hồng Kông được nhượng lại cho Anh, sau đó Trung Quốc cho Anh thuê phần còn lại trong 99 năm.
Sau khi thành thuộc địa của Anh, Hồng Kông trở thành một cảng giao thương nhộn nhịp, từ năm 1950 thì phát triển mạnh thành một trung tâm sản xuất. Ngoài ra, những người Trung Quốc bất mãn chế độ hoặc có hoàn cảnh khó khăn cũng luôn tìm cách để sang Hồng Kông.
Khoảng những năm 1980, khi kì hạn giao trả 99 năm đến gần, Chính phủ Anh và Trung Quốc đã tổ chức họp bàn về tương lai của Hồng Kông. Khi đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh quan điểm muốn Hồng Kông sau khi được giao trả phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc.
Kết quả là đến năm 1984, Hồng Kông đã được thống nhất giao trả lại Trung Quốc vào năm 1997 với điều kiện “Nhất quốc – lưỡng chế” (Một quốc gia – Hai chế độ). Mặc dù quay trở lại thành một phần của Trung Quốc nhưng tạm thời trong 50 năm kể từ khi được hoàn trả, Hồng Kông là một nước tự trị hoàn toàn ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng.
Sau khi được hoàn trả, Hồng Kông trở thành đặc khu hành chính, ngoài việc có Luật pháp và biên giới riêng, người Hồng Kông còn được đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Một ví dụ đơn giản như sự kiện Thiên An Môn năm 1989, người Trung Quốc sẽ không thể tiếp xúc với thông tin này, nhưng những người Hồng Kông thì không bị giới hạn gì cả.
Tuy nhiên tình hình đã thay đổi
Người Hồng Kông có quyền tự do hơn rất nhiều so với người Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, những quyền tự do này cũng đang giảm dần.
Các tổ chức nhân quyền chỉ trích chính phủ Trung Quốc can thiệp vào quyền tự trị của Hồng Kông. Đã có nhiều sự kiện bị đưa lên báo đài như những người chủ cửa hàng sách tại Hồng Kông bị mất tích bí ẩn, hay một người giàu có của Hồng Kông bị phát hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc.
Các nghệ sĩ và nhà văn của Hồng Kông nói họ đang bị kiểm duyệt khắt khe. Ngoài ra, có lần một phóng viên của tờ báo Financial Times muốn vào Hồng Kông để làm MC cho một sự kiện về sự độc lập của Hồng Kông thì đã bị từ chối nhập cảnh.
Một vấn đề khác nữa là Dân chủ hóa.
Đứng đầu chính phủ Hồng Kông hiện nay là Carrie Lam – người được bầu từ ủy ban bầu cử 1200 thành viên hầu hết đều thân với Trung Quốc. Chỉ có 6% cử tri của Hồng Kông có quyền bầu các ủy viên này.
Không phải cả 70 ghế trong hội lập pháp đều được bầu trực tiếp từ những người Hồng Kông. Phần lớn trong số đó là những người thân với Trung Quốc. Trên thực tế, một số cử tri cầm cờ có ghi “Hồng Kông không phải Trung Quốc” và những người đó ngay lập tức đã bị mất ghế.
Chính phủ Trung Quốc vào năm 2014 đã công bố danh sách những cử tri được chọn để đứng đầu Hồng Kông nhưng đã bị quốc hội Hồng Kông từ chối.
Những cam kết nêu trên của Trung Quốc với Hồng Kông sẽ hết hạn vào năm 2047, chắc chắn quyền tự trị của Hồng Kông sẽ còn thay đổi nhiều từ năm này.
Hầu hết người Hồng Kông không xem mình là người Trung Quốc
Trong khi hầu hết người Hồng Kông là người gốc Hoa, và mặc dù Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, phần lớn người dân ở đây không nhận mình là người Trung Quốc.
Các khảo sát từ Đại học Hồng Kông cho thấy hầu hết mọi người tự nhận mình là “người Hồng Kông” và chỉ có 15% tự nhận là “người Trung Quốc”.
Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn trong giới trẻ. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy chỉ có 3% người trong độ tuổi 18-29 tự nhận mình là người Trung Quốc.
Người Hồng Kông nêu rõ sự khác biệt về pháp lý, xã hội và văn hóa và thực tế Hồng Kông là một thuộc địa riêng biệt trong 150 năm là lý do tại sao họ không đồng nhất với đồng bào của họ ở Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, tinh thần chống Trung Quốc ở Hồng Kông cũng tăng trong những năm gần đây, khi nhiều người người phàn nàn về những vị khách du lịch đến từ đại lục vô cùng thô lỗ, coi thường các quy tắc địa phương hoặc làm gia tăng chi phí sinh hoạt.
Một số nhà hoạt động trẻ thậm chí đã kêu gọi Hồng Kông độc lập khỏi Trung Quốc, một điều rất đáng báo động đối với chính quyền Bắc Kinh.
Người biểu tình cảm thấy dự luật dẫn độ, nếu được thông qua, sẽ đưa lãnh thổ này đến gần hơn dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
“Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố khác của Trung Quốc nếu dự luật này được thông qua”, một người biểu tình, Mike, 18 tuổi, nói với BBC.
Người Hồng Kông biết cách biểu tình
Vào tháng 12/2014, khi cảnh sát tháo dỡ những gì còn sót lại tại một địa điểm biểu tình ủng hộ dân chủ ở trung tâm Hồng Kông, những người biểu tình đã hô vang: “Chúng tôi sẽ trở lại.”
Thực tế việc các cuộc biểu tình trở lại không quá đáng ngạc nhiên. Hồng Kông có một lịch sử về sự bất đồng chính kiến kéo dài nhiều năm qua.
Năm 1966, các cuộc biểu tình nổ ra sau khi Công ty Star Ferry quyết định tăng giá vé. Các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn buộc chính quyền phải ra lệnh giới nghiêm và điều động hàng ngàn binh sĩ đã xuống đường.
Các cuộc biểu tình lại tiếp diễn từ năm 1997, nhưng những cuộc biểu tình lớn nhất thường có xu hướng chính trị và đưa người biểu tình vào cuộc xung đột với Trung Quốc đại lục.
Trong khi người Hồng Kông có một mức độ tự chủ nhất định, họ có ít tự do trong các cuộc thăm dò, có nghĩa là các cuộc biểu tình là một trong số ít cách họ có thể đưa ra quan điểm của mình.
Có nhiều cuộc biểu tình lớn vào năm 2003 (lên tới 500.000 người xuống đường và dẫn đến một dự luật an ninh gây tranh cãi bị hủy bỏ) và các cuộc tuần hành hàng năm cho quyền bầu cử phổ quát cũng như việc tưởng niệm cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, cho thấy bề dày lịch sử biểu tình của Hồng Kông.
Các cuộc biểu tình năm 2014 đã diễn ra trong vài tuần và khi đó người Hong Kong yêu cầu được quyền bầu lãnh đạo của chính họ. Nhưng phong trào Dù vàng đã bị xẹp xuống mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh.
Các bạn đã hiểu hơn về nguyên nhân của cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông chưa? Chắc chắn không ai trong chúng ta lại muốn nhìn thấy cảnh người dân Hồng Kông bị cảnh sát áp bức. Thế nhưng, cuộc biểu tình này sẽ còn đi đến đâu? Chúng ta còn phải chờ xem…