Nakajima Chikuhei là ai? Lịch sử hình thành và phát triển của hãng xe Subaru

Các bạn đã bao giờ nghe đến thương hiệu xe ô tô Subaru chưa? Tại Việt Nam, Subaru không phải là một thương hiệu quá phổ biến. Tuy nhiên, Subaru là một thương hiệu khá nổi tiếng trên thế giới với những mẫu xe có khả năng vận hành cao và có thể chinh phục những địa hình khắc nghiệt nhất. Người đi đầu, sáng lập ra thương hiệu này tên là Nakajima Chikuhei. Qua bài viết này, hãy cùng tìm hiểu Nakajima Chikuhei là ai và lịch sử hình thành, phát triển của hãng xe Subaru.

Nakajima Chikuhei là ai?

Nakajima-Chikuhei-la-ai

Bỏ nhà ra đi vì ham học

Nakajima Chikuhei sinh năm 1884 tại tỉnh Gunma. Ông là con trai trưởng trong một gia đình làm nông. Cha ông nổi tiếng là một người nghiêm khắc và có tư tưởng “làm nông thì không cần đi học” nên ông không được gia đình ủng hộ việc đi học.

Tuy nhiên, từ bé Nakajima Chikuhei đã là một người rất ham học. Ông đã lấy trộm tiền để ở bàn thờ và bất ngờ bỏ nhà ra đi. 

Sau khi bỏ nhà ra đi, ông chuyển lên Tokyo sống với ước mơ được học tập. Cuộc sống của ông rất vất vả vì không có tiền. Vào mùa hè, ông không mặc quần áo để tiết kiệm tiền giặt đồ. Và ông phải sử dụng xà phòng còn sót lại của người khác trong những nhà tắm công cộng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. 

Ước mơ gắn liền với những chiếc máy bay

Nakajima-Chikuhei-va-nhung-chiec-may-bay

Năm 1903, Nakajima Chikuhei thi đỗ trường Hải quân với thành tích ưu tú và ông đã tốt nghiệp 4 năm sau đó và vào làm việc trong quân đội. Sớm dự đoán trước sự xuất hiện của kỷ nguyên máy bay, ông vẫn không ngừng nghiên cứu về máy bay và tên tuổi của ông cũng dần được biết đến trong quân đội hải quân.

Năm 1911, ông được chọn làm phi công để điều khiển chiếc khí cầu đầu tiên của Nhật Bản được quân đội hải quân và lục quân hợp tác để nghiên cứu. Cũng trong năm này, ông vào học tại đại học hải quân và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về máy bay và khí cầu. Năm 1912, ông tốt nghiệp đại học và được thăng cấp lên thành đại úy. Sau đó ông được cử sang Mỹ với tư cách là ủy viên hàng không, hải quân Nhật Bản và trở thành người Nhật Bản thứ 3 lấy được bằng lái máy bay.

Rời bỏ quân đội với ước mơ tư nhân hóa ngành công nghiệp máy bay

Năm 1914, Nakajima Chikuhei lại tiếp tục được cử đi Pháp để học thêm kinh nghiệm về công nghệ sản xuất máy bay. Sau khi trở về, ông trở thành trưởng nhà máy sản xuất máy bay của quân đội. Mặc dù rất quyết tâm và đam mê nhưng ở giai đoạn này ông đã sớm nhận ra những hạn chế của môi trường làm việc. Nakajima Chikuhei đã suy nghĩ “Ngành công nghiệp máy bay có thể phát triển mạnh mẽ như vậy ở phương Tây chính là nhờ tư nhân hóa. Nhờ tư nhân hóa, các công ty mới không ngừng cạnh tranh với nhau. Và Nhật Bản nếu muốn phát triển ngành này, tư nhân hóa là việc không thể thiếu”.

Đương nhiên là quân đội Nhật Bản thời bấy giờ đã không chấp nhận đề xuất thành lập công ty riêng để sản xuất máy bay đó của Nakajima. Ông đã giả bệnh và nộp đơn xin ra khỏi quân đội.

Thành lập trung tâm nghiên cứu máy bay – Đứng lên từ những thất bại

Tháng 12/1917, Nakajima Chikuhei trở lại quê hương và thực hiện ước mơ được nung nấu từ nhỏ của ông – thành lập trung tâm nghiên cứu với tên gọi “Trung tâm nghiên cứu máy bay”. Cùng với một vài người bạn của mình, ngay lập tức ông bắt tay vào việc thiết kế những chiếc máy bay “thuần Nhật” đầu tiên.

