Khi nói về kinh Phật, các bạn liên tưởng đến cái gì đầu tiên? Những tiếng gõ mõ kết hợp với giọng đọc như hát của các sư thầy mà kể cả khi cố gắng tập trung nghe các bạn cũng không hiểu là các thầy đó đang đọc tiếng Việt nay tiếng Trung Quốc? Thế nhưng liệu những bài kinh đó có thực sự nhàm chán và không có ý nghĩa như chúng ta đang tưởng tượng?
Hôm nay qua bài viết này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn nội dung của một cuốn kinh với tên gọi “Bát nhã tâm kinh”. Đây là một bài kinh lâu đời, đã tồn tại hơn 2,500 năm và được lưu truyền trên khắp mọi nơi trên thế giới.
Bát nhã tâm kinh là gì?
“Bát nhã tâm kinh” hay tên đầy đủ là “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” là một bài kinh cơ bản và phổ biến nhất của Phật Giáo Đại Thừa. Đây là bài kinh trọng yếu nhất trong Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Bài kinh “Bát nhã tâm kinh” đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay được dịch từ tiếng Hán do ngài Trần Huyền Trang là một cao tăng đời Đường của Trung Quốc đã sang Ấn Độ để thỉnh về. Sau đó bài kinh này được dịch sang nhiều thứ tiếng khác trong đó có tiếng Việt.
Bản tiếng Hán có 262 chữ, bản tiếng Nhật cũng có 262 chữ và bản tiếng Việt có 260 chữ và đây là một trong những bài kinh rất ngắn gọn nhưng mang những ý nghĩa căn bản của Đạo Phật.
Là một trong những bài kinh phổ biến nhất của Đạo Phật
Mặc dù là một bài kinh ngắn nhưng đây là bài kinh phổ biến nhất trong Phật giáo ở trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nội dung ghi trong đó không thật sự dễ hiểu nếu như không muốn nói chúng ta sẽ không thể hiểu được gì nếu không có những kiến thức cơ bản về Phật giáo. Đương nhiên cũng có rất nhiều bài viết, những vị tăng sư nổi tiếng giải thích về bài kinh này. Nhưng vấn đề ở đây là ngay cả khi đọc những bài giải thích đó, cũng không dễ để chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó.
Đầu tiên, để hiểu được ý nghĩa của bài kinh này, các bạn phải biết rằng “Bát nhã tâm kinh” là bài kinh được viết lại dưới dạng lời dạy của Quân Thế Âm Bồ Tát truyền đạt cho Xá Lợi Tử – là người đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Giải thích “Bát nhã tâm kinh” bằng ngôn từ hiện đại
Bài giải thích “Bát nhã tâm kinh” bên dưới của mình được dịch và tham khảo từ nhiều nguồn chủ yếu là các nguồn tiếng Nhật cộng thêm với những ý hiểu của mình. Vì muốn diễn đạt một cách dễ hiểu nhất nên có nhiều đoạn nó không thật sự sát nghĩa và mình có thêm vào nhiều câu chú giải không có trong bài kinh.
Mình viết bài này ngoài mục đích để lưu lại cho bản thân thì mình cũng hi vọng nếu các bạn có duyên đọc được bài này, đây sẽ là một điểm khởi nguồn để các bạn tìm hiểu thêm về Đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung. Chắc chắn việc tìm hiểu thêm về tôn giáo sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức và hỗ trợ rất nhiều cho các bạn trong cuộc sống thường ngày. Dưới đây là nội dung của bài kinh:
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh (tiêu đề) (魔訶般若波羅蜜多心経)
Bài kinh giải thích về ý nghĩa của sự tồn tại.
Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời (観自在菩薩 行深般若波羅蜜多時)
Tôi (Quan thế âm bồ tát) tự đặt cho mình câu hỏi “Bản thân tồn tại có nghĩa là gì?” và sau một thời gian dài suy nghĩ thấu đáo, tôi đã tìm được câu trả lời đích thực. Giờ đây, tôi sẽ nói sự thật đó cho các bạn.
