“Homo Deus: Lược sử tương lai” là cuốn sách thứ 2 của tác giả nổi tiếng Yuval Noah Harari. Chắc hẳn những người đang cầm trên tay cuốn sách này phần lớn đều đã đọc “Sapiens: Lược sử loài người” – cuốn sách đầu tay của ông. Nếu như cuốn “”Sapiens: Lược sử loài người” tác giả nêu lên những luận điểm của mình về con người từ thời kì cổ đại xa xưa thì trong cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai” tác giả chủ yếu bàn luận về những vấn đề cận hiện đại với chương mở đầu là “Những vấn đề cần giải quyết của con người”.
Theo mình, từ khóa quan trọng nhất trong cuốn “Sapiens: Lược sử loài người” là “hư cấu”. Còn trong cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai”, có vẻ như từ khóa là “thuật toán”. Tác giả lần lượt nêu lên quan điểm của mình đối với loài người, động vật trong từ quá khứ đến hiện tại xoay quanh từ khóa “thuật toán” này. (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm về cuốn “Sapiens: Lược sử loài người” TẠI ĐÂY)
Hãy cùng tìm hiểu những nội dung chính được Yuval Noah Harari nêu trong cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai”.
Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa Mua sách tại Shopee
Nội dung chính của cuốn sách “Homo Deus: Lược sử tương lai”
Chương 1: Những vấn đề cần giải quyết của con người
Từ khi con người bắt đầu biết sử dụng chữ từ 3000 năm trước, loài người của chúng ta đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như nạn đói, dịch bệnh hay chiến tranh,.. Tuy nhiên tính trong khoảng vài chục năm trở lại đây, hầu hết những khó khăn đó đã phần lớn được khăc phục.
Xét riêng về nạn đói, vẫn còn một số nước mà một phần người dân không có đủ lương thực do những chính sách cực đoạn của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta đã khắc phục được rất tốt và hầu như không còn tình trạng chết đói do thiếu thốn lương thực như trong quá khứ. Xét về dịch bệnh, thì có thể thế giới sẽ vẫn phải chống chọi với những dịch bệnh mang tính toàn cầu như SARS (hoặc COVID-19 như thời gian gần đây), tuy nhiên việc không hiểu nguyên nhân hoặc không biết giải quyết như thế nào cũng đã không còn. Chiến tranh trên quy mô lớn cũng đã không còn nữa. Hiện nay số người chết do chiến tranh ít hơn cả những người bị chết do những người phạm tội gây ra. Tổng số người chết do 2 nguyên nhân này nhỏ hơn cả những người chết do tự tử hoặc bị bệnh tiểu đường. Nói chung, loài người chúng ta đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà quá khứ chưa giải quyết được.
Vấn đề mà con người hiện nay đang hướng đến chính là bất tử, hạnh phúc lâu dài hay tiến hóa thành những vị thần.
Đây là chương mở đầu. Sau chương này, tác giả chia sách thành 3 phần. Phần đầu tiên xem xét mối quan hệ giữa Homo Sapiens và các loài vật khác nhằm nỗ lực tìm hiểu điều gì đã khiến giống loài của chúng ta đặc biệt đến thế. Dựa trên các kết luận của phần đầu, phần hai của cuốn sách sẽ xem xét thế giới kì dị mà Homo Sapiens đã tạo ra trong thiên niên kỷ qua, và con đường đã đưa chúng ta tới ngã rẽ ngày nay. Phần cuối của cuốn sách viết về thực tại của thế kỷ 21 bao gồm cả hiện trạng và các tương lai khả dĩ có thể xảy ra.
<Phần 1 Homo Sapiens chinh phục thế giới>
Chương 2: Thế nhân tân
Dựa trên rất nhiều góc nhìn, có thể khẳng định con người chúng ta là loài động vật đang thống trị trái đất. Ví dụ tính riêng về khối lượng, tổng khối lượng con người hiện nay trên trái đất là 300 triệu tấn, trong đó khối lượng của đổng vật chăn nuôi là 700 triệu tấn và động vật hoang dã cỡ lớn là khoảng 100 triệu tấn.
Trong thời kì săn bắt hái lượm, con người chúng ta nhìn động vật giống như những sinh vật đồng loại. Đến thời kì nông nghiệp, với niềm tin vào tôn giáo, con người bắt đầu kiểm soát động vật và sử dụng chúng cho những mục đích của mình. Sang đến thời kỳ cách mạng khoa học, con người thậm chí đã phủ định những tôn giáo mang tính “mê tín dị đoan” và sử dụng động vật như những công cụ cần thiết phục vụ cho đời sống của mình. Ý thức của con người đối với động vật đã thay đổi như vậy.
Chương 3: Nét chói sáng của con người
Thứ rực rỡ, chói sáng nhất mà con người có được là gì? Liệu đó có phải là ý chí hay sự khôn ngoan để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp? Hiện nay số người chấp nhận giả thuyết rằng sự phát triển về ý thức đó chỉ là sự phát triển của một quy trình mang tính tự nhiên. Cảm xúc cũng vậy, không chỉ con người mà cả ở động vật cảm xúc cũng tồn tại.
