4 phương pháp để tăng khả năng tập trung

Chắc chắn ai cũng đã từng có kinh nghiệm bị mất tập trung dẫn đến kết quả học tập, làm việc không được như mong muốn. Nếu hỏi tiến sĩ Google câu hỏi “Làm thế nào để tăng khả năng tập trung”, các bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời kiểu như:

・Hãy ngủ nhiều hơn

・Hãy ăn đủ chất

・Đừng để ý đến những việc không cần thiết

・Vận động nhiều lên

・Liệt kê ra những gì khiến bạn mất tập trung

Những phương pháp trên đều đúng, tuy nhiên nó không thực sự hiệu quả, ít nhất là đối với bản thân mình.

Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn 4 phương pháp để tăng khả năng tập trung mà chính bản thân mình đã thử nghiệm và thấy nó rất hiệu quả.

4 PHƯƠNG PHÁP ĐỂ TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG

1. Sử dụng quy luật 5 giây

quy-luat-5-giay

Các bạn đã nghe thấy “quy luật 5 giây” hay “quy tắc 5 giây” bao giờ chưa?

Khi phải ra quyết định về một vấn đề gì đó, não của chúng ta luôn có một phản xạ tự nhiên là đi tìm những lý do để bản thân không phải làm việc đó.

Tuy nhiên, phản xạ đó chỉ có thể hình thành sau 5 giây.

Về phản xạ này của não, người dẫn chương trình và cũng là một diễn giả nổi tiếng người Mỹ Mel Robbins đã giải thích và đặt tên cho nó là “quy luật 5 giây” (5 second rule) trong một bài thuyết trình trên TED. Mel Robbins còn xuất bản cuốn sách “5 second rule” nói về quy luật 5 giây này, đáng tiếc là nó chưa được bán ở Việt Nam. Bạn có thể xem bài thuyết trình của cô trên TED qua đường link dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=Lp7E973zozc&t=99s

Do đó, nếu các bạn nghĩ các bạn muốn làm gì đó, HÃY BẮT ĐẦU NÓ TRONG 5 GIÂY!

Bản thân mình đã thử nghiệm và thấy nó rất hiệu quả. Không biết bao nhiêu lần mình đã thử cố dậy sớm nhưng không thành công. Mình đã thử bật dậy ngay trong 5 giây đầu tiên sau khi nghe thấy tiếng chuông báo thức. Và thật kì lạ, nó không giống như những lần trước, não của mình đi tìm đủ mọi lý do để có thể tiếp tục ngủ như “Mình đã dậy sớm được 3 ngày rồi, hôm nay ngủ thêm một chút cũng không sao” hay “Hôm nay mình mệt hơn mọi hôm, chắc là mình nên ngủ thêm”.

Nếu như các bạn muốn bỏ bộ phim đang xem dở để đi đọc một cuốn sách hay đang đắn đo giữa việc xem ti vi hay đi học bài, hãy thử quyết định nó trong chỉ 5 giây thôi xem!

2. Nhớ lại những địa điểm mà mình đã có thể tập trung

shinjuku cafe

Bản thân mình hay làm việc hoặc đọc sách ở những quán cafe. Có những quán cafe mình có thể tập trung cao độ, nhưng ngược lại có những quán cafe mình không thể tập trung được.

Lý do của nó không chỉ là do tiếng ồn hay một vài lý do khách quan nào đó. Mình nhận ra đó là vì những quán cafe mà mình có thể tập trung nó tạo cho mình cảm giác thân thuộc, yên tâm và không cần phải để ý đến xung quanh.

Do đó, mỗi lần cảm thấy mất tập trung, mình thường nhớ lại quán cafe đó, và nó đã khiến khả năng tập trung của mình được cải thiện rất nhiều.

Mỗi người chúng ta đều có một không gian phù hợp để có thể phát triển khả năng tập trung của mình khác nhau. Khi các bạn cảm thấy mất tập trung, hãy thử nhớ về nơi đó, có thể nó sẽ cho các bạn những kết quả bất ngờ đấy!