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách (照見五蘊皆空 度一切苦厄)
Con người của chúng ta ai cũng được cấu thành bởi 2 yếu tố là thân và tâm. Do đó, để hiểu rõ về bản thân, tôi đã thử tìm hiểu xem sự tồn tại của bản thân có ở đâu trong thân và tâm này.
Thật đáng tiếc là dù có tìm trong thể xác thật, hay những giác quan như thị giác, thính giác, và cả trong tri giác hay suy nghĩ, nhận thức đi nữa thì tôi cũng không thể tìm được thứ gì mà có thể nói “Cái này chính là bản thân của mình”.
Một sự thật đáng ngạc nhiên là cái mà chúng ta đang gọi là “bản thân” lại không hề tồn tại ở bất kì nơi nào trên thế giới này.
Chính tôi khi phát hiện ra điều này đã không thể che giấu sự ngạc nhiên của mình, thế nhưng cùng lúc đó tôi cũng cảm thấy thoải mái vì được giải thoát khỏi sự khổ đau.
Xá lợi tử (舎利子)
Này người đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca Mâu Ni!
Sự thật mà tôi nhận ra chính là “Bản thân chúng ta không tồn tại”. Tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của nó, hãy chú ý lắng nghe!
Sắc bất dị không, không bất dị sắc (色不異空 空不異色)
Đầu tiên, hãy thử quan sát cơ thể của chúng ta. Cơ thể của chúng ta không phải là một vật thể nào đó cố định mà là tập hợp của rất nhiều những vật thể khác nhau.
Do đó, về bản chất “cơ thể” của chúng ta không tồn tại, mà chúng ta chỉ đang gọi cái vật thể được tập hợp từ nhiều yếu tố đó là “cơ thể” mà thôi.
Tất cả những vật thể khác cũng đều như vậy. Không có vật thể cố định nào tồn tại mà nó chỉ là “trang thái” của rất nhiều yếu tố đang tập hợp lại. Không có thứ gì là bất biến hay nói cách khác là có tự tính. Tất cả đều là vô tự tính (vô ngã) mà thôi.
Hãy đặt tên cho sự thật “Tất cả vật thể đều không tồn tại thực thể” này và gọi nó là “Không”. Từ này về sau, mọi từ “Không” được nhắc đến có nghĩa là việc vật thể không tồn tại thực thể hay không có tự tính.
Sắc tức thị không, không tức thị sắc (色即是空 空即是色)
Tất cả những vật thể xung quanh chúng ta đều không tồn tại thực thể cố định, mà được cấu thành từ những vật có tính “Không”.
Nguyên lý cơ bản tạo ra sự tồn tại chính là “Không”.
Chính vì là “Không” cho nên vật thể mới có thể thay đổi và có những hình dạng riêng.
Giả sử như trên thế gian này có tồn tại một vật thể cố định nào đó, thì khi phải chịu một tác động nào nó đó sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, trên thực tế không tồn tại vật thể nào như vậy.
Vật thể nào cũng thay đổi. Và đó cũng là lý do mà trên trái đất có nhiều vật thể với rất nhiều hình dáng đa dạng.
Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị (受想行識 亦復如是)
Tính chất “Không” đó không chỉ đúng với vật thể mà còn đúng với cả những giác quan của ta. Cảm giác, tri giác, suy nghĩ hay ý thức đều không có hình dạng nhưng nó cũng đều tuân theo quy tắc biến đổi.
Thân là vật thể, tâm là giác quan, và cả 2 thứ này đều không tồn tại thực thể cố định.
Điều này có nghĩa là gì?
Cơ thể con người được cấu thành từ 2 yếu tố thân và tâm. Thế nhưng ở trong cả thân và tâm này đều không tồn tại thực thể “bản thân”. Cơ thể cố định của chúng ta không tồn tại ở bất kì đâu.
Tuy nhiên, chúng ta có một cơ quan gọi là “não”, nó có khả năng “suy nghĩ” và từ đó đưa đưa ra khái niệm về “bản thân”. Từ đó mà chúng ta có thể nhận thức sự tồn tại của bản thân qua vật thể bao gồm thân và tâm của chính mình.
