Review sách “Lòng người” – Natsume Soseki

“Lòng người” là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Natsume Soseki. Cùng với tiểu thuyết “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu, đây được coi là một trong những cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản từ trước đến nay.

Một phần của truyện còn được trích để làm giáo trình dạy cấp 3 của Nhật đủ để nói lên tầm ảnh hưởng của nó đối với nền văn học Nhật Bản.

Nội dung của cuốn tiểu thuyết không quá phức tạp, chỉ là vẽ lại cảnh của một nhân vật “Tôi” gặp một người Tiên sinh (thầy giáo), ấn tượng với phong cách của Tiên sinh, nhân vật “Tôi” đã đi tìm hiểu về quá khứ của ông.

Ngoài ra, tuy không đả động nhiều bằng những ngôn từ trực tiếp, nhưng Natsume Soseki đã viết cuốn tiểu thuyết này vào thời kì đổi giao giữa thời đại Minh Trị và Đại Chính – một thời kì chuyển giao quan trọng của Nhật Bản. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Natsume Soseki đã vẽ lên được sự “hỗn loạn” trong nỗi lòng của từng người dân Nhật Bản khi đó.

Dưới đây, mình sẽ giới thiệu cho các bạn nội dung chính của cuốn tiểu thuyết “Lòng người” này. Nếu bạn nào muốn dành thời gian để đọc từ đầu, thì hãy bỏ qua bài viết này nhé! 

    (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Natsume Soseki TẠI ĐÂY)

sach-Long-nguoi-Natsume-Soseki

Mua sách tại Tiki  Mua sách tại Fahasa 

Chương 1 Tôi và Tiên sinh

Gặp gỡ

Câu chuyện được bắt đầu từ lần gặp gỡ của Tôi và Tiên sinh. Địa điểm là ở Kamakura.

Tôi khi đó tranh thủ kỳ nghỉ hè đã đi tắm biển tại Kamakura cùng với bạn, tuy nhiên người bạn đó đã có việc gấp, phải trở về nhà giữa chừng và bỏ lại tôi bơ vơ lại một mình.

Khi đang ngồi trong một quán trà, tôi đã nhìn thấy Tiên sinh – người mà khi đó đang đi cùng với một người nước ngoài. Quá ấn tượng trước phong thái của tiên sinh, tôi đã cố thử bắt chuyện với ông vài lần.

Cuộc gặp gỡ của Tôi và Tiên sinh đã diễn ra như vậy…

Thăm mộ

Sau khi tôi quay lại Tokyo để học, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm tiên sinh.

Tiên sinh sống với vợ và một cô người hầu. Ông có rất ít bạn và luôn giữ khoảng cách với Tôi.

Tiên sinh có một thói quen đặc biệt, đó là hàng tháng đi đều đi thăm mộ một người nào đó tại Zoshigaya.

Đã có lần Tôi cùng với tiên sinh đi thăm mộ, nhưng ông không kể gì nhiều cho Tôi, chỉ nói đó là mộ của một người bạn.

Khi đó, tuy luôn giữ khoảng cách với Tôi nhưng Tiên sinh là người đã dạy tôi nhiều bài học, đúng như một “người thầy” của cuộc đời.

Vợ chồng Tiên sinh cũng đang sống với nhau rất chan hòa, hạnh phúc.

Tuy nhiên, đôi lúc tôi cảm nhận được sự buồn bã trên mặt của Tiên sinh nhưng không biết vì sao…

Về quê

Một ngày nọ, Tôi nhận được thư của mẹ báo là cha tôi đang bị bệnh nặng.

Ngay lập tức Tôi đã trở về và may mắn thay bệnh tình của cha tôi không quá nguy kịch như Tôi tưởng.

Sau khi kết thúc kì nghỉ đông, Tôi đã quay trở lại Tokyo.

Quá khứ của Tiên sinh

Khi Tôi kể chuyện cha của mình bị bệnh cho Tiên sinh, ông đã rất nhiều lần khuyên tôi phải làm cho rõ ràng chuyện phân định tài sản khi cha của tôi còn đang minh mẫn.

Tôi đã không thể ngờ rằng khi nói đến chuyện tài sản, Tiên sinh lại trở thành một con người khác như vậy.

Sau này thì Tiên sinh có thổ lộ với Tôi là ngày trước ông đã từng bị lừa nhưng ông chỉ nói vậy mà không kể gì thêm.