3. Hãy tập trung cho từng việc một, đừng làm nhiều việc một lúc

Ở Nhật Bản, đã từng có thời gian nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm nhiều nhiệm vụ, công việc cùng một lúc. Nhưng do kết quả công việc kém đi, thời gian gần đây xu hướng tập trung cho từng nhiệm vụ lại đang quay trở lại.

Các bạn đã bao giờ nghe về “Phương pháp Pomodoro” chưa?

“Phương pháp Pomodoro” hay còn gọi là “Phương pháp quả cà chua” được Francesco Cirillo – CEO của một công ty phần mềm nổi tiếng người Ý phát triển. Từ thời còn là sinh viên, ông nhận thấy việc làm việc hoặc học tập liên tục trong nhiều giờ liền sẽ dẫn đến việc bị mệt mỏi, không tập trung và từ đó kết quả cũng bị thấp đi.

Thay vì việc buộc não phải tập trung hàng giờ đó, Francesco Cirllo đưa ra một cách thức để làm việc, học tập mới là: tập trung cao trong thời gian 25 phút sau đó nghỉ ngắn 5 phút và lại bắt đầu 1 phiên làm việc 25 phút mới. Mỗi phiên làm việc 25 phút này, ông gọi là 1 Pomodoro.

※Các nguyên tắc cần chú ý khi áp dung “Phương pháp Pomodoro” này:

  1. Trong 1 Pomodoro (quy trình làm 25 phút, nghỉ 5 phút), nếu bạn buộc phải gián đoạn thì Pomodoro sẽ được tính lại từ đầu, không có 1/2 hay 2/3 Pomodoro.
  2. Chỉ tập trung làm 1 việc duy nhất với 100% thời gian đã định.
  3. Nếu công việc xong trước khi Pomodoro kết thúc, bạn cần dùng thời gian còn lại để kiểm tra và tối ưu hóa công việc cho đến hết Pomodoro đó.
  4. Trong các khoảng thời gian nghỉ (nghỉ 5 phút, 10 phút), bạn cần phải nghỉ ngơi thực sự. Hãy nhắm mắt thư giãn, nghe nhạc, uống nước, mát xa đầu, khuôn mặt, thiền, sắp xếp bàn làm việc, đi dạo trong văn phòng hoặc làm những việc đơn giản không cần sử dụng tư duy nhiều. Khi nghỉ, tuyệt đối tránh mọi thứ liên quan tới Internet, Facebook… vì chúng có thể sẽ kích thích sự hưng phấn của bạn, song bản chất vẫn làm bộ não thêm mệt mỏi

Các bạn hãy thử xem nhé! Nó thực sự rất hiệu quả đấy!

4. Sử dụng hiệu quả “Hạn chót”

shinjuku cafe

Khi còn là học sinh, bạn đã từng làm bài tập hè được giao trong 3 tháng chỉ với 3 ngày cuối cùng chưa?

Rồi khi đi làm, bạn đã khi nào “chạy vắt chân lên cổ” khi chỉ còn 1 ngày nữa là đến hạn chót để nộp báo cáo chưa?

Khi phải đối mặt với những “Deadline”, “hạn chót” như vậy, khả năng tập trung của con người thường tăng rất cao.

Các bạn đã bao giờ nghe nói về “Định luật Parkinson” chưa?

Nội dung của định luật này là “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó” (Work expands so as to fill the time available for its completion).

Hãy thử suy nghĩ về định luật này xem. Bạn sẽ thấy nó rất thú vị.

Nếu biết cách ứng dụng định luật Parkinson này hợp lý, chia nhỏ ra những mục tiêu mình cần hoàn thành, khả năng tập trung, rồi kết quả công việc của bạn chắc chắn sẽ có những sự tiến bộ bất ngờ.

Tổng kết

Bạn nghĩ sao về 4 phương pháp để tăng khả năng tập trung của mình?

Mỗi người sẽ có một phương pháp hiệu quả cho riêng mình. Hãy thử nhiều phương pháp và tìm ra phương pháp thích hợp nhất cho bản thân mình nhé!

 

Leave a Reply