Nói một cách chính xác thì không phải con người chúng ta có thể nhận thức điều này mà là chúng ta đang bị ngộ nhận điều này.
Thực tế, bản thân là một vật không tồn tại. Nó không phải là một vật thể nào đó tồn tại cố định, mà là một trạng thái mang tính “lưu động”. Và bản thân cũng chỉ là “Không” mà thôi.
Xá lợi Tử! Thị chư pháp không tướng (舎利子 是諸法空相)
Xá Lợi Tử! Con có ngạc nhiên về điều này không? Hay con vẫn chưa thể hiểu được ý nghĩa những điều ta đang nói? Hay con cũng cảm thấy đồng cảm với những việc này?
Điều đó không quan trọng.
Tất cả những tồn tại hiện nay trên trái đất đều là “Không”. Nó là một sự thật không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu như con chưa hiểu được thì cũng không sao. Chỉ cần con quyết tâm hiểu nó, sẽ có ngày con hiểu được.
Con chỉ cần nhớ là không được quên nỗ lực tìm ra sự thật, không ngừng quan sát để tìm hiểu về sự tồn tại trên trái đất này. Hãy ghi nhớ điều này vì đây là một sự hiểu biết rất quan trọng trong cuộc sống.
Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm (不生不滅 不垢不浄 不増不減)
Khi đã hiểu về “Không”, chúng ta sẽ nhận ra thêm được nhiều sự thật thú vị. Thường thì mọi người hay nghĩ rắng sinh mệnh bắt đầu từ khi sinh ra và kết thúc khi chết đi. Thế nhưng không phải như vậy!
Tất cả những sự vật xung quanh chúng ta đều được tập hợp từ rất nhiều vật khác, nó tạo ra hình dạng. Và hình dạng sẽ sinh ra “tác động” và chúng ta sẽ “sống”. Chúng ta sống với nhận thức về bản thân của chính mình cũng chính là nhờ “tác động” không ngờ trên cả hình dạng này.
Sinh mạng cũng vậy. Nó không tồn tại dưới dạng một thực thể nào. Giống như nhiều dấu chấm kết hợp lại thành một hình tròn. Sinh mạng cũng như vậy…
Vì vậy, những sinh vật trên trái đát này không phải chỉ tồn tại từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Tất cả những sinh vật này đều đang sống ngay từ đầu với một thực thể không tồn tại “Không” và cũng đang thay đổi không ngừng.
Hãy tạm gọi trạng thái “Tồn tại là thay đổi không ngừng” này là “Vô thường”.
“Tồn tại”, “Không”, “Vô tự tính”, “Vô thường”, “Thay đổi không ngừng”, “Không tồn tại vật thể cố định” – Đây là những từ ngữ quan trọng và có mối liên quan mật thiết với nhau. Trong “tồn tại” hầu hết đều là “thay đổi”, không có sự sinh ra/chết đi, không có bẩn/sạch và cũng không có tăng/giảm. Tất cả những thứ đó chỉ là những sự “thay đổi”.
Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức (是故空中 無色 無受想行識)
Tôi xin nhắc lại một lần nữa. Cả thân và tâm của chúng ta, tất cả đều là “Không”, cái gọi là thực thể cố định không tồn tại ở bất kì nơi nào.
Tất cả những vật thể trên thế giới này, bao gồm cả chúng ta đều chỉ tồn tại trong một trạng thái duy nhất. Đó là trạng thái “tồn tại trong thời điểm hiện tại” giữa những sự thay đổi.
Nghĩa là trong tồn tại không có tự tính, tất cả đều là vô tự tính (vô thường).
Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (無眼耳鼻舌身意 無色声香味触法)
Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và cả tâm, tất cả đều là “Không”, không có thứ gì bất biến cả.
Những gì ta nhìn, âm thanh ta nghe, mùi ta ngửi, vị ta ăn, cảm giác khi ta chạm hay suy nghĩ của ta cũng đều là “Không”. Trên đời này không tồn tại thực thể bất biến nào.
Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới (無眼界乃至無意識界)
Chúng ta cảm nhận về thế giới xung quanh qua các cơ quan cảm giác. Điều đó có nghĩa là những gì chúng ta hiểu về thế giới được bản thân cảm nhận thông qua cơ quản cảm giác đó, chứ không phải chúng ta đang cảm nhận trực tiếp từ thế giới.
Thế giới là thứ được sinh ra chỉ khi bản thân chúng ta cảm nhận được mối quan hệ mật thiết với nó. Và cái thế giới này cũng chỉ là “Không”.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận (無無明 亦無無明尽)
Con người chúng ta do không chịu nhìn vào sự thật, sống với những nhận thức không đúng nên mới cảm thấy một thứ cảm giác gọi là “khổ”.
Sự thật ở đây chính là, sự tồn tại trên đời này đều là “Không”. Nhận thức không đúng ở đây chính là nghĩ những thứ không tồn tại đang có tồn tại.
Không ai biết lý do tại sao thế giới lại đang tồn tại dựa trên nguyên lý tất cả đều là “Không”. Thế nhưng đây là sự thật và chúng ta cần phải hiểu và chấp nhận nó.
Tất cả mọi thứ trên đời này có và cũng như không có. Nó khác với việc hoàn toàn không có. Nó là có như không có.
Nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận (乃至無老死 亦無老死尽)
Chính vì vậy mà sự già nua hay chết đi không tồn tại trên cõi đời này. Già hay chết chỉ tồn tại trong khái niệm mà con người chúng ta nhìn thấy được bằng mắt, trên thực tế nó chỉ đang thay đổi trong sự tồn tại ở trạng thái “Không” mà thôi.
Vô khổ tập diệt đạo; Vô trí diệc vô đắc; Dĩ vô sở đắc cố (無苦集滅道 無智亦無得 以無所得故)
Tất cả mọi vật thể đều không có thực thể. Do đó không có gì gọi là “khổ” và cũng không có phương pháp nào để hết sự “khổ” đó.
Tất cả những thứ đó chỉ là khái niệm. Và bản thân chúng ta khi giữ trong mình những khái niệm đó cũng chỉ là khái niệm.
Vậy thì “Chúng ta sẽ phải hiểu như thế nào về những khái niệm đó?” Đáng tiệc là chính việc suy nghĩ như vậy đã là sai rồi!
Chính việc suy nghĩ để lý giải sự việc bằng đầu của chúng ta nó đã là tưởng tượng.
Nếu như chúng ta hiểu nó và xem nó như kiến thức của mình thì nó cũng gần như không khác gì với việc chúng ta không hiểu nó.
Hầu hết con người chúng ta đều muốn thu thập được thêm kiến thức cho bản thân mình. Tuy nhiên đối với những gì liên quan đến bản chất của sự tồn tại, chúng ta sẽ không thể làm được điều này. Nhận ra được sự thật không phải là có được kiến thức.
Bồ đề tát đõa, y Bát nhã ba la mật đa cố (菩提薩埵 依般若波羅蜜多故)
Tôi xin lỗi vì đã phủ định lại tất cả và nói tất cả đều như không tồn tại. Nhưng đây là sự thật.
Nhận thức sai lầm về những thứ không tồn tại và tưởng như nó “có” là một sai lầm và đó là lý do mà tôi buộc phải phủ định lại những quan điểm hiện nay của mọi người.
Tâm vô quái ngại; Vô quái ngại cố; Vô hữu khủng bố (心無罣礙 無罣礙故 無有恐怖)
Bản chất của tồn tại là “Không”, khái niệm về “Ta” (bản thân) cũng không có. Như vậy những phiền muộn, chướng ngại trong tâm cũng không còn.
Bản thân không tồn tại. Chướng ngại không tồn tại. Do đó, những chướng ngại trong bản thân cũng không tồn tại. Sự sợ hãi cũng không hề tồn tại.