Sau đó, Tôi tốt nghiệp đại học và đã quyết định trở về quê, hẹn đến tháng 9 sẽ gặp lại vợ chồng Tiên sinh.

Chương 2 Bố mẹ và Tôi

Khi tôi đang ở quê, có một sự kiện làm rung động Nhật Bản đó là Thiên hoàng Nhật Bản Minh Trị qua đời vì mắc bệnh.

Cùng lúc đó, bệnh tình của cha tôi cũng trở nên nặng hơn và tôi phải hoãn lại lịch quay trở lại Tokyo.

Trong khi cả gia đình đang sốt sắng lo cho bệnh tình của cha tôi thì Tôi nhận được một lá thư rất dài của Tiên sinh. Lá thư đó kể về toàn bộ quá khứ của Tiên sinh và khi Tôi được đọc lá thư đó ông đã không còn trên cõi đời này nũa…

Chương 3 Thư di chúc của Tiên sinh

Dưới đây là nội dung lá thứ di chúc của Tiên sinh:

Lừa dối

Khi tiên sinh còn là học sinh, cả bố mẹ của ông đều mất vì bệnh tật, ông phải sống nhờ người chú của mình. Nhờ người chú hỗ trợ, ông đã được đi học cấp 3 ở Tokyo, do đó ông luôn tin và biết ơn chú của mình.

Một ngày nọ, người chú đó có ý định mai mối Tiên sinh cho con gái của chú – nghĩa là em gái họ của Tiên sinh. Tuy nhiên, Tiên sinh đã từ chối vì không hề có tình cảm với cô em gái họ đó.

Kể từ đó, thái độ của người chú đó thay đổi dần dần. Tự tìm hiểu thì Tiên sinh biết được rằng người chú đó có ý mai mối cũng chỉ vì muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình Tiên sinh.

Bắt đầu từ đó, Tiên sinh trở nên không tin tưởng con người và đã quyết định không trở về quê nữa.

Ở trọ

Tiên sinh đi tìm chỗ trọ ở Tokyo và đã được một gia đình trong quân đội đồng ý cho ở. Gia đình đó có bà chủ và con gái bà chủ.

Cả bà chủ lẫn con gái bà chủ đều đối xử rất tốt với Tiên sinh, nhờ đó mà dần dần Tiên sinh cũng đã bớt nghi ngờ con người.

Thế nhưng, khoảng thời gian đó cũng không kéo dài lâu…

K

Tiên sinh có một người bạn tên là K, học cùng khoa ở trường đại học. K có một hoàn cảnh khó khăn vì có mối bất hòa với chính gia đình của mình.

Cảm thương vì hoàn cảnh của K, Tiên sinh đã rủ ông cùng về sống cùng nhà trọ với mình.

Bà chủ và cô con gái cũng đồng ý cho K ở cùng với Tiên sinh. Thế nhưng điều Tiên sinh không ngờ đến là mối quan hệ giữa K và con gái bà chủ ngày càng trở nên thân thiết. Tiên sinh bắt đầu cảm thấy ghen tức với K…

Bản thân của Tiên sinh, khi thấy K thân thiết với con gái bà chủ thì cũng bắt đầu nảy sinh tình cảm với cô con gái đó và bắt đầu cảm thấy không thích K.

Một ngày nọ, K chủ động tâm sự với Tiên sinh về việc mình đã lỡ yêu con gái bà chủ.

Lúc đó, Tiên sinh chỉ biết lắng nghe và đã không thể nói với K là mình cũng yêu cô ta.

Trong khi đang đắn đo suy nghĩ không biết phải nên nói với K như nào thì Tiên sinh đã gặp riêng bà chủ và ngỏ ý muốn xin cưới con gái của bà.

Bà chủ đã hỏi Tiên sinh vài câu hỏi, cuối cùng rồi cũng đồng ý. Bà đã nói chuyện với con gái của mình.

Và chỉ còn K là người không biết chuyện gì…

Hối hận

Tiên sinh đã thành công trong việc vượt qua K nhưng lại cảm thấy có lỗi với lương tâm của mình và cũng đã không thể nói chuyện đó với K.

K biết chuyện là do bà chủ nói và K cũng đã nói chúc mừng bà chủ như không có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, 2 ngày sau, K đã tự tử bằng cách tự cắt động mạch của mình.

Trước khi chết K có để lại cho Tiên sinh một bức thư.

Trái với suy nghĩ của Tiên sinh, nội dung của bức thư không hề có một lời trách móc nào ông, K chỉ viết rằng ông tự tử vì không cảm nhận được sự sáng sủa của tương lai.

Sau khi K chết, đã có rất nhiều người hỏi Tiên sinh về cái chết của K nhưng ông không trả lời được.

Cũng vì không muốn nhớ lại cái chết của K, Tiên sinh cùng với con gái bà chủ – bây giờ là vợ của Tiên sinh đã chuyển nhà đến ngôi nhà hiện giờ.

Tháng nào Tiên sinh cũng đi thăm mộ của K, có một lần do vợ của Tiên sinh năn nỉ, Tiên sinh đã dẫn vợ của mình cùng đi thăm mộ K. Đứng trước mộ của K cùng với người vợ của mình, nhớ lại việc cũng chính vì mình muốn chiếm đoạt vợ nên K đã phải chết, Tiên sinh đã cảm thấy dằn vặt. Kể từ khi đó, tháng nào Tiên sinh cũng chỉ đi thăm mộ K một mình…

Kết truyện

Tiên sinh không bao giờ quên được cái chết của K. Mỗi khi nhìn thấy vợ của mình, Tiên sinh đều liên tưởng đến K.

Đó cũng chính là lý do Tiên sinh không dám quá gần gũi với vợ. Người vợ không hiểu chuyện này, cứ luôn nghĩ là mình đã làm gì có lỗi.

Sau khi K chết, Tiên sinh đã suy nghĩ rất nhiều về cái chết của K. Lúc đầu, ông nghĩ K tự tử vì thất tình, nhưng sau đó ông nghĩ K tự tử vì sự cô độc.

Bản thân tiên sinh cũng đã cảm thấy rất cô độc.

Cả đời Tiên sinh đã không thoát ra được cảm giác tội lỗi dẫn đến cái chết của K. Đó cũng chính là lý do Tiên sinh đi thăm mộ K hàng tháng và cố gắng đối xử với vợ tốt nhất có thể.

Cứ nghĩ Tiên sinh sẽ sống như vậy cho đến hết đời nhưng đã có một sự kiến lớn làm thay đổi suy nghĩ của ông. Sự kiện đó là sự sụp đổ của Hoàng Đế Minh Trị (Thiên Hoàng băng hà).

Thời đại của Tiên sinh là thời đại chịu ảnh hưởng mạnh nhất của Minh Trị, hầu hết những người dân Nhật Bản thời đó đều cảm thấy tuyệt vọng khi Thiên Hoàng băng hà.

Sau đó 1 tháng, vị tướng quân nổi tiếng khi đó của Nhật là Nori Maresuke của Nhật cũng mất và đó cũng chính là lý do khiến Tiên sinh quyết định tự tử. Trước khi tự tử, Tiên sinh đã viết một bức thư gửi cho Tôi kể về cuộc đời cũng như lý do tự tử của ông và yêu cầu Tôi phải giữ bí mật.

Tổng kết – Ý nghĩa cái chết của Tiên sinh

Các bạn nghĩ Natsume Soseki muốn truyền tải nội dung gì qua cái chết của Tiên sinh?

Nhiều nhà đánh giá của Nhật Bản cho rằng nội dung lớn nhất ông muốn truyền tải đó là sự chấm dứt của thời đại Minh Trị.

Chính cái chết của tướng quân Nori Maresuke là nguyên nhân thúc đẩy Natsume Soseki viết tác phẩm “Lòng người” này.

Dưới ngòi bút của Natsume Soseki, đứng trước thời đại mới – Đại Chính những con người của thời kì Minh Trị đã chết theo đúng “tinh thần Minh Trị”.

Đây là một tác phẩm đã mượn cái chết của Nori Maresuke, của Thiên Hoàng để cho người đọc thấy rõ được về một dấu chấm hết của một thời đại.

Một tác phẩm với lời văn bình dị, không có quá nhiều chi tiết phức tạp, hầu hết chỉ tập trung miêu tả tâm lý nhân vật, nhưng nếu hiểu về lịch sử Nhật Bản (thời đó hầu hết người dân Nhật Bản đều cảm thấy bất an, không tin tưởng vào nhà nước,..) các bạn sẽ thấy tác giả đã miêu tả rất chính xác tâm lý của người dân Nhật trong thời kì bấy giờ. Đó không chỉ là tình yêu trai gái, tình cảm bạn bè, nó còn là cả một sự thất vọng, một nỗi bất an không che giấu nổi về một thời đại mới…

Mua sách tại Tiki  Mua sách tại Fahasa 

 

 

Leave a Reply