Các bạn đã nghe câu chuyện về chú ngựa thông minh Clever Hans của Đức bao giờ chưa? Chú ngựa đó có khả năng làm toán và trở nên nổi tiếng ở đầu thế kỉ 20. Nhưng có thật là chú ngựa đó có khả năng làm toán giống như con người? Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thực tế chú ngựa đó chỉ cảm nhận nét mặt của người xem và từ đó đưa ra những phản xạ của mình. Điều này có nghĩa là con người chúng ta cũng bị chi phối bới những thuật toán và chú ngựa Hans có thể đọc được những thuật toán đó.
Câu hỏi tác giả đặt ra ở đây là liệu những thuật toán có phải là thế lực tiềm năng nhất trái đất? Câu trả lời là không. Giống như ví dụ về chú ngựa thông minh Clever Hans ở trên, có những thứ mà con người còn kém cả loài vật. Điều làm nên sự khác biệt giữa Homo Sapiens và các loài khác vẫn chính là “những câu chuyện hư cầu”.
<Phần 2 Homo Sapiens mang lại ý nghĩa cho thế giới>
Chương 4: Những người kể chuyện
Tại chương này, tác giả một lần nữa nêu lại quan điểm đã được nói đến trong cuốn “Sapiens: Lược sử loài người” về sự khác nhau cơ bản giữa con người và động vật. Trong khi động vật sống trong thực tại kép giữa những yếu tố khách quan bên ngoài và chủ quan bên trong thì con người sống lại có thêm một vòng nữa chính là “hư cấu” và “kể chuyện”.
Từ thời Pharaoh các thương hiệu cũng đã tồn tại, cái khác so với thời nay chỉ là đối tượng. Từ thời kì gần 2000 năm trước Công nguyên, những người dân thời Pharaoh đã có thể đào các kênh, hồ nhân tạo chứa được lượng nước lớn hơn cả hồ nhân tạo lớn nhất nước Mỹ ngày nay chỉ bằng những công cụ gỗ và đá chính là nhờ những người dân thời đó tin tưởng vào thương hiệu mang tên Pharaoh.
Trong thời kì mà chữ viết chưa xuất hiện, thương hiệu đã có sức mạnh lớn đến như vậy. Đến khi chữ viết xuất hiện, sức mạnh đó còn được củng cố thêm rất nhiều. Một ví dụ điển hình chính là Kinh thánh. Đến cả ngày nay, khi các tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức hay những nhân chúng trước khi làm chứng trước tòa đều đặt tay lên Kinh thánh trước khi phát biểu.
Chương 5: Cặp đôi lệch lạc
Chúng ta thường hay suy nghĩ khoa học hiện đại có thể phá vỡ tôn giáo. Tuy nhiên có nhiều thứ khoa học không thể chứng minh được và bắt buộc phải có tôn giáo để đưa ra những tiêu chuẩn về giá trị.
Người ta hay kể lại lịch sử như một cuộc chiến đầu giữa khoa học và tôn giáo vì mỗi bên đều tin vào một chân lý khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế không có bên nào quan tâm đến chân lý cả. Trong khi tôn giáo coi trọng việc xây dựng và bảo vệ cấu trúc xã hội thì khoa học lại hướng đến những tiến bộ trong sản xuất hoặc y tế. Do đó, cả hai có thể thỏa hiệp, cùng tồn tại và thậm chí cả hợp tác với nhau.
Chương 6: Thỏa ước hiện đại
Con người chúng ta từ khi sinh ra dường như đã ký vào một bản thỏa ước, bản thỏa ước này sẽ chi phối cho đến khi chúng ta chết đi nhưng hầu hết chúng ta đều không hiểu kĩ nội dung của nó. Hầu hết con người thời nay đều từ bỏ ý nghĩa để chạy theo quyền lực.
Hệ thống tư bản hiện nay đã làm cho những con số thống kê về tăng trưởng trở nên rất đẹp mắt. Thế nhưng nó cũng là môt bản thỏa ước bắt con người phải làm việc không ngừng. Những nhu cầu xa xỉ của quá khứ đã trở thành nhu cầu thiết yếu của hiện tại. Để đổi lấy quyền lực, con người đã phải buông bỏ niềm tin vào một kế hoạch vũ trụ vĩ đại vốn đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Chương 7: Cuộc cách mạng nhân văn
Trên lý thuyết, kế hoạch vũ trụ vĩ đại là thứ mang lại ý nghĩa cho đời sống con người. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân văn lại có quan điểm ngược lại. Theo chủ nghĩa nhân văn, trải nghiệm của con người mới là thứ đem lại ý nghĩa cho vũ trụ.
Chủ nghĩa nhân văn được chia làm 3 nhánh chính là chủ nghĩa nhân văn tự do, chủ nghĩa nhân văn xã hội và chủ nghĩa nhân văn tiến hóa. Theo thời gian, sự khác nhau của 3 nhánh này càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Chính chủ nghĩa nhân văn tự do – chủ nghĩa cho rằng mỗi cá nhân đều có một tiếng nói riêng đã tách những cá nhân ra khỏi những người đồng giai cấp, đẩy đám đông rơi vào tầng lớp nghèo khổ và làm khoảng cách giữa những tầng lớp con người ngày một lớn hơn.
<Phần 3 Homo Sapiens mất kiểm soát>
Chương 8: Quả bom hẹn giờ trong phòng thí nghiệm
Con người chúng ta thường cho rằng chúng ta lực chọn dựa trên ý chí của chính bản thân mình. Liệu có đúng như vậy?
Đã có những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng bằng những chiếc mũ đặc biệt tạo kích thích lên não, chúng ta có thể dễ dàng khống chế và kiểm soát cảm xúc hơn. Điều này có nghĩa là ý chí của con người không thật sự tự do như chúng ta vẫn tưởng.
Chương 9: Cuộc tách đôi vĩ đại
Những gì con người làm được cho kinh tế và quân sự đang bị sự phát triển của AI (trí tuệ nhân tạo) và Robot làm mờ nhạt dần. Nghệ thuật cũng dần trở thành những thuật toán, AI cũng bắt đầu bước chân vào công việc vẽ tranh hay sáng tác nhạc. Những thứ kiểu như “Bản thân không thể chia cắt”, “Bản than thực sự” hay “Tôi hiểu rõ bản thân mình nhất” đang dần bị khoa học chứng mình điều ngược lại.
Trong tương lai, có thể con người sẽ vẫn vẽ tranh, sáng tạc nhạc hay đầu tư, thế nhưng chắc chắn hệ thống hay những con Robot sẽ làm giúp cho con người phần khó nhất, bởi vì chúng hiểu rõ con người hơn chính bản thân họ. Những con người mà có thể bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc sẽ tăng lên, và khoảng cách giữa những con người biết tự nâng cấp bản thân vượt lên trên cả máy móc và những con người khác cũng sẽ ngày càng lớn hơn.
Chương 10: Đại dương ý thức
Giống như những người Hồi giáo tự tạo cho mình một luật lệ là không ăn thịt lợn và cầu nguyện mỗi ngày, tôn giáo giống như là một trò chơi giả lập được tất cả người chơi tin tưởng và chơi theo. Không có quy luật nào bắt buộc họ phải làm như vậy nhưng tất cả mọi người đều làm theo với một niềm tin khi trò chơi kết thúc sẽ được lên level (lên thiên đường).
Thế kỷ 21 chắc cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều tôn giáo. Thế nhưng chắc những tôn giáo mới sẽ không xuất hiện ở Jerusalem hay gốc cây bồ đề mà có thể sẽ là ở thung lũng Silicon. Những tôn giáo công nghệ mới này có thể chia làm 2 loại chính là Chủ nghĩa nhân văn công nghệ và Dữ liệu giáo.
Chương 11: Tôn giáo dữ liệu
Chủ nghĩa nhân văn công nghệ tin rằng con người vẫn luôn là đỉnh cao sáng tạo và chúng ta cần dùng công nghệ để tạo ra những giống loài ưu việt hơn – loài Homo Deus. Loài mới này sẽ giữ lại một số ưu điểm cần có của loài người cũ và nâng cấp thể xác cũng như tinh thần của loài người để họ có thể đứng vững trước sự lớn mạnh không ngừng của các thuật toán.
Một tôn giáo mới có thể sẽ xuất hiện là Dữ liệu giáo (Dataism). Những tín đồ của tôn giáo này tin rằng tất cả mọi thứ tồn tại trên cõi đời này là dữ liệu hay thuật toán. Không quan trọng là vị trí của mặt trời, quan điểm chính trị hay là trái tim tan vỡ của người vừa chia tay, tất cả đều có thể quy ra thành thuật toán. Và nắm được quy tắc của thuật toán này chúng ta có thể điều khiển mọi thứ.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là con người chúng ta sẽ ra sao khi tạo ra những thuật toán có thể xử lý dữ liệu tốt hơn cả bản thân mình? Liệu chúng ta có trở thành những con cừu ngoan ngoãn biết vâng lời? Không ai biết được tương lai, nhưng rõ ràng đây là một ý tưởng không hề dễ chịu…
TỔNG KẾT
Mua sách tại Tiki Mua sách tại Fahasa Mua sách tại Shopee
“Homo Deus: Lược sử tương lai” là một cuốn sách khá dày và mặc dù nó được viết với những luận điểm thể hiện được kiến thức sau xa của Harari nhưng chắc chắn nó không phải là một cuốn sách dễ đọc đối với nhiều người.
So với cuốn sách đầu tay của tác giả “Sapiens: Lược sử loài người” cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai” này có nhiều điểm lặp lại, đôi khi khiến người đọc cảm thấy hơi “dài dòng”, tuy nhiên đây cũng là một cuốn sách rất hay và đáng đọc.