Viễn ly điên đảo mộng tưởng; Cứu cánh niết bàn (遠離一切顚倒夢想 究竟涅槃)
Con người chúng ta thông thường đều nghĩ tất cả những hành động của bản thân đều do mình điều khiển. Thế nhưng có thật như vậy không?
Ví dụ như tim của chúng ta đang đập có phải là do chúng ta điều khiển không? Cơ thể chúng ta đang điều khiển hay ý thức chúng ta đang điều khiển? Thử suy nghĩ xem, khi chạm vào một vật gì nóng, tay chúng ta sẽ rụt lại, liệu đây có phải là hành động sau khi bản thân đã suy nghĩ và quyết định?
Cơ thể mặc dù là của chúng ta, thế nhưng nhiều khi chúng đang hoạt động không liên quan gì đến ý thức hay suy nghĩ của chúng ta đúng không?
Sự thật là như vậy, tuy nhiên nhiều người trong chúng ta lại đang lầm tưởng rằng cơ thể hoàn toàn là của chúng ta và chúng ta đang sống dựa trên những ý thức và suy nghĩ của chính mình.
Đó chính là vì chúng ta đang sống mà không mảy may nghi ngờ về sự “Có” của bản thân – cái mà trên thực tế không tồn tại.
Chỉ cần hiểu và tránh được suy nghĩ say lầm này, chúng ta sẽ có thể sống và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Tam thế chư phật, y Bát nhã ba la mật đa cố; Đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (三世諸仏 依般若波羅蜜多故 得阿耨多羅三藐三菩提)
Ở vào thời đại nào, quốc gia nào hay tôn giáo nào đi chẳng nữa, chỉ cần chúng ta hiểu được chân lý của tồn tại là “Không” thì tâm của chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái.
Trong đạo Phật, những người hiểu được chân lý này gọi là những người đã “giác ngộ”.
Không nhất thiết phải theo đạo Phật mới có thể hiểu được sự thật này.
Nó đang xuất hiện ở trước mắt tất cả mọi người.
Cố tri; Bát nhã ba la mật đa ; Thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú (故知 般若波羅蜜多 是大神咒 是大明咒 是無上咒 是無等等咒)
Chính vì vậy “Bát nhã ba la mật đa” là nguồn trí tuệ giúp cho chúng ta hiểu rõ được chân lý của sự “tồn tại”, là một tài liệu quý báu được truyền đạt một cách bình đẳng đến cho tất cả mọi người.
Tất cả con người chúng ta khi suy nghĩ một cách nghiêm túc về ý nghĩa của cuộc sống chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự thật này. Không hiểu rõ ý nghĩa của sự “tồn tại” sẽ không thể hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống.
Năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư (能除一切苦 真実不虚)
Tất cả mọi vật đều là “Không”. Những người mà thực sự hiểu được chân lý này thì dẫu có gặp đau khổ cũng sẽ hiểu rằng đau khổ chỉ là một khái niệm được một khái niệm khác là bản thân tự tạo nên.
Trên đời này không tồn tại cái gọi là “đau khổ” khi chúng ta không tìm được ra cách để giải thoát khỏi một sự đau khổ nào đó. Nói một cách khác, “đau khổ” về thể xác khi bị đau ốm, bệnh tật là điều không thể tránh, thế nhưng việc nhận thức đó là “khổ” và tìm mọi cách để thoát khỏi sự “khổ” đó là việc không có ý nghĩa gì.
Cổ thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết (故説般若波羅蜜多咒 即説咒曰)
Cuối cùng tôi muốn gửi đến những người trẻ tuổi đã nhìn thấy sự thật này một đoạn thơ ngắn. Đoạn này không cần dịch nghĩa và hãy đọc nó với đúng ngôn ngữ cổ.
Việc đọc lại giống y như ngôn ngữ cổ này cũng có ý nghĩa. Các bạn không cần phải hiểu nghĩa chi tiết của đoạn này. Chỉ cần các bạn đọc nó với một lòng “tôn kính” là đủ. Hiểu bằng đầu không phải là tất cả.