Tuy nhiên, mọi việc đã không thuận lợi như ông tưởng tượng. Tháng 7/1918, ông hoàn thành chiếc máy bay đầu tiên nhưng đã thất bại trong lần bay thử. Sau đó 1 tháng, chiếc máy bay thứ 2 cũng thất bại.
Kết quả giống như vậy cho đến chiếc thứ 4. Vào thời gian đó, ông cũng đã phải chịu rất nhiều chỉ trích và sức ép của dư luận.

Tháng 2/1919, Hiệp hội hàng không quốc gia tổ chức cuộc thi máy bay chở hàng đầu tiên với quãng đường bay Tokyo – Osaka. Nakajima đã sử dụng chiếc máy bay thứ 6 tự sản xuất của mình để tham dự. Mặc dù bị nhầm đường và phải hạ cánh gấp ở Wakayama nhưng máy bay của ông đã đi 2 chiều Tokyo – Osaka với chỉ 2 giờ 10 phút, đoạt giải vô địch và lập kỷ lục mới tại Nhật Bản thời bấy giờ.  

Mặc dù những chiếc máy bay của Nakajima Chikuhei còn rất nhiều tính năng cần cải thiện, tuy nhiên việc nhận được giải thưởng này cũng đã giúp ông bắt đầu nhận được những đơn hàng đầu tiên từ quân đội.

Vượt qua khó khăn thiếu vốn – Tăng trưởng thần tốc rồi lại bị phá hủy tất cả

Để có thể thành lập được trung tâm nghiên cứu máy bay, Nakajima Chikuhei đã phải vay mượn vốn của một thương gia giàu có ở Kobe có tên Là Ishikawa Shigeru. Sau đó, Ishikawa Shigeru chuyển vốn của mình sang cho 1 người khác tên là Kawanishi. Tuy nhiên, tư tưởng của những người làm kinh doanh hoàn toàn khác với những người làm kỹ thuật như Nakajima. Do đó, đến tháng 12/1919, Kawanishi đã rút toàn bộ vốn đã đầu tư lại. Khi rút vốn đầu tư, Kawanishi lại mở một công ty khác chuyên sản xuất máy bay tên là Kawanishi và sau đó nó được đổi tên thành Shinmaya Industry vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ tới hiện nay. 

Sau khi bị Kawanishi rút vốn, Nakajima Chikuhei phải nhờ đến sự giúp đỡ của công ty thương mại tên là Mitsui & Co (là một trong những công ty thương mại lớn nhất của Nhật hiện nay). Cùng với một vài đồng nghiệp còn lại, Nakajima tiếp tục nghiên cứu và sản xuất máy bay. Chỉ một thời gian ngắn sau số lượng nhân viên công ty của ông đã tăng lên 400 người.

Sau đó, ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ quân đội và liên tục mở rộng nhà máy ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản. Đến năm 1924, nhà máy của Nakajima đã sản xuất khoảng một nữa tổng số máy bay cho quân đội Nhật Bản. Nhưng cũng chính vì quy mô lớn như vậy, những nhà máy của ông đã trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Mỹ. Tháng 11/1944 nhà máy ở Musashi bị tấn công đầu tiên, sau đó lần lượt tất cả nhà xưởng của ông đều bị tấn công. Toàn bộ công sức cố gắng của ông chỉ trong vài ngày đã trở về con số 0.

Làm lại từ đầu với sự hỗ trợ của chính phủ.

Sau khi bị quân đội Mỹ tấn công, Nakajima Chikuhei chỉ còn lại nhà máy duy nhất có thể sản xuất máy bay tại thành phố Handa. Thế nhưng trận động đất cường độ 7.9 độ Richer vào ngày 7/12/1944 và cường độ 6.8 độ Richer vào ngày 13/1/1945 đã tàn phá nặng nề cả về người và những trang thiết bị ở đây.

 Tuy nhiên, những khó khăn đó cũng không ngăn được quyết tâm của Nakajima. Tháng 3/1945 là thời kì sản xuất thịnh vượng nhất của nhà máy. 1 tháng nhà máy đưa ra hơn 140 máy bay và được nhất quyết định quốc doanh hóa – chuyên sản xuất phục vụ chính phủ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà máy cũng ngừng hoạt động. Trang thiết bị còn sót lại sau chiến tranh thì hoặc bị phá hủy hoặc phải mang đi đề bồi thường thiệt hại chiến tranh. Nhà máy của ông lại trở về như lúc chưa bắt đầu.

Ngoài kinh doanh, Nakajima Chikuhei còn là một nhà chính trị tài ba

Nakajima-Chikuhei-la-ai-2

Ngoài công việc kinh doanh và đam mê máy bay của mình, Nakajima Chikuhei cũng là một nhà chính trị nổi tiếng. Năm 1930, ông giành chiến thằng trong kỳ bầu cử ở tỉnh với số phiếu bầu cao nhất. Năm 1938, ông trở thành Bộ trưởng bộ đường sắt đầu tiên trong Nội các Konoe. Sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù chỉ trong vòng 50 ngày nhưng ông đồng thời giữ 2 chức vụ là Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ thương mại thời bấy giờ.

Ngày 29/10/1949 ông bị xuất huyết não và mất khi 65 tuổi.

Lịch sử hình thành và phát triển của hãng xe Subaru

lich-su-hinh-thanh-hang-xe-Subaru

Mối liên quan giữa Nakajima Chikuhei và hãng xe Subaru

Thương hiệu ô tô Subaru hiện nay có liên quan như thế nào đến Nakajima Chikuhei?

Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1945, nhà máy sản xuất máy bay của Nakajima đổi tên thành công ty Fuji Sangyo. Tuy nhiên, theo lệnh chính phủ, công ty buộc phải giải thể và chia tách làm 12 công ty nhỏ khác nhau.

1 trong 12 công ty nhỏ đó là công ty Fuji Vehicles chuyên nghiên cứu, sản xuất ô tô. Sau đó, năm 1953 công ty Fuji Vehicles, Fuji Industries, Omiya Fuji Industries, Tokyo Fuji Industries và Utsunomiya Vehicles đã góp vốn lại để cùng thành lập công ty lấy tên là Fuji Heavy Industries và những chiếc xe mang thương hiệu Subaru đã được ra đời từ đó. 6 ngôi sao trong Logo của thương hiệu Subaru hiện nay cũng là đại diện cho 5 công ty góp vốn ban đầu và Fuji Heavy Industries.

Vào tháng 4/2017, Fuji Heavy Industries đã đổi tên thành SUBARU CORPORATION.

Những chiếc xe đầu tiên ra đời

Chiec xe P-1 cua Subaru

Chiec xe P-1 cua Subaru

Chiếc xe Subaru đầu tiên được ra mắt có tên “P-1” vào năm 1954. Công ty đã có ý định sản xuất hàng loạt để đưa chiếc xe này ra thị trường, tuy nhiên để có thể sản xuất hàng loạt cần rất nhiều vốn cũng như mạng lưới kinh doanh và kế hoạch đó đã bị hoãn lại. Bên cạnh đó, công ty cũng đã sản xuất thử xe tải cỡ nhỏ với tên gọi “T-10” nhưng cũng không thể đưa ra mắt người tiêu dùng.

Chiếc xe đầu tiên của Subaru được ra mắt người dùng chính là “Subaru 360” vào năm 1958. Đây là chiếc xe ô tô cỡ nhỏ, đã góp phần đưa ô tô từ vị thế là một phương tiện đi lại của giới “nhà giàu” trở thành phương tiện được sử dụng hàng ngày của những hộ gia đình bình thường.

Subara 360 sử dụng hệ thống truyền động sau (RR). Tuy nhiên, đối với dòng xe nhỏ, hệ thống truyền động trước (FF) mới là lý tưởng nhất. Năm 1966, Subaru 1000 được ra mắt và là chiếc xe có hệ thống truyền động trước đầu tiên của Subaru.

Sản xuất ô tô với những công nghệ riêng của Subaru

Subaru 1000 là chiếc xe đầu tiên ở Nhật sử dụng hệ thống truyền động trước. Nó cũng là chiếc xe đầu tiên được ứng dụng công nghệ động cơ phẳng (động cơ Boxer) – là kỹ thuật nổi tiếng của Subaru vẫn được sử dụng trong tất cả những chiếc xe của mình hiện nay.  

Năm 1971, chiếc xe Leone ra đời là chiếc xe ô tô chở khách đầu tiên được trang bị hệ thống dẫn động 4WD. Sau đó với sự ra đời của Legacy vào năm 1989 và Impreza vào năm 1992, hình ảnh của “Subaru-Sporty 4WD” đã dần khẳng định được vị thế của mình đối với người tiêu dùng. Hầu hết những công nghệ cốt lõi của Subaru vẫn đang được giữ và áp dụng cho những dòng xe tân tiến nhất hiện nay.

Năm 2017, lần đầu tiên tổng số lượng xe ô tô bán ra trên toàn cầu của Subaru đạt hơn 1 triệu xe. Tính đến nay đã 50 năm kể từ khi quyết định ứng dụng động cơ phẳng cho những dòng xe ô tô và 100 năm kể từ khi “trung tâm nghiên cứu máy bay” của Nakajima Chikuhei được thành lập. Năm 2017, công ty Công nghiệp nặng Fuji cũng đã quyết định đổi tên thành Subaru cho thấy quyết tâm muốn tập trung phát triển hơn nữa của thương hiệu xe này.  

 

 

Leave a Reply