Yết đề, yết đé, Ba la yết đế, Ba la tăng Yết đề, Bồ đề. Tát bà ha (羯諦羯諦 波羅羯諦 波羅僧羯諦 菩提薩婆訶)
(Đây là một câu tiếng Phạn bày tỏ niềm vui những người đã đạt được sự giác ngộ. Ý nghĩa của nó là: “Đã tới rồi, đã tới rồi, tới bờ bên kia, tới bờ Giác ngộ rồi!”)
Tổng kết
Trên đây là phần giải thích về “Bát nhã tâm kinh” mà mình đã thử viết lại theo ngôn ngữ hiện đại. Có thể có nhiều đoạn nó không thực sự sát nghĩa với bản gốc, tuy nhiên hi vọng nó sẽ là một nguồn tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu thêm về Đạo Phật. Sau khi đã hiểu được nghĩa của bài “Bát nhã tâm kinh” này, các bạn hãy thử nghe lại bài kinh này một lần xem. Các bạn có thấy nó ý nghĩa hơn rất nhiều không? (Các bạn có thể nghe bài kinh này TẠI ĐÂY)
Về bản thân mình, mình tìm hiểu về bài kinh này không phải là do mình muốn vứt bỏ tất cả để toàn tâm toàn ý đi theo Đạo Phật. Thế nhưng, khi suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của sự tồn tại thì chỉ một chữ “Không” nhỏ bé sẽ làm chúng ta cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Xã hội ngày nay làm cho con người chúng ta càng ngày càng cảm thấy “ngột ngạt”. Nhiều người vất vả với guồng quay của cuộc sống, rồi lại cảm thấy “ghen tức” khi thấy những người khác đang có được điều kiện tốt hơn mình. Nếu rơi vào tình huống như vậy, các bạn hãy thử nhớ lại về quan niệm “Không” của Đạo Phật. Chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Ở Nhật hiện nay cũng đang nổi lên một phong trào chép lại các bài kình Phật (tiếng Nhật gọi là Shakyou) như một phương pháp để làm giảm stress cho cuộc sống. Còn đối với bài “Bát nhã tâm kinh” này, có cả một bài phối khí “Remix” theo phong cách hiện đại mà các bạn có thể xem ở link bên dưới. Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến bản nhạc này, tuy nhiên mình nghĩ đây cũng là một cách để khiến những người trẻ tuổi có thêm hứng thú tìm hiểu về kinh Phật – cái đã tồn tại hơn 2,500 năm nay…
Mình cảm ơn bạn và bải giải nghĩa của bạn ??. Mình đã đọc thử vài bài giải nghĩa trước đó nhưng mình không vô được, của bạn thì mình vô được. Chúc bạn sức khoẻ và thuận lợi xuôi dòng.
Biết ơn rất nhiều về bài giải thích của bạn, và bài remix ở cuối rất hay . Cám ơn, cám ơn , cảm ơn rất nhiều ạ ❤️
Cám ơn bài giải thích của bạn rất dễ hiểu.
(từ “Không” có nghĩa là việc vật thể không tồn tại thực thể hay không có tự tính.) theo mình nghĩ đây chỉ là cách hiểu của người thường (chưa bước vào đường tu). Nhưng ở trình độ Trí huệ siêu việt (Bát nhã tâm kinh) thì chữ “Không” là “có thật”. Không ở đây không có nghĩa là không có gì, không ở đây có nghĩa là “thực tại” hay “thực tướng” hay nói cách khác, thực tại “Không” này “hằng sống”.
Chữ không Hán văn là không trong khoảng không nghĩa là trống rỗng, là trống rỗng thì nó không liên quan gì đến có thật hay không có thật, mọi cách nhìn nhận giữa có và không có gọi là Huyễn, giống như bị bề ngoài sự vật che mắt dẫn đến đánh giá sai về bản chất, nó trống rỗng nên mỗi sự vật biểu hiện lại khác nhau.
gọi là nó giọt nước và hoà nó vào dòng nước vô thường. chưa bao giờ vô thường lại đơn giản